ADB đồng ý cung cấp nguồn vốn vay cho các dự án quan trọng tại Cần Thơ
Ngày 29/3, UBND thành phố Cần Thơ đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Theo đó, ADB đã đồng ý cung cấp nguồn vốn vay cho các dự án lớn quan trọng tại thành phố Cần Thơ.
Cụ thể, ADB đã đồng ý cung cấp nguồn vốn vay cho "Dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố Cần Thơ thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu" bao gồm các công trình như: Xây dựng cầu vượt tại 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố; đường Trần Hoàng Na nối dài (đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến Quốc lộ 91B); Đường Hẻm 91 (đoạn từ Đường tỉnh 918 đến Đường tỉnh 923).
Theo ông Phạm Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Giao thông -Vận tải thành phố Cần Thơ, việc đầu tư xây dựng các công trình này là rất cần thiết, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố Cần Thơ.
Đồng thời, chia sẻ lưu lượng giao thông với các tuyến đường hiện hữu trung tâm thành phố, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, tiếng ồn, khí thải của các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường; mở rộng không gian đô thị tạo điều kiện hình thành các khu đô thị mới, hiện đại, thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu dọc theo các dự án này.
Tổng mức đầu tư dự kiến của Dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thành phố Cần Thơ thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu dự kiến khoảng 4.900 tỷ đồng, tương ứng với 199,6 triệu USD; trong đó, vốn vay từ ADB là 130,3 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách địa phương là 69,3 triệu USD. Thời gian thực hiện các công trình trên trong giai đoạn 2023-2030.
Công trình xây dựng cầu vượt tại 5 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố dự kiến có tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến 2.100 tỷ đồng, tương đương với 85,5 triệu USD; trong đó, nguồn vốn vay từ ADB là 79,8%, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác là 20,2%.
Công trình Đường Trần Hoàng Na nối dài có tổng chiều dài khoảng 7,6 km với chiều rộng mặt đường là 40 m với tổng nguồn vốn đầu tư là 1.750 tỷ đồng, tương đương với 71,3 triệu USD; trong đó, nguồn vốn vay từ ADB là 55,6%, nguồn vốn đối ứng từ ngân sách thành phố là 44,4%.
Công trình Đường Hẻm 91 có tổng chiều dài toàn tuyến là 5,15 km có 2 nguyên đơn phía ngoài cùng rộng 16 m; đồng thời thực hiện giải pháng mặt bằng đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy quy với lộ giới 40 m. Tổng mức đầu tư công trình là 1.050 tỷ đồng, tương ứng với 42,8 triệu USD; trong đó, nguồn vốn vay từ ADB 52,6% và vốn đối ứng từ ngân sách địa phương là 47,4%.
Ông Trần Phú Lộc Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết, gói hỗ trợ kỹ thuật tích hợp giữa Kế hoạch ứng phó với Biến đổi Khí hậu và Kế hoạch Hành động tăng trưởng xanh cho thành phố Cần Thơ đã được các sở, ngành thành phố thống nhất về mặt thực tiễn cần thiết nên kết hợp cho Kế hoạch hành động chung, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Về nguồn lực đầu tư của thành phố cũng có hạn nên nếu để 2 kế hoạch độc lập sẽ phân tán, manh mún trong việc đầu tư, nhất là việc sử dụng vốn đầu tư công. Do đó, cần thiết phải có một nghiên cứu khoa học và thực tiễn kết hợp giữa 2 kế hoạch. Việc nhận gói hộ trợ kỹ thuật 200.000 USD từ ADB là rất cần thiết về mặt thực tiễn hiện nay tại thành phố.
Theo ông Huỳnh Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ, dự án đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải Cái Sâu 1 thuộc phường Phú Thứ, quận Cái Răng có tổng vốn đầu tư dự kiến trên 1.538 tỷ đồng, nếu được đầu tư từ nguồn vốn vay của ADB với toàn bộ hệ thống thu gom về nhà máy xử lý nước thải với công suất 30.000 m3/ ngày đêm là phù hợp với điều kiện thực tiễn tại thành phố Cần Thơ hiện nay.
Thành phố Cần Thơ ưu tiên đầu tư nhà máy xử lý nước thải ở Cái Sâu trước tiên bởi hiện nay nơi đây đã có đất sạch và đã có Nhà máy xử lý nước thải Cái Sâu 1 là công trình trọng điểm được xây dựng để xử lý nước thải cho 10/13 phường của quận Ninh Kiều.
Dự án được khởi công từ năm 2007 và chính thức được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2018 do WASSCO Cần Thơ làm chủ đầu tư và liên danh WaRoTec (Đức) và HAWEICCO (Việt Nam) làm tổng thầu EPC. Hiện nhà máy có công suất xử lý 30.000 m3/ngày đêm và có thể nâng công suất lên đến 120.000 m3 khối/ngày đêm. Còn việc đầu tư các điểm xử lý nước thải ở các quận, huyện khác trên địa bàn thành phố, thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư sau.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, để các dự án được triển khai nhanh chóng, UBND thành phố Cần Thơ đề nghị phía ADB cho ưu tiên triển khai trước gói hỗ trợ kỹ thuật trị giá 200.000 USD cho Dự án lập Kế hoạch tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu. Các dự án giao thông sẽ dành ưu tiên số 2 mặc dù quy trình sẽ còn kéo dài. Đối với Dự án nâng cấp nhà máy xử lý nước thải, UBND thành phố đề nghị ADB tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, hỗ trợ kinh nghiệm cho thành phố Cần Thơ.
Ông Hồng cũng mong muốn sau cuộc họp này, ADB sớm có văn bản chính thức đồng ý nội dung các khoản vay, hỗ trợ các dự án trên dịa bàn thành phố về các nội dung đã thảo luận để làm cơ sở cho thành phố làm việc với các bộ ngành trung ương và thực hiện các thủ tục để triển khai các dự án một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Ông Keiju Mitsuhashi, Phó Giám đốc Quốc gia ADB, Trưởng đoàn công tác cho biết, qua làm việc với Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, ADB nhận thấy các dự án giao thông trên địa bàn là rất quan trọng, cần thiết và đồng ý tài trợ. Ông Keiju Mitsuhashi hứa trong thời gian sớm nhất sẽ soạn thảo văn bản đồng ý các danh mục, kinh phí, cơ chế vay và các vấn đề có liên quan cho thành phố Cần Thơ.
Ông Keiju Mitsuhashi cùng với các thành viên trong đoàn công tác cũng đã thảo luận với lãnh đạo các sở ban ngành của thành phố Cần Thơ về các phương án tối ưu nhất về nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện Dự án nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Cái Sâu 1 của thành phố Cần Thơ trong thời gian tới./.