Afghanistan bị đánh bom: IS manh nha hồi sinh, đe dọa Taliban và thế giới
Khi tiếp quản Afghanistan, chính phủ Taliban hứa sẽ chấm dứt chiến tranh, khủng bố và xung đột. Nhưng các cuộc nổi dậy ngày càng gia tăng gần đây của Nhà nước Hồi giáo (IS) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng quốc tế.
Mối đe dọa cho quốc tế
Cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) của Aref Mohammad đã kết thúc khi đơn vị chiến binh Taliban của anh bị phục kích bởi nhóm khủng bố ở miền đông Afghanistan. Một viên đạn làm gãy xương đùi Mohammed, khiến anh tàn tật và gần như không thể đi lại, xem như không còn thể chiến đấu.
Cảnh sát Taliban được trang bị súng máy khi tuần tra tại trung tâm thành phố ở Jalalabad, Afghanistan - Ảnh: Getty
Nhưng với phong trào Taliban mà anh phục vụ, nay là chính phủ Afghanistan, cuộc chiến chống lại IS chỉ mới bắt đầu. “Nếu chúng tôi biết chúng đến từ đâu, chúng tôi sẽ truy lùng và tiêu diệt chúng”, Mohammed chỉ mới 19 tuổi nói trên giường bệnh.
Trong hai tháng kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan - được gọi là Nhà nước Hồi giáo Khorasan hoặc ISIS-K - đã gia tăng các cuộc tấn công trên khắp đất nước, gây ra căng thẳng cho chính phủ mới và gióng lên hồi chuông cảnh báo với phương Tây về một nhóm khủng bố có thể đe dọa đến cộng đồng quốc tế.
Các cuộc tấn công của IS chủ yếu nhằm vào các đơn vị Taliban như của Mohammad, và các nhóm thiểu số Shiite tại Afghanistan. Các vụ đánh bom tự sát ở thủ đô Kabul hoặc các thành phố quan trọng như Kunduz và Kandahar đã khiến ít nhất 90 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương chỉ trong vài tuần qua.
Ngay hôm thứ Ba (2/11) vừa rồi, ISIS-K đã thực hiện một cuộc tấn công có tổ chức với nhiều tay súng và ít nhất một kẻ đánh bom liều chết đã lao vào một bệnh viện quân sự ở thủ đô Kabul, khiến ít nhất 25 người thiệt mạng.
Điều này đã đặt Taliban vào một tình thế trớ trêu: Sau 20 năm chiến đấu như một lực lượng nổi dậy, họ lại thấy mình đang phải vật lộn để chống lại những kẻ nổi dậy khác để duy trì luật pháp và trật tự.
Cuộc tấn công của ISIS-K ngày càng nhiều đã làm gia tăng sự bất an trong giới chức phương Tây. Một số chuyên gia còn lo ngại rằng tổ chức này có thể đạt được khả năng tấn công khủng bố các mục tiêu quốc tế chỉ vòng 6 đến 12 tháng nữa.
Hai chiến binh Taliban và một người dân địa phương quan sát thung lũng Mohmand từ một căn cứ của Lực lượng Đặc biệt Mỹ bị bỏ hoang ở tỉnh Nangarhar - Ảnh: AP
Khi Taliban chống lại khủng bố
Có rất ít cách để xác định được liệu Taliban có thể kiềm chế được ISIS-K hay không, khi mà Mỹ không còn thông tin tình báo ở khu vực này, cũng như còn có thể thực hiện các hoạt động kiểm soát khu vực thông qua các máy bay không người lái như trước, sau khi họ đã rút hết quân đội khỏi nước này từ hồi cuối tháng 8.
Taliban tất nhiên cũng người đã từ chối hợp tác với Mỹ trong việc chống lại Nhà nước Hồi giáo, thay vào đó đang chiến đấu theo cách riêng của mình, với các chiến lược không giống như của một chính phủ chống lại một tổ chức khủng bố.
Colin P. Clarke, nhà phân tích chống khủng bố của Soufan Group, cho biết: “Taliban đã quen với việc chiến đấu như quân nổi dậy, dựa vào cách tấn công du kích nhằm vào các lực lượng Afghanistan và Mỹ trước đây. Giờ dù đã là một chính phủ, họ dường như vẫn sử dụng phương pháp này để chống lại các nhóm nổi dậy khác”.
Dẫu vậy, vẫn có một sự thay đổi về chiến lược của Taliban để chống lại Nhà nước Hồi giáo. Đó chính là trên mặt trận ngoại giao.
