Ác mộng với bộ binh Nga khi Ukraine gắn mìn Claymore lên UAV
M18A1 Claymore là loại mìn chống bộ binh được Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Lạnh, có phạm vi sát thương rất rộng do những mảnh văng khi nổ.
Lực lượng Ukraine đã sử dụng mìn định hướng làm đầu đạn cho máy bay không người lái cảm tử, loại vũ khí này giúp tăng khả năng sát thương khi tấn công bộ binh đối phương.
Hôm 12/3, đơn vị trinh sát Shadow của Ukraine đã đăng video cho thấy lực lượng này sử dụng máy bay không người lái loại nhỏ (drone), tấn công vào một vị trí của binh sĩ Nga ở tiền tuyến.
Trong video, máy bay không người lái trinh sát Ukraine đã phát hiện binh sĩ Nga đang ẩn nấp bên cạnh một gốc cây giữa bãi đất trống và chuyển tọa độ về cho lực lượng triển khai máy bay không người lái cảm tử góc nhìn thứ nhất (FPV) tấn công.
Khi phát hiện chiếc máy bay không người lái FPV của Ukraine đang bay đến gần, binh lính Nga đã vòng ra sau gốc cây để dùng làm chỗ ẩn nấp. Tuy nhiên, máy bay không người lái Ukraine không lao về phía mục tiêu mà đã phát nổ trên không, tạo ra vô số mảnh vỡ rơi xuống đất.
Tuy người lính Nga đã nằm xuống để tránh, nhưng mảnh vỡ từ đầu đạn của máy bay không người lái vẫn rơi trúng. Người này sau đó nằm bất động, dường như đã bị thương.
“Người lính này đã được huấn luyện kỹ càng và biết rằng phải nằm xuống hoặc nấp sau những gốc cây khi bị máy bay không người lái FPV tấn công. Tuy nhiên, chiến thuật trên lần này không phát huy tác dụng”, chuyên gia quân sự David Hambling của Forbes nhận định.
“Mìn Claymore biết bay”
Hambling cho biết vết thương trên người do mảnh vụn gây ra có hình chữ nhật và đầu đạn trên máy bay không người lái có hình dạng giống như một quả mìn dẫn đường bằng Claymore, thay vì hình tròn thông thường. Một số video trên mạng xã hội gần đây cho thấy, các đơn vị của Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái FPV có cơ chế hoạt động tương tự để tấn công lực lượng Nga.
“Quân đội Ukraine đang sử dụng máy bay không người lái FPV mang đầu đạn phân mảnh trên không. Chúng có khả năng gây sát thương lớn hơn nhiều so với đầu đạn RPG thông thường khi tấn công binh lính ở khu vực trống trải. Có thể nói, chúng không khác gì một quả mìn Claymore biết bay”, chuyên gia của Forbes đưa ra nhận định.
M18A1 Claymore là loại mìn định hướng chống bộ binh, được quân đội Mỹ sử dụng phổ biến trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mìn Claymore có hình chữ nhật cong, mặt cong phía trước là hướng gây sát thương.
Bên trong quả mìn chứa đầy thuốc nổ C-4, khi được kích nổ sẽ phóng ra khoảng 700 viên bi kim loại, trong phạm vi một góc 60 độ hình rẻ quạt ra phía trước, tầm sát thương hiệu quả khoảng 50 mét. Mỗi viên bi có lực xuyên phá tương đương một viên đạn.
Sức sát thương lớn hơn
Đã có nhiều quốc gia trên thế giới học được kỹ thuật thiết kế của Claymore và tự phát triển các mẫu mìn tương tự, trong đó có dòng MON-50 của Liên Xô.
Theo Hambling, máy bay không người lái FPV mang đầu đạn RPG có thể tấn công hiệu quả các phương tiện hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép hay pháo tự hành, nhưng khó khăn khi tấn công các mục tiêu là bộ binh, vì họ có thể chủ động, linh hoạt để né tránh.
Chuyên gia này cho biết thêm, “Máy bay không người lái FPV sử dụng loại đạn thông thường được thiết kế để phát nổ khi va chạm. Vì vậy, để đối phó với bộ binh, nó cần phải bắn trúng mục tiêu hoặc ít nhất là phát nổ ngay cạnh mục tiêu đó. Các mục tiêu nhỏ và linh hoạt là thách thức thực sự đối với máy bay không người lái FPV”.
Trong khi đó, cơ chế kích hoạt của mìn định hướng dạng Claymore sẽ khiến bộ binh khó né tránh hơn, do chiếc drone không cần phải chạm vào mục tiêu để phát nổ. Cơ chế này cũng giúp khắc phục tình trạng gián đoạn liên lạc với drone ở giai đoạn cuối do mất tầm nhìn. Người điều khiển vẫn có thể kích nổ đạn trước khi mất tín hiệu vô tuyến.
Việc hiệu ứng sát thương tập trung về một hướng nhất định cũng giúp tăng tỷ lệ thành công của đòn tấn công. “Những mảnh đạn nổ văng theo mọi hướng sẽ tăng khả năng và phạm vi hạ gục kẻ thù”, Hambling nhận xét và cho biết thêm, máy bay không người lái sử dụng đầu đạn này rất phù hợp và hiệu quả khi tập kích binh sĩ đối phương trong chiến hào.
Trong giai đoạn đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine, máy bay không người lái FPV rất khan hiếm và chỉ được sử dụng hạn chế trên chiến trường. Tuy nhiên, hiện tại cả Nga và Ukraine hiện đều sở hữu số lượng lớn máy bay không người lái FPV và đang tích cực tăng cường sản xuất loại vũ khí này. Trong năm nay, Kiev dự kiến sẽ có thêm khoảng 2 triệu máy bay không người lái, trong đó 1 triệu chiếc tự sản xuất, số còn lại sẽ do phương Tây viện trợ.
“Máy bay không người lái cỡ nhỏ được cho là đã phá hủy nhiều xe tăng hơn bất kỳ loại vũ khí nào khác trong cuộc xung đột. Trong giai đoạn tới, chúng còn có thể trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với bộ binh khi được trang bị đầu đạn là những quả mìn định hướng”. Hambled nhận định.