Afghanistan - Cuộc chiến dai dẳng chưa có hồi kết

Một báo cáo của Liên hợp quốc công bố năm 2017 miêu tả cuộc chiến ở Afghanistan là một sự 'bế tắc kéo dài' khi phiến quân Taliban không chỉ có khả năng mở rộng mà còn củng cố được những phần lãnh thổ đang chiếm giữ. Tuy nhiên, những diễn biến mới đây cho thấy sự bế tắc đang trở nên trầm trọng hơn, phức tạp hơn một cuộc xung đột và trở nên gần giống cuộc nội chiến ở nước này trong những năm 90 của thế kỷ trước hoặc cuộc chiến dai dẳng ở Syria do thiếu vắng những chiến lược toàn diện và tất cả các bên đều leo thang quân sự.

Afghanistan không thể thiếu Mỹ

Ở Afghanistan, chính quyền Donald Trump đã kế thừa những mục tiêu "khiêm tốn" của chính quyền tiền nhiệm: Triệt tiêu mối đe dọa hồi giáo cực đoan, làm suy yếu Taliban buộc chúng thấy cần thiết phải ngồi vào bàn đàm phán. Theo hướng đó, chính quyền Mỹ tăng cường sử dụng các lực lượng quân đội, tăng cường có mục tiêu số binh lính và sử dụng nhiều hình thức gây sức ép về ngoại giao đối với Pakistan - nơi được cho là có nhiều nhà lãnh đạo Taliban của Afghanistan đặt căn cứ.

Rất nhiều nhà phê bình trong khu vực coi những ý định này của Mỹ là không nhân đạo. Ông Trump đã đề cập đến vũ khí hạt nhân của Pakistan trong bài diễn văn về chiến lược Nam Á hồi tháng 8-2017, những lời phê phán của hai thành viên nội các Mỹ về sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc và một chính sách cứng rắn hơn với Iran cho thấy rằng việc kéo dài sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Afghanistan là nhằm phục vụ những mục đích khác của Washington. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng những mục tiêu của Washington ở Afghanistan quả thực là chỉ giới hạn trong việc tiêu diệt al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đồng thời trừng phạt Taliban với mục đích để họ thấy rằng giải pháp tốt nhất là yêu cầu hòa giải.

Trong khi lực lượng liên quân có đủ khả năng ngăn chặn Taliban tiến vào tỉnh Helmand, quân đội Afghanistan lại chứng tỏ không có khả năng quét sạch phiến quân và và giữ lãnh thổ nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ... Như lời Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani phát biểu hồi đầu tháng này trong chương trình "60 phút" rằng, quân đội Afghanistan sẽ tan rã trong 6 tháng nếu không có sự hỗ trợ về tài chính và hậu cần của Mỹ...

Tương lai bấp bênh

Bạo lực tồi tệ ở Afghanistan diễn ra trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng chính trị có thể làm tê liệt hệ thống chính trị của chính quốc gia này. Ông Ghani không hề nỗ lực cải cách chính trị vì ông phải tuân theo một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với nhà lãnh đạo Abdullah Abdullah. Ông Ghani đã kích động một trận chiến không cần thiết với Atta Noor, thống đốc tỉnh Balkh. Trong nỗ lực củng cố quyền lực, Tổng thống Afghanistan đã trở thành một nhân vật "phân cực," gây thêm sự căng thẳng về sắc tộc cho quốc gia này. Trong các cuộc bầu cử sắp tới, nếu có diễn ra, cũng sẽ càng làm sâu sắc thêm sự chia rẽ này. Nếu vấn đề thành lập liên bang không được giải quyết trong năm tới thì sẽ không bao giờ thành hiện thực. Sau đó, Afghanistan có thể phải chứng kiến một cuộc xung đột mà có thể thách thức sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này.

Trở lại Washington, chính quyền Trump nói rằng họ đã gạt bỏ lịch trình và sẽ thực hiện chiến lược của mình căn cứ theo điều kiện cụ thể trên thực địa. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhận định cho rằng giải pháp cho cuộc chiến ở Afghanistan của chính quyền Trump có nét giống với chính quyền tiền nhiệm. Theo nhận định của một bài viết đăng trên nhật báo Washington Post mới đây, ông Trump "muốn sớm được chứng kiến việc Mỹ nhanh chóng trở lại tăng “đầu tư” tiền của và binh lính vào Afghanistan." Nhà Trắng cũng gây sức ép để Lầu Năm Góc tăng quân số một cách đáng kể. Trong khi đó, Tướng John Nicholson - chỉ huy lực lượng Mỹ ở Afghanistan - cam kết sẽ giành được quyền kiểm soát 80% lãnh thổ Afghanistan vào cuối năm 2019.

Mặc dù vẫn có khả năng thương lượng được một thỏa thuận cho cuộc xung đột ở Afghanistan như một phần của giải pháp cho khu vực, điều này dường như ngày càng khó đạt được. Một tương lai bấp bênh cho Afghanistan là điều dễ thấy. Điều chắc chắn là các vùng lãnh thổ rộng lớn như Farah, Helmand, Kandahar, Kunar, Nangarhar và Nuristan sẽ không bao giờ yên bình. Hoạt động buôn bán bất hợp pháp (ma túy, buôn lậu) vẫn là rường cột chính của nền kinh tế ở các tỉnh này, được duy trì bởi một liên minh không chính thức giữa các chiến binh, cảnh sát và các lãnh chúa. Đến năm 2019, bầu không khí chính trị ở Afghanistan sẽ "tăng nhiệt" đến mức không thể kiểm soát, dẫn đến sự chia rẽ sắc tộc trong lực lượng an ninh của nước này. Và, ngày càng có nhiều lực lượng al-Qaeda và những phần tử cực đoan có liên quan tới tổ chức Nhà nước Hồi giáo tìm đường đến Afghanistan để "tận dụng" sự hỗn loạn ở đây. Việc nước Mỹ lựa chọn rời khỏi hoặc ở lại Afghanistan có thể không còn là vấn đề. Dù thế nào, cuộc chiến ở Afghanistan vẫn sẽ tiếp diễn.

