Bầu cử tổng thống Mỹ và xu hướng của đô la

Nhiều chuyên gia đánh giá, dù là đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden hay ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay thì đồng đô la cũng sẽ có chuyển động mới.

(KTSG Online) – Nhiều chuyên gia đánh giá, dù là đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden hay ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay thì đồng đô la cũng sẽ có chuyển động mới.

Tuy nhiên, những người này vẫn bất đồng về hướng di chuyển của đồng bạc xanh sau cuộc bầu cử.

Nếu Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, tác động của kết quả này đối với đô la Mỹ dễ đoán hơn. Ngược lại, nếu ông Trump giành chiến thắng, xu hướng chuyển động của đô la sẽ khó lường. Ảnh: Investopia

Nếu Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, tác động của kết quả này đối với đô la Mỹ dễ đoán hơn. Ngược lại, nếu ông Trump giành chiến thắng, xu hướng chuyển động của đô la sẽ khó lường. Ảnh: Investopia

Nhiệm kỳ thứ hai của ông Biden sẽ kém tích cực hơn cho đô la

Nếu Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, tác động của kết quả này đối với đô la Mỹ dễ đoán hơn. Đô la mạnh lên trong những năm gần đây vì Tổng thống Joe Biden ủng hộ kích thích tài chính mạnh mẽ và cho phép Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất để đối phó lạm phát. Sự kết hợp giữa chính sách tài khóa lỏng lẻo và tiền tệ thắt chặt này đã tạo nên một đồng tiền mạnh, theo Barry Eichengreen, giao kinh tế và khoa học chính trị của Đại học California ở Berkeley (Mỹ).

Tuy nhiên, với mức thâm hụt ngân sách tăng cao và nợ công tăng lên đến mức mà nhiều người Mỹ thấy đáng báo động, nếu tái đắc cử, ông Joe Biden sẽ có ít dư địa tài khóa hơn để sử dụng.

Trong khi đó, Fed dự kiến giảm lãi suất chính sách khi lạm phát tiếp tục giảm. Kịch bản này sẽ kém tích cực hơn đối với đồng đô la trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Theo giáo sư Barry Eichengreen, điều đó không báo trước một cuộc khủng hoảng đồng đô la nhưng là công thức khiến đồng bạc xanh yếu hơn một chút.

Cuối cùng, chính quyền Tổng thống Biden rất cẩn trọng trong việc hợp tác với các đồng minh khi áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga. Do đó, việc “vũ khí hóa” đồng đô la đã không dẫn đến cuộc chạy đua đa dạng hóa dự trữ ngoại hối rộng rãi trên toàn cầu, thể làm suy yếu đồng tiền của Mỹ.

Trong trường hợp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng thì nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông sẽ mang đến những tác động khó đoán hơn đối với đô la.

Đầu năm nay, một nhóm nhà phân tích của ngân hàng Citi đã phân tích xu hướng của đô la trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây của ông Trump (2017-2021). Nhóm này nhận thấy, đô la tăng giá khoảng 5% sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump vào năm 2016. Tuy nhiên, đồng bạc xanh lại giảm giá với mức tương tự vào khoảng thời gian ông thất bại trong cuộc bầu cử tổng thổng năm 2020.

Dựa trên cơ sở này, thật hấp dẫn khi nghĩ rằng chiến thắng của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Trump vào năm 2024 sẽ lại dẫn đến đồng đô la mạnh hơn.

Nếu đắc cử, ông Trump có thể cắt giảm thuế nhiều hơn cho doanh nghiệp và người giàu. Ông cũng có ít khả năng chỉ trích các khoản nợ và thâm hụt ngân sách cao kỷ lục khi chính ông là người đã thúc đẩy điều này trong nhiệm kỳ tổng thống trước đây. Theo các ước tính, tổng nợ công của Mỹ tăng thêm 6,7 nghìn tỉ đô la dưới thời của ông Trump và tăng thêm 6,3 nghìn tỉ đô la trong nhiệm kỳ hiện nay của ông Biden.

“Chúng ta đã thấy chính sách tài khóa mở rộng có lợi cho đồng đô la như thế nào”, Barry Eichengreen nói.

