'Ách tắc' khám chẩn đoán ung thư, TPHCM cần thêm lò sản xuất thuốc phóng xạ
Thời gian vừa qua, nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM và Bệnh viện Quân y 175 đều phải chờ đợi từ 4-10 ngày để được chụp PET/CT trong chẩn đoán ung thư, thậm chí phải tìm phương án ra nước ngoài để thực hiện. Trước thực trạng này, ngành y tế TPHCM cần trang bị thêm các lò sản xuất thuốc phóng xạ để đủ khả năng cung ứng dược chất này cho các cơ sở y tế có chuyên khoa ung thư.Thời gian vừa qua, nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM và Bệnh viện Quân y 175 đều phải chờ đợi từ 4-10 ngày để được chụp PET/CT trong chẩn đoán ung thư, thậm chí phải tìm phương án ra nước ngoài để thực hiện. Trước thực trạng này, ngành y tế TPHCM cần trang bị thêm các lò sản xuất thuốc phóng xạ để đủ khả năng cung ứng dược chất này cho các cơ sở y tế có chuyên khoa ung thư.
Thiếu thuốc, người bệnh đi nước ngoài chẩn đoán ung thư
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TPHCM, thời gian qua, bệnh nhân đến khám tại đây đều phải chờ đợi lâu. Trung bình 10 ngày để được chụp PET/CT.
PET/CT là phương tiện ghi hình chẩn đoán không xâm nhập, có nhiều ưu điểm vượt trội hơn các phương tiện hình khác trong phân loại giai đoạn ung thư, đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi tái phát.
Trao đổi thêm với KTSG Online, bác sĩ Tuấn cho biết Bệnh viện Ung bướu TPHCM được trang bị hai máy PET/CT, có công suất ghi hình 30 ca/máy. Với hai máy tại hai cơ sở, bệnh viện có thể nâng công suất đáp ứng tối đa lên 50- 60 ca/ngày nếu đủ thuốc phóng xạ.
Tuy nhiên, bệnh viện này phải mua dược chất phóng xạ 18F-FDG từ đơn vị sản xuất hoặc nhận chuyển nhượng từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong khi đó, nguồn cung từ Chợ Rẫy chỉ đáp ứng chụp khoảng 7-9 ca/ngày, nghĩa là chưa đến 1/3 nhu cầu hiện tại của Bệnh viện Ung bướu thành phố. “Có trường hợp bác sĩ buộc phải chỉ định cận lâm sàng khác thay thế. Thế nhưng, đối với nhiều người bệnh, việc thay thế này không thể đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ và sớm những thay đổi sau điều trị”, bác sĩ Tuấn nói.
Không chỉ tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Quân y 175 cũng xảy ra tình trạng thiếu thuốc phóng xạ trong chẩn đoán ung thư. Bệnh nhân phải đợi từ 4-5 ngày mới được chụp PET/CT.
Nói về nguyên nhân tình trạng thiếu thuốc này, ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết hệ thống Cyclotron sản xuất thuốc phóng xạ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã vận hành từ lâu, khả năng sản xuất không đủ đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của các bệnh viện tại TPHCM.
Trong trường hợp máy hư hỏng phải chờ sửa chữa, bảo trì và cần có thời gian để mua linh kiện thay thế từ nước ngoài thì bệnh viện, bệnh nhân buộc phải đợi.
Ngoài ra, dây chuyền sản xuất dược chất phóng xạ của Công ty cổ phần Y học Rạng Đông (chi nhánh tại TPHCM nằm trong khuôn viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ – Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ). Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan nên dây chuyền sản xuất này chưa thể được đưa vào hoạt động và cung ứng ra thị trường. “Tình trạng này dẫn đến người bệnh phải chờ đợi nhiều ngày mới được chụp PET/CT. Trong nhiều trường hợp, người bệnh phải đến tỉnh thành khác như Huế, Hà Nội, thậm chí phải ra nước ngoài để được thực hiện. Điều này làm tăng chi phí, thời gian của người bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị”, ông Nam cho hay.
Xâydựng thêm lò cyclotronđể cung ứng thuốc phóng xạ
Theo thông tin trên cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế, hiện có 3 cơ sở sản xuất dược chất phóng xạ 18F-FDG được cấp giấy đăng ký lưu hành. Trong đó có 2 nhà máy sản xuất tại Hà Nội và 1 nhà máy tại TPHCM (Công ty Cổ phần Y học Rạng Đông – chi nhánh tại TPHCM). Đặc điểm của 18F-FDG là có tuổi thọ ngắn (dưới 12 giờ) và thời gian bán hủy ngắn (khoảng 110 phút). Vì vậy, việc sử dụng phải được tiến hành ngay sau khi sản xuất. Việc vận chuyển thuốc từ các địa phương khác về thành phố để sử dụng là không khả thi.
Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho rằng các bệnh viện trên địa bàn thành phố có trang bị PET/CT sử dụng dược chất phóng xạ 18F-FDG để chẩn đoán bệnh lý ung thư và một số bệnh lý khác là Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Nhu cầu sử dụng các dược chất phóng xạ phóng xạ trong chẩn đoán và điều trị tại TPHCM, đặc biệt tại các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Ung Bướu là rất lớn và ngày càng tăng do yêu cầu của chẩn đoán và điều trị.
Trước thực trạng này, ông Nam cho biết: “Trước mắt, các bệnh viện vẫn tiếp tục chuyển nhượng thuốc từ Bệnh viện Chợ Rẫy để duy trì hoạt động chẩn đoán bằng phương pháp PET/CT. Song song đó, để giải quyết nhu cầu chẩn đoán sớm cho người bệnh khi không đủ thuốc 18F-FDG, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp cận lâm sàng khác để thay thế như MRI, CT scan…”
Sở Y tế thành phố cũng đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ phối hợp thực hiện các thủ tục pháp lý để đưa nhà máy của Công ty cổ phần Y học Rạng Đông tại thành phố Thủ Đức vào hoạt động.
Bên cạnh đó, “vì không chỉ tiếp nhận người bệnh trên địa bàn mà còn tiếp nhận số lượng lớn người bệnh từ các vùng, nơi khác đến khám nên về lâu dài, TPHCM cần được trang bị thêm các lò Cyclotron để đủ khả năng cung ứng dược chất phóng xạ cho các cơ sở y tế chuyên ngành, đặc biệt như Bệnh viện Ung Bướu thành phố”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Phó chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, hiện ngành y tế thành phố đang xây dựng Đề án huy động nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển y tế trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo. Trong đề án, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chủ trì “Dự án đầu tư xây dựng lò Cyclotron sản xuất nguồn đồng vị phóng xạ dùng trong y tế. Cùng với đó là “Dự án đầu tư xây dựng trung tâm xạ trị Proton đặt tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM” để bệnh viện chủ động được nguồn cung ứng dược chất phóng xạ, phục vụ chẩn đoán và điều trị cho người bệnh.