Afghanistan cận kề vòng xoáy bạo lực mới
Nguy cơ Afghanistan trở thành 'sào huyệt của khủng bố' không chỉ còn là lời cảnh báo sau hai vụ đánh bom liên tiếp nhằm vào khu vực sân bay ở Kabul, khiến hàng chục người chết, trong đó có 13 quân nhân Mỹ. Afghanistan cận kề vòng xoáy bạo lực mới, trong bối cảnh lực lượng nước ngoài gấp rút hoàn tất chiến dịch sơ tán trước hạn chót.
Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận thực hiện các vụ đánh bom liều chết ở Kabul. Nhánh IS ở Afghanistan, có tên là Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), được cho là thủ phạm chính. Vụ tấn công hỗn hợp xảy ra trong khi các binh sĩ Mỹ tham gia bảo đảm an ninh tại sân bay ở Kabul, các nước đẩy nhanh hoạt động sơ tán khỏi Afghanistan, nhằm đáp ứng hạn chót ngày 31/8 tới.
Ngay sau vụ việc, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ thị các chỉ huy quân đội Mỹ triển khai kế hoạch tác chiến để tấn công đáp trả IS-K. Người đứng đầu Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ, Tướng Frank McKenzie cho biết, quân đội Mỹ duy trì cảnh giác cao độ, sẵn sàng ứng phó các cuộc tấn công nhằm vào sân bay ở Kabul, trong bối cảnh Mỹ đang chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch rút quân đúng hạn chót. Giới tình báo phương Tây tiếp tục cảnh báo, các vụ khủng bố tương tự có thể còn tiếp diễn.
Taliban cũng lập tức lên án các vụ tấn công đẫm máu tại Kabul. Người phát ngôn chính của phong trào này nêu rõ: Tiểu vương quốc Hồi giáo lên án hành vi đánh bom nhằm vào dân thường tại sân bay ở Kabul. Hành động khủng bố phải bị toàn thế giới lên án. Song, Taliban lại "đổ lỗi" cho sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài tại Afghanistan.
Hơn 20 năm sau ngày đưa quân vào Afghanistan với mục tiêu "triệt tận gốc" chủ nghĩa khủng bố và hỗ trợ, huấn luyện lực lượng an ninh của quốc gia Nam Á, các lực lượng NATO đang gấp rút rời đi. Trong thỏa thuận đạt được với Mỹ, Taliban bảo đảm Afghanistan không là nơi ẩn náu của các nhóm khủng bố để đổi lấy việc rút quân đội nước ngoài. Trong bối cảnh Taliban nắm quyền kiểm soát lãnh thổ Afghanistan, các nước phương Tây hối thúc lực lượng này duy trì cam kết không để đất nước rơi trở lại tình cảnh hơn 20 năm trước.
Tình hình hỗn loạn hiện nay dấy lên lo ngại IS lợi dụng bất ổn để trỗi dậy, một lần nữa biến Afghanistan trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho chủ nghĩa khủng bố, đe dọa an ninh khu vực. Afghanistan chực chờ rơi vào vòng xoáy bạo lực nguy hiểm. Nguy cơ quốc gia Nam Á có thể là nơi khởi phát các cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn chưa được loại bỏ.