Tương tự, các mức thuế mới mà ông dự kiến áp lên với hàng nhập khẩu từ tất cả các nước cũng có khả năng hỗ trợ đồng đô la. Thuế quan làm cho hàng nhập khẩu đắt hơn. Điều này khiến người tiêu dùng Mỹ chuyển hướng chi tiêu sang hàng nội địa, đẩy giá cả lên cao. Lúc đó, Fed có buộc phải ứng phó lạm phát bằng cách tăng lãi suất một lần nữa, giúp củng cố sức mạnh của đô la.

Các cố vấn của ông Trump muốn đô la suy yếu

Theo giáo sư Eichengreen, các kịch bản khác cũng có thể xảy ra. Vốn là người ủng hộ lãi suất thấp, ông Trump có thể gây áp lực buộc Fed không phản ứng với lạm phát cao bằng chính sách thắt chặt tiền tệ. Kết quả của kịch bản này là lạm phát kéo dài, gây bất lợi cho đô la. Các cố vấn của ông Trump đang thảo luận kế hoạch thay đổi vị thế pháp lý, nhiệm vụ hoặc quy trình chính sách của Fed, để yêu cầu cơ quan này tham khảo ý kiến hoặc thậm chí nhận lệnh từ tổng thống.

Dù thế nào đi nữa, đến tháng 5-2026, khi nhiệm kỳ của Chủ tịch Fed, Jerome Powell, kết thúc, ông Trump, với tư cách là tổng thống sẽ đề cử một chủ tịch Fed “vâng lời” hơn. Có thể, ông sẽ làm như vậy vì đã từng mô tả việc ông đề cử Powell cho ghế chủ tịch Fed vào năm 2017 là “sai lầm”.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống trước đây, ông Trump liên tục bất đồng với ông Powell và thường xuyên chỉ trích ông Powell khi Fed liên tục nâng lãi suất vào năm 2018 và 2019.

Hơn nữa, có nhiều đồn đoán rằng, các cố vấn có ảnh hưởng của ông Trump đang tìm cách khiến đô la yếu hơn. Những người này đã chứng kiến sức mạnh của đô la đã làm suy yếu tác động của chính sách tăng thuế nhập khẩu lên cán cân thương mại của Mỹ trong nhiệm kỳ trước đây của ông Trump như thế nào. Vì vậy, nhóm cố vấn dường như muốn ngăn chặn điều tương tự xảy ra lần nữa.

Nhóm này có thể sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với những nước không ngăn được đồng tiền của họ mất giá so với đồng đô la. Họ có thể lấy Thỏa ước Plaza năm 1985 làm ví dụ về việc các chính phủ nước ngoài có thể bị Mỹ gây áp lực như thế nào nếu không áp dụng các chính sách tăng tỷ giá hối đoái.

Thỏa ước Plaza được nhóm G5 khi đó gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp ký ở khách sạn Plaza, thành phố New York vào tháng 9-1985. Theo đó, G5 thỏa thuận giảm giá đồng đô-la Mỹ so với đồng yen Nhật Bản và đồng Mác Đức (đơn vị tiền tệ của Cộng hòa liên bang Đức trước) bằng cách can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Một ý tưởng khác của các cố vấn của ông Trump là đánh thuế đối với việc mua tài sản của nước ngoài tại Mỹ để ngăn chặn khoản đầu tư nước ngoài đó hỗ trợ giá của đồng bạc xanh duy trì ở mức cao.

Liệu các biện pháp này trên thực tế có đạt được mục tiêu củng cố vị thế cạnh tranh của ngành sản xuất Mỹ trên thị trường toàn cầu hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Thuế đánh vào vốn nước ngoài nhằm ngăn cản đầu tư vào Mỹ sẽ không làm cho nền kinh tế Mỹ trở nên cạnh tranh hơn.

Việc đe dọa tăng thuế đối với các nước nếu nếu đồng tiền của họ không giảm giá có thể phản tác dụng, làm đồng đô la mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, dù bị hoai nghi, những biện pháp trên không thể bị loại trừ.

Theo Financial Times

Khánh Lan

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bau-cu-tong-thong-my-va-xu-huong-cua-do-la/