Ông Biden gấp rút cải thiện vị thế chiến trường Ukraine trước khi rời Nhà Trắng

Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đang tìm cách đẩy nhanh và mạnh các biện pháp hỗ trợ Ukraine cải thiện cục diện chiến trường, có thể cả việc cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa tấn công sang lãnh thổ Nga.

Từ sau khi có kết quả bầu cử tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump, truyền thông Mỹ liên tục đưa tin về các động thái của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm tăng cường hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga trước khi ông rời nhiệm sở vào tháng 1-2025.

Tranh thủ “từng USD” cho Ukraine

Ngày 17-11, tờ The New York Times dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ rằng Tổng thống Biden đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do Mỹ sản xuất để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về thông tin trên. Nếu thông tin này chính xác thì đây là một quyết định đảo ngược lập trường trước đó của Washington.

Theo các nguồn tin quan chức, việc Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa, cụ thể là Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), đánh sang Nga là nhằm đáp trả thông tin bộ binh Triều Tiên được triển khai để chiến đấu với Ukraine ở tỉnh Kursk (phía tây nước Nga).

 Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) hồi tháng 9. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Washington, D.C. (Mỹ) hồi tháng 9. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Theo The New York Times, ông Biden bắt đầu nới lỏng các hạn chế trong việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất để tấn công trên đất Nga từ tháng 5, sau khi Moscow tấn công xuyên biên giới vào TP Kharkiv (tỉnh Kharkiv) - TP lớn thứ hai của Ukraine.

Thời điểm đó, Washington cho phép Kiev sử dụng Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) có tầm bắn khoảng 80 km để chống lại lực lượng Nga ngay bên kia biên giới. Tuy nhiên, ông Biden đã không cho phép Ukraine sử dụng hệ thống ATACMS tầm xa hơn, có tầm bắn khoảng hơn 300 km, để bảo vệ Kharkiv.

Trong bài phát biểu tối 17-11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không xác nhận thông tin về vũ khí tầm xa nhưng nói rằng điều quan trọng là số lượng tên lửa sẽ được sử dụng để tấn công Nga.

“Hôm nay, nhiều phương tiện truyền thông nói rằng chúng tôi đã được phép thực hiện các hành động thích hợp. Nhưng các cuộc tấn công không được thực hiện bằng lời nói. Những vấn đề như vậy không được công bố” - ông Zelensky nói.

Trước đó, ngay sau khi có tin ứng viên Cộng hòa Donald Trump thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, truyền thông Mỹ đưa tin rằng Nhà Trắng có kế hoạch giải ngân 9 tỉ USD viện trợ an ninh cho Ukraine trước khi ông Biden rời nhiệm sở.

“Chính quyền có kế hoạch thúc đẩy viện trợ để đưa Ukraine vào vị thế mạnh nhất có thể” - một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với hãng tin Reuters.

Tờ The Wall Street Journal ngày 9-11 dẫn lời một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ rằng Washington sẽ đẩy nhanh việc chuyển giao hơn 500 tên lửa gồm tên lửa đánh chặn cho hệ thống Patriot và Tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) tới Ukraine.

Theo quan chức Mỹ, các loại vũ khí này dự kiến sẽ đến Ukraine trong những tuần tới và có thể đáp ứng nhu cầu phòng không của Ukraine trong thời gian còn lại của năm 2024.

Hôm 13-11, trong cuộc gặp với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định rằng chính quyền Mỹ đang nỗ lực gửi càng nhiều viện trợ quân sự càng tốt cho Ukraine trước khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ.

“Tổng thống Biden cam kết đảm bảo rằng mọi USD chúng tôi có trong tay sẽ được sử dụng hết từ nay đến ngày 20-1-2025. Chúng tôi đang đảm bảo rằng Ukraine có hệ thống phòng không, pháo binh và thiết giáp cần thiết” - ông Blinken nói.

Tờ Le Figaro (Pháp) ngày 17-11 đưa tin Pháp và Anh đã cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của hai nước này để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Nguy cơ đẩy xung đột leo thang?

Các nhà quan sát nhận định việc Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công sang đất Nga không có nhiều khả năng làm thay đổi căn bản tiến trình của cuộc chiến. Theo giới quan sát, một trong những mục tiêu của chính quyền Mỹ là gửi thông điệp tới Bình Nhưỡng rằng quân Triều Tiên rất dễ bị tấn công khi tham gia vào cuộc chiến.

 Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Ảnh: REUTERS

Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Ảnh: REUTERS

Trong khi đó một số nhà phân tích cũng như quan chức Mỹ lo ngại rằng việc Ukraine sử dụng tên lửa phóng vào lãnh thổ Nga có thể khiến Moscow leo thang cuộc chiến, thậm chí là trả đũa bằng vũ lực đối với Mỹ và các đồng minh, đối tác của Washington.

Ngay sau khi có thông tin Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lên tiếng rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu rõ quan điểm của Moscow trong vấn đề này, theo đài RT.

Hồi tháng 9, ông Putin nêu quan điểm rằng lực lượng Ukraine không có khả năng thực hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài. “Vấn đề không nằm ở chỗ có cho phép Ukraine tấn công Nga bằng những vũ khí này hay không. Vấn đề là các nước NATO có trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột quân sự hay không” - ông Putin nói.

Tổng thống Nga cảnh báo rằng Moscow sẽ đưa ra “những quyết định phù hợp để ứng phó với các mối đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt”.

Các nhà lập pháp Nga cảnh báo rằng động thái của Mỹ sẽ làm leo thang xung đột ở Ukraine và có thể dẫn đến Thế chiến thứ ba. “Phương Tây đã quyết định leo thang ở mức độ có thể khiến nhà nước Ukraine bị tàn phá hoàn toàn vào sáng mai” - ông Andrei Klishas, một thành viên cấp cao của Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga), viết trên Telegram ngày 17-11.

Ông Vladimir Dzhabarov - Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban các vấn đề quốc tế của Thượng viện Nga - cảnh báo rằng Moscow sẽ phản ứng ngay lập tức với các động thái từ phương Tây. “Đây là một bước tiến rất lớn hướng tới sự khởi đầu của Thế chiến thứ ba” - hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Dzhabarov.

Ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cũng cảnh báo rằng việc Washington cho phép Kiev tấn công Nga bằng ATACMS sẽ dẫn đến phản ứng cứng rắn nhất từ Moscow. “Các cuộc tấn công bằng tên lửa Mỹ vào sâu trong các khu vực của Nga chắc chắn sẽ dẫn đến sự leo thang nghiêm trọng, nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng” - ông Slutsky nói.

Phản ứng từ phía ông Donald Trump

Ngày 17-11, ông Steven Cheung - Giám đốc truyền thông của Tổng thống đắc cử Donald Trump lên tiếng liên quan thông tin Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine dùng vũ khí tầm xa đánh sang lãnh thổ Nga.

“Như Tổng thống [đắc cử] Donald Trump đã nói trong chiến dịch tranh cử, ông là người duy nhất có thể đưa cả hai bên Nga-Ukraine lại gần nhau để đàm phán hòa bình và hướng tới mục tiêu chấm dứt chiến tranh và giết chóc” - ông Cheung nói với đài CNN.

Ông Cheung không trả lời câu hỏi về việc liệu ông Trump hay các cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền sắp tới có nhận được thông báo trước từ chính quyền ông Biden về quyết định trên hay không.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-biden-gap-rut-cai-thien-vi-the-chien-truong-ukraine-truoc-khi-roi-nha-trang-post820357.html