Theo các quan chức Qatar, khi Taliban tìm kiếm sự công nhận của quốc tế, nhóm này đã sử dụng sự trỗi dậy của các nhóm khủng bố như con bài mặc cả để có thêm viện trợ tài chính. Họ muốn nhắc nhở các quốc gia lân cận và đặc biệt phương Tây rằng Nhà nước Hồi giáo cũng là mối đe dọa đối với những nước này.
Tiến sĩ Basir, người đứng đầu chi nhánh tình báo của Taliban ở Jalalabad từng ở bên kia chiến tuyến khi còn thuộc quân đội nổi dậy Taliban. Giờ đây ông đang chịu trách nhiệm bảo vệ và đảm bảo an toàn cho một thành phố với vài trăm nghìn dân này.
Trong vài năm gần đây, Jalalabad là mục tiêu thường xuyên của Nhà nước Hồi giáo, tổ chức đã điều động các chiến binh vào thành phố từ các khu vực xung quanh để thực hiện các vụ ám sát và đánh bom.
Từ ngày 18/09 đến 28/10, Nhà nước Hồi giáo đã thực hiện ít nhất 54 cuộc tấn công ở Afghanistan - bao gồm cả đánh bom liều chết, ám sát và phục kích vào các trạm kiểm soát an ninh. Đây là một trong những thời kỳ hoạt động hung bạo nhất của Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan.
Hầu hết các cuộc tấn công đó đều nhằm vào lực lượng an ninh Taliban - một sự thay đổi rõ rệt so với 7 tháng trước đó, khi họ chủ yếu nhắm vào dân thường, bao gồm các nhà hoạt động và nhà báo.
Để chống lại Nhà nước Hồi giáo, tiến sĩ Basir cho biết người của ông đã áp dụng các phương pháp tương tự như chính phủ trước đó, thậm chí dựa vào thiết bị do cơ quan tình báo cũ để lại - những công cụ mà phương Tây sử dụng trong hai thập kỷ qua để chống lại chính Taliban trước đây.
Nhưng ông nhấn mạnh rằng Taliban có những gì mà chính quyền cũ và người Mỹ không có: sự ủng hộ rộng rãi của người dân địa phương, qua đó có nhiều nguồn tin về các cuộc tấn công và nơi trú ẩn của những kẻ khủng bố mà chính quyền cũ và người Mỹ khó có được trong quá khứ.
Dẫu vậy, theo các nhà phân tích an ninh, đang có nhiều lo ngại về việc Taliban có thể sử dụng mối đe dọa từ ISIS-K như một cái cớ để thực hiện các hoạt động bạo lực đối với một số bộ phận dân cư, chẳng hạn như các thành viên của chính phủ cũ.
Nghèo đói cũng có thể khiến những người bán hàng ở Jalalabad trở thành khủng bố - Ảnh: AP
Khủng bố sinh sôi trong nghèo đói
Năm 2015, Nhà nước Hồi giáo ở Khorasan chính thức được thành lập ở phía đông Afghanistan bởi các cựu thành viên của chính Taliban. Hệ tư tưởng của họ dựa trên nhóm người hồi giáo Salafi sinh sống ở các ngôi làng tại đây. Các chiến binh Salafi luôn rất háo hức tham gia các nhóm khủng bố mới.
Sự lôi kéo của các chiến binh trẻ tuổi đến với Nhà nước Hồi giáo đang ngày càng gia tăng ở Jalalabad, nơi các nhà thờ hồi giáo Salafi mọc lên với số lượng ngày càng nhiều trong những năm qua, tạo cơ sở tuyển dụng dồi dào cho nhóm khủng bố này.
Tại một ngôi trường hồi giáo Salafi trong thành phố, Taliban đã thực hiện nhiều vụ trấn áp, buộc người sáng lập trường phải chạy trốn. Họ cho phép các cậu bé tiếp tục học, nhưng cấm các tác phẩm của chủ nghĩa Salafist được giảng dạy.
Faraidoon Momand, cựu thành viên chính phủ Afghanistan và là nhà môi giới quyền lực ở Jalalabad, cho biết tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ đang thúc đẩy việc tuyển dụng chiến binh khủng bố của Nhà nước Hồi giáo.
“Trong mọi xã hội nếu nền kinh tế tồi tệ, mọi người sẽ làm những gì họ phải làm để vượt qua khó khăn”, ông cảnh báo.