AEM-54: Thích ứng, chủ động và linh hoạt, vì một ASEAN rộng mở trong kinh doanh
Sau một tuần làm việc khẩn trương và bận rộn, tối 18/9, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN lần thứ 54 (AEM-54) và các hội nghị liên quan đã khép lại với cuộc họp báo thông báo kết quả hội nghị tại khách sạn Sokha Siem Reap (tỉnh Siem Reap), Vương quốc Campuchia - nước Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022. Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, Chủ tịch AEM-54 Pan Sorasak và Phó Tổng thư ký ASEAN Satvinder Singh đồng chủ trì.
Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, phát biểu tại cuộc họp báo, Chủ tịch AEM-54 Pan Sorasak bày tỏ phấn khởi khi nói “ASEAN vẫn mở rộng kinh doanh”, xem đây là một trong những quyết định quan trọng tại Hội nghị AEM-54 và các hội nghị liên quan lần này, góp phần tăng sức hấp dẫn và nâng cao hơn nữa vai trò của ASEAN với tư cách là nơi hội tụ của thương mại và đầu tư, thể hiện qua các việc như khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), kiểm điểm tình hình thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), hoàn thành Báo cáo Nghiên cứu khả thi về việc tăng cường Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), kết thúc đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh, xúc tiến đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nghiên cứu khả thi Hiệp định khung về kinh tế số của ASEAN, chuẩn bị cho hoạt động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về hợp tác sở hữu trí tuệ…
Chủ tịch AEM-54 Pan Sorasak nhấn mạnh mục đích của hội nghị lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện chương trình nghị sự xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN trong năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia với khẩu hiệu “ASEAN hành động - Cùng ứng phó các thách thức chung”. Trên tinh thần đó, Campuchia đang hướng tới hoàn thành 19 ưu tiên kinh tế trong vai trò Chủ tịch ASEAN với sự ủng hộ mạnh mẽ từ các quốc gia thành viên ASEAN với 5/19 ưu tiên đã hoàn tất, các ưu tiên còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2022.
Ông Pan Sorasak nêu rõ: "Việc hoàn thành các ưu tiên kinh tế đó sẽ giúp ASEAN tạo nền tảng vững chắc trong khu vực trong việc kết nối số, khoa học và công nghệ, thu hẹp khoảng cách phát triển và cạnh tranh trong ASEAN, thúc đẩy hội nhập bao trùm, khả năng chống chịu và cạnh tranh của ASEAN, cũng như thúc đẩy tăng trưởng và phát triển ASEAN nói chung”.
Chủ tịch AEM-54 Pan Sorasak điểm lại những kết quả quan trọng khác đến từ nỗ lực chung của khối ASEAN. Theo đó, trong bối cảnh gia tăng các chỉ số về lạm phát, giá dầu khí, chi phí sinh hoạt và năng lượng, các Bộ trưởng ASEAN đã trao đổi, thảo luận và thống nhất nhiều nội dung và giải pháp để vãn hồi và hỗ trợ khu vực với tinh thần đối tác và cùng làm việc, trên cơ sở nguyên tắc thống nhất, vai trò trung tâm ASEAN và nguyên tắc đồng thuận.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN ghi nhận những thách thức hiện hữu ở cấp độ khu vực và toàn cầu, tái khẳng định quyết tâm trong việc triển khai thực hiện các chương trình hoạt động đã nêu trong Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF); đồng thời kiểm tra, rà soát về khả năng giải quyết những thách thức mới phát sinh trong khuôn khổ ACRF, cũng như trong các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khác của ASEAN.
Theo Chủ tịch AEM-54 Pan Sorasak, liên quan vấn đề giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực logistics và khôi phục sau đại dịch COVID-19, Hội nghị lần này tiếp tục hoàn thiện các sáng kiến liên quan cơ chế thuận lợi hóa thương mại trong khu vực như một cửa ASEAN, hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN và các sáng kiến khác, nhằm đảm bảo dòng chảy lưu thông hàng hóa trong khu vực. Đặc biệt, việc kéo dài hiệu lực và mở rộng danh mục hàng hóa thiết yếu thuộc Bản ghi nhớ về thực hiện các biện pháp phi thuế quan (NTM) là kết quả đáng ghi nhận, cho thấy mọi chính sách đều có thể ứng phó linh hoạt trong bối cảnh bình thường mới do tác động của đại dịch COVID-19; đồng thời thể hiện tinh thần thống nhất và chủ động ứng phó của ASEAN, nhằm đảm bảo cho thị trường và hoạt động thương mại tiếp tục rộng mở.
Hội nghị AEM-54 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 11-18/9 tại tỉnh Siem Reap (Campuchia) với sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại các nước ASEAN và người đồng cấp các đối tác đối thoại. Đoàn công tác Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu tham dự hội nghị.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến tích cực đối với các vấn đề hợp tác kinh tế nội khối ASEAN như các vấn đề trọng tâm mà các nước ASEAN cần tập trung cho đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA, giải quyết các hàng rào phi thuế quan ở các nước ASEAN và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại nhằm thúc đẩy thương mại nội khối; đồng thời đưa ra các kiến nghị về định hướng hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối trong thời gian tới nhằm đảm bảo đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam cũng nêu quan điểm ủng hộ các sáng kiến của nước chủ nhà Campuchia hướng đến việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác và các đối tác đối thoại; đồng thời cam kết sẽ nỗ lực cùng các nước ASEAN hoàn thành toàn bộ các chương trình công tác đã mà khối này đã thống nhất.
Trong khuôn khổ Hội nghị AEM-54 và các hội nghị liên quan, đoàn Việt Nam đã chủ trì Hội nghị Bộ trưởng kinh tế các nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 14 (CLMV-EMM 14), thông qua dự thảo Kế hoạch hành động CLMV giai đoạn 2023-2024, văn kiện “Kế hoạch hành động triển khai Khung khổ phát triển CLMV” và nhiều nội dung quan trọng khác.
Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã có các buổi làm việc với Chủ tọa hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak, Bộ trưởng Công Thương Lào Malaithong Kommasith và Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Du lịch Timor Leste Jose Lucas Da Silva và một số nước ASEAN để thúc đẩy hợp tác trong ASEAN cũng như các khuôn khổ khác.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tác nghiệp tại hội nghị, ông Penn Sovicheat, Phó Quốc vụ khanh, người phát ngôn Hội nghị AEM-54 và các hội nghị liên quan cho biết, chủ đề chính tại các phiên thảo luận của hội nghị lần này là tập trung đánh giá tình hình và tìm giải pháp hợp tác trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển bao trùm và phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMS), xoay quanh chủ đề trọng tâm về các giải pháp hồi phục và phát triển kinh tế khu vực ASEAN sau khủng hoảng COVID-19.
Với khẩu hiệu chung “ASEAN hành động - Cùng ứng phó các thách thức chung” của năm Chủ tịch ASEAN 2022, AEM-54 là sự kiện trực tiếp quy mô nhất được tổ chức ở tỉnh Siam Reap, nơi có kỳ quan Angkor Wat nổi tiếng thế giới của đất nước Chùa Tháp trong hơn hai năm trở lại đây, kể từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Hội nghị AEM-54 và các hội nghị liên quan quy tụ các bộ trưởng kinh tế cùng đông đảo quan khách đến từ các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác với một loạt các cuộc họp chính thức và bên lề, nội khối và ngoại khối, các cuộc gặp song phương, đa phương giữa các nước thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác nội khối ASEAN và giữa ASEAN và các đối tác với các chương trình nghị sự nhằm tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hồi phục, hồi phục mạnh mẽ của các nền kinh tế trong khu vực và thế giới.