ADB: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023, theo ấn bản cập nhật của Báo cáo kinh tế hàng đầu vừa công bố ngày 21/9.

Đáng chú ý, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong 3 báo cáo gần nhất. Và Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong năm nay và năm tới.

Phóng viên LÊ HƯƠNG: “Ngoài những động lực tăng trưởng chính như công nghiệp chế biến chế tạo,dịch vụ và tiêu dùng nội địa,báo cáo của ADB nhấn mạnh đến nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Theo ADB, nền tảng vĩ mô ổn định từ trước trong và sau Covid-19 đã giúp kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng khá. Đây là lý do kiến ADB giữ nguyên đánh giá lạc quan tăng trưởng của Việt Nam ở mức cao,trong khi dự báo tăng trưởng cho khu vực châu Á được điều chỉnh từ 5,5% xuống 4,7%.”

Dự báo của ADB phản ánh sự lạc quan tương đối của các tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế Việt Nam. Mới đây, hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody’s Investors Service đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.

Ông ANDREW JEFFRIES, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: “Một trong những lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia khác hiện nay, đó là nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đang có mức nợ công cao, và trước khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ FED có thể tiếp tục tăng lãi suất, nhiều quốc gia phải tăng lãi suất, và điều này sẽ tác động lớn đến nợ công trên toàn cầu. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia không còn dư địa về chính sách tài khóa như Việt Nam, để có thể chống chịu với những cú sốc khác có thể xảy ra trong tương lai.”

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng. Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Sự thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phục hồi nhanh chóng của các ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022. Và việc cần làm là đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế.

Ông NGUYỄN MINH CƯỜNG, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: “Khi mà dư địa chính sách tiền tệ và tài khóa dần dần thu hẹp lại thì đối với các biện pháp kích thích nền kinh tế: Giải ngân vốn đầu tư công cũng như gói hỗ trợ nền kinh tế là rất quan trọng. Cho nên việc từ giờ đến cuối năm cũng như năm 2023 Việt Nam phải hết sức nỗ lực trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, bởi đây là biện pháp hỗ trợ cho Việt Nam trong việc duy trì tăng trưởng trong năm 2022 cũng như năm 2023.”

Bên cạnh đó, dự báo lạm phát của Việt Nam cũng không thay đổi qua 3 lần báo cáo của ADB, duy trì ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4% cho năm 2023.

Thực hiện : Lê Hương Nhật Huy

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/adb-kinh-te-viet-nam-tang-truong-65-nam-2022-va-67-nam-2023