An ninh được tăng cường ở Kabul sau vụ tấn công ngày 29-1. ảnh tư liệu

An ninh được tăng cường ở Kabul sau vụ tấn công ngày 29-1. ảnh tư liệu

Hiệu quả hỗ trợ của Mỹ bị nghi ngờ

Trong bối cảnh đó, thủ đô Kabul của Afghanistan hôm 29-1 vừa qua lại bị IS tấn công, khiến ít nhất 11 binh sĩ Afghanistan thiệt mạng. Chỉ trước đó 2 ngày, một cuộc tấn công tự sát bằng xe có gài bom của lực lượng Taliban cũng xảy ra ngay tại trung tâm thủ đô này, khiến hơn 100 người thiệt mạng. Trong 1 tháng gần đây, cả IS và Taliban đã dồn dập tấn công thủ đô Kabul trong sự bất lực của Chính phủ Afghanistan. Điều này đặt ra nghi vấn về hiệu quả của những hỗ trợ mà Mỹ dành cho Chính phủ Afghanistan.

IS và Taliban đã lên tiếng nhận mình là "tác giả" của hai vụ tấn công nói trên. IS mới nổi lên từ năm 2014, sau khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức đình chỉ các nhiệm vụ chiến đấu tại Afghanistan. Trong khi đó, Taliban là thành phần đã cai trị Afghanistan trước khi bị liên minh Mỹ-Afghanistan đánh đuổi sau các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001. Bị choáng váng lúc đầu, Tailiban đã tập hợp lại lực lượng và trong những năm gần đây, chúng đã chiếm lại được một số khu vực trên lãnh thổ Afghanistan, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công gần như hàng ngày, chủ yếu nhằm vào lực lượng an ninh Afghanistan được Mỹ hậu thuẫn.

Cả hai nhóm trên đều muốn lật đổ Chính phủ Afghanistan và đuổi các lực lượng nước ngoài ra khỏi lãnh thổ. Theo Andrew Wilder, Phó Chủ tịch Chương trình châu Á tại Học viện Hòa bình Mỹ, cả hai nhóm này hy vọng các cuộc tấn công của họ sẽ khiến chính quyền Kabul mất đi tính chính đáng và bị người dân xa lánh dần dần.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Chính quyền Kabul và lực lượng an ninh của chính phủ Afghanistan, được Mỹ hậu thuẫn và đào tạo, lại không ngăn chặn được các cuộc tấn công? Theo giới phân tích, vấn đề then chốt nằm ở chỗ lực lượng này đã được thành lập quá vội vã, tập hợp nhiều thành phần dân quân khác nhau, thuộc các sắc tộc khác nhau, thậm chí có những nhóm trước đó còn chống lại nhau. Thời gian huấn luyện cho lực lượng này lại không nhiều, không ít binh sĩ đã được "tung lên" chiến tuyến sau chưa đầy 2 tháng huấn luyện.

Điều nghiêm trọng hơn cả là với cơ chế tổ chức lỏng lẻo như trên, người của Taliban đã thâm nhập vào hàng ngũ lực lượng Afghanistan, giúp chúng thực hiện các cuộc tấn công ngay từ bên trong, làm cho tình hình an ninh trở nên tệ hại hơn. Chuyên gia Michael Kugelman, Phó GĐ Chương trình châu Á của Trung tâm Wilson tại Mỹ, nhận định: “Những biện pháp an ninh ở các TP của Afghanistan thường rất lỏng lẻo, khả năng thu thập thông tin tình báo của quân đội Afghanistan kém cỏi, trong khi quân khủng bố lại có phần thông minh hơn.” Còn theo chuyên gia Wilder, việc Taliban và IS hoành hành dữ dội hơn tại Afghanistan trong thời gian gần đây xuất phát từ thực tế là Mỹ đã tái bố trí lực lượng tình báo, trinh sát và giám sát từ Afghanistan sang Iraq và Syria để chống IS, do đó, không thể dự phòng tốt trước các vụ tấn công.

Chiến thắng gần đây tại Iraq và Syria có thể cho phép Mỹ tái bố trí lực lượng trở lại Afghanistan. Điều đó lại càng chứng tỏ vai trò thiết yếu của Mỹ trong việc hỗ trợ Chính quyền Kabul. Tháng 8-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố một chiến lược mới, dựa trên việc điều nhiều quân hơn và gây áp lực lên Taliban để buộc họ phải đàm phán hòa bình với Chính phủ Afghanistan. Bên cạnh đó, Mỹ cũng gây áp lực đối với Pakistan, yêu cầu Islamabad ngừng "nhắm mắt làm ngơ" trước các hành động của Taliban, lực lượng đang sử dụng phần lãnh thổ của Pakistan ở vùng biên giới với Afghanistan để làm địa bàn đánh vào quân đội của chính quyền Kabul.

Vấn đề là cho đến lúc này, các tuyên bố và sức ép trên chưa phát huy tác dụng. Theo giới phân tích, để chiến thắng Taliban và IS, chính quyền Kabul phải thuyết phục được người dân Afghanistan rằng chính phủ có thể bảo vệ nhân dân và chứng tỏ rằng họ thực sự đang điều hành đất nước. Tuy nhiên, đây không phải là một điều dễ dàng thực hiện.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/afghanistan-cuoc-chien-dai-dang-chua-co-hoi-ket-110933.html