Ách tắc ở các cửa ngõ, gỡ ra sao?

Hàng vạn người đã dồn về cửa ngõ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương để tìm đường thoát thân với đúng nghĩa đen của nó.

Đêm 30-9 và suốt trong ngày 1-10, hàng vạn người dân rời TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về quê và họ bị chặn lại tại các cửa ngõ.

Đặc biệt trong đêm 1-10, hàng ngàn người dân ở Bình Dương về quê, họ đứng dưới trời mưa trước các chốt kiểm soát với hy vọng được về quê nhưng lực lượng kiểm soát đã thuyết phục họ ở lại.

Vì sao dân muốn về?

Câu trả lời chung nhất là sinh kế kiệt quệ, không được nâng đỡ tinh thần, bị hạn chế về tự do bởi các biện pháp chống dịch. Và thực ra còn lý do nữa: Họ quá mỏi mòn và cạn hy vọng.

Nếu lấy mốc thời gian là dịp tết để tính toán cho tương lai, những người đó không đủ tin tưởng từ nay đến tết nguyên đán, họ có thể ổn định đời sống; và họ cũng không đủ niềm tin cho ngày sau.

Cơn đại dịch quái ác đã khiến xã hội phải vận hành theo trạng thái bất thường kéo dài. Vì vậy mỗi người dân, nhất là tầng lớp dễ tổn thương, phải hoạch định lại đời mình. Mà để bắt đầu, quê hương và gia đình luôn là bệ đỡ, là căn cứ. Không nên phủ nhận hoặc tìm cách lý giải khác đi, ai cũng cần một căn cứ như vậy, trong cuộc đời.

Và trên đường về "căn cứ", về NHÀ, họ bị ngăn lại. Vậy là xảy ra cãi vả, gào thét, quỳ lạy. Một bên vì lý do công vụ và vì lợi ích lớn hơn của xã hội (trong đó có lợi ích của chính người đang bị ngăn cản), một bên bức xúc vì bị ngăn cản về quê, lối thoát duy nhất trong tình cảnh hiện tại.

Vì sao chính quyền nhất định ngăn cản?

Vì luật pháp và trách nhiệm.

Các quy định hiện hành không cho phép người dân vùng dịch tự ý di chuyển vì có thể gây bùng dịch. Một cuộc di cư quy mô như thế là không thể kiểm soát.

Hai tháng trước, để giải phóng nỗi bức bí của công nhân khu trọ Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và Biên Hòa, CSGT Đồng Nai đã dẫn đường cho hàng ngàn công nhân về quê. Bình Thuận lập tức phản ứng gay gắt về "việc làm tự phát của chính quyền" Đồng Nai; và Ninh Thuận cũng vất vả khi trong 2000 người về có tới 400 ca nhiễm.

Người dân đứng dưới mưa đến 23 giờ đêm 1-10 ở Bình Dương với hy vọng qua được chốt để về quê. Ảnh: LÊ ÁNH

Người dân đứng dưới mưa đến 23 giờ đêm 1-10 ở Bình Dương với hy vọng qua được chốt để về quê. Ảnh: LÊ ÁNH

Điều này, nếu trở thành tiền lệ, sẽ gây áp lực cực lớn cho chính quyền điểm đến, phá vỡ kế hoạch và nỗ lực ngăn dịch. Khi đó, mọi phê phán sẽ dồn lên chính quyền địa phương nơi đã để những người dân này rời đi.

Vì sao quê hương chưa thể đón dân về?

Cho đến nay Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Ninh Thuận đã có những cố gắng đón dân về. Trong đó các tỉnh chủ yếu "xả van" áp lực khi đón một số ít, riêng Phú Yên liên tục đón dân về trong trật tự, chu đáo với hơn 17.000 người đã về quê theo các đoàn do tỉnh tổ chức; ngay từ thời điểm Phú Yên đang căng mình chống dịch, và việc trở về không hề gây bùng dịch.

Thành công của Phú Yên giúp an dân và có thể trở thành một bài học cho chính quyền nhiều địa phương khác trong các mặt: Xã hội hóa nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với chính quyền nơi người dân tạm trú; tổ chức khoa học với lộ trình và tần suất phù hợp so với năng lực cách ly, chăm sóc người dân về quê.

Thế nhưng các địa phương miền Tây thì khác. Hạ tầng y tế kém; ít cơ sở cách ly, điều kiện xã hội và cả truyền thống tập tục sinh hoạt rất dễ gây bùng dịch. Trong khi đó lượng lao động trở về rất đông, khoảng cách gần sẽ khiến một cuộc hồi hương "tự phát" (theo cách nói lâu nay) thành một đợt bùng dịch vô phương kiểm soát.

Tối 1-10, hàng trăm người dân đi xe máy với lỉnh kỉnh đồ đạc đang tập trung trên Quốc lộ 13 đoạn qua phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương để về quê ở các tỉnh miền tây.

Tối 1-10, hàng trăm người dân đi xe máy với lỉnh kỉnh đồ đạc đang tập trung trên Quốc lộ 13 đoạn qua phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương để về quê ở các tỉnh miền tây.

Và khi đó việc tăng ca nặng, ca tử vong sẽ đẩy chính quyền vào thế buộc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa cứng rắn trong khi không thể lo nổi đời sống cho dân; nguồn lực chi viện từ trung ương và các tỉnh ep hẹp bởi lâu nay đã dồn lực chi viện cho TP.HCM và Đông Nam bộ.

Cần một kế hoạch tháo gỡ

Chính phủ một mặt yêu cầu "Ai ở đâu ở yên đấy", cứng rắn ở vùng dịch; Một mặt lại chỉ đạo các tỉnh nghiên cứu đưa dân về. Điều này đặt cả chính phủ lẫn các địa phương vào thế rất khó.

Chính quyền địa phương không cho dân rời đi theo lệnh chính phủ, còn dân thì nói chính phủ đã bảo đưa dân về sao cấp dưới đùn đẩy né tránh? Mỗi người mỗi nơi tùy vào nhu cầu của mình sẽ vận dụng các ý kiến và văn bản chỉ đạo theo hướng thuận tiện nhất cho mình.

Với tình hình này, việc dự báo nguồn lực lao động để phục hồi sản xuất và ổn định kinh tế là thách thức lớn của chính quyền các cấp. Về nguyên lý cung cầu, việc phục hồi sản xuất sẽ kéo lao động về lại như cũ. Nhưng về tâm lý xã hội và năng lực, nhu cầu cá nhân, nỗi ám ảnh của hai năm bấp bênh và nhiều tháng phong tỏa đã khiến những người dân quy hoạch lại đời mình. Trong đó, việc xa quê mưu sinh và lập nghiệp đã được nhiều người loại bỏ khỏi dự định. Chỗ trống này không dễ lấp trong ngắn hạn.

Và trả lời câu hỏi trên là điều phải cùng nhau nghĩ đến, lên kế hoạch tháo gỡ, bố trí lộ trình, phương pháp, nguồn lực một cách thống nhất, đồng lòng. Gỡ được nó cũng là trả lời cho tương lai sống an toàn với dịch!

Nói như ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, "Mấu chốt là việc làm và đời sống. Ở Đồng Nai họ không còn sống nổi mới bỏ đi. Còn nếu được đi làm, kiếm ăn thì họ sẽ gắn bó. Đó là quy luật muôn thuở" và đây cũng là một gợi ý.

NGUYỄN ĐỨC HIỂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/ach-tac-o-cac-cua-ngo-go-ra-sao-1019129.html