Afghanistan đang tiến gần một cuộc nội chiến

Sau nhiều ngày giao tranh ác liệt, ngày 13-8, lực lượng Taliban đã chiếm được hai thành phố lớn của Afghanistan là Kandahar ở miền Nam và Herat ở miền Tây. Những diễn biến ở Afghanistan những ngày qua cho thấy quốc gia Nam Á này đang tiến gần một cuộc nội chiến.

Ngày 13-8, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức Afghanistan cho biết, lực lượng Taliban vừa giành quyền kiểm soát các thành phố lớn thứ hai và thứ ba của Afghanistan là Kandahar ở miền Nam và Herat ở miền Tây. Nguồn tin của chính phủ Afghanistan xác nhận: “Lực lượng chính phủ vẫn đang kiểm soát sân bay Kandahar và một doanh trại quân đội ở đây nhưng những vùng còn lại của thành phố đều đã bị Taliban chiếm giữ”. Việc để Kandahar rơi vào tay Taliban được cho là một đòn giáng lớn vào nỗ lực của Chính phủ Afghanistan nhằm đẩy lùi Taliban vì đây chính là nơi lực lượng này hình thành vào năm 1994 trước khi mở rộng lực lượng đến hầu hết các khu vực khác trên cả nước trong hai năm sau đó.

Binh lính Afghanistan canh gác tại một chốt kiểm tra ở quận Guzara, tỉnh Herat ngày 12-8. Ảnh: Reuters

Binh lính Afghanistan canh gác tại một chốt kiểm tra ở quận Guzara, tỉnh Herat ngày 12-8. Ảnh: Reuters

Trước đó, ngày 12-8, lực lượng Taliban đã chiếm được thành phố Herat, nơi có khoảng 600.000 người dân sinh sống. Nguồn tin của chính phủ Afghanistan cho biết, các lực lượng và nhân viên cơ quan chính quyền đã rút khỏi Herat “để ngăn chặn thiệt hại”. Ngoài ra, Taliban đã chiếm được các thị trấn Lashkar Gah ở miền Nam, Qala-e-Naw ở Tây Bắc, thành phố Firuz Koh, thủ phủ của tỉnh Ghor ở miền Trung...

Tính từ ngày 6-8 đến nay, Taliban đã chiếm khoảng 14 trong tổng số 34 thủ phủ của các tỉnh trên toàn lãnh thổ Afghanistan. Trong khi đó, Chính phủ Kabul vẫn đang giữ vững được các thành phố lớn, gồm: Mazar-i-Sharif ở miền Bắc và Jalalabad gần biên giới Pakistan ở miền Đông và thủ đô Kabul. Tuy nhiên, cơ quan tình báo Mỹ đánh giá nguy cơ Taliban mở các đợt tấn công nhằm chiếm lấy thủ đô Kabul cũng không hề thấp.

Trước việc Taliban liên tục đánh chiếm được nhiều địa phương tại Afghanistan, Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo Taliban sẽ phải đối mặt với sự cô lập của cộng đồng quốc tế nếu lực lượng này trở lại nắm quyền bằng vũ lực. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell khẳng định, nếu nắm quyền bằng vũ lực và thiết lập lại một vương quốc Hồi giáo tại Afghanistan, Taliban sẽ đối mặt với việc không được công nhận, bị cô lập, thiếu sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thời đối mặt với nguy cơ xung đột và bất ổn kéo dài trong nước. Ông Borrell nhấn mạnh, điều kiện để EU tiếp tục hỗ trợ Afghanistan là các bên đạt được một thỏa thuận hòa bình và toàn diện, tôn trọng các quyền cơ bản của mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và các nhóm thiểu số. EU cũng kêu gọi chính quyền Kabul “giải quyết bất đồng chính trị, tăng tính đại diện của tất cả các bên và tiếp xúc với Taliban trên quan điểm đoàn kết".

Trong bối cảnh các cuộc tấn công ồ ạt của Taliban ở khắp Afghanistan, nhiều nước như Mỹ, Anh, Đức, Đan Mạch đã thúc giục công dân của họ rời khỏi quốc gia Nam Á này. Theo thông báo trên trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Kabul, Washington kêu gọi công dân nước này rời khỏi Afghanistan ngay lập tức bằng các chuyến bay thương mại sẵn có. Thông báo cũng lưu ý “do điều kiện an ninh hiện tại và cắt giảm nhân viên, khả năng của Đại sứ quán trong việc hỗ trợ các công dân Mỹ tại Afghanistan hiện cực kỳ hạn chế, ngay cả ở thủ đô Kabul”. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thông báo sẽ cử thêm 3.000 binh lính đến Afghanistan trong vòng 48 giờ để hỗ trợ việc sơ tán các nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Kabul. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Tổng thống Joe Biden đặt ưu tiên hàng đầu là sự an toàn và an ninh của các công dân Mỹ đang phục vụ ngoài nước.

Anh sẽ triển khai khoảng 600 binh lính để hỗ trợ công dân rời Afghanistan. Phát biểu trên BBC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra nội chiến tại Afghanistan và cho rằng việc Mỹ quyết định rút quân khỏi Afghanistan sẽ tạo ra rất nhiều vấn đề mà cộng đồng quốc tế phải giải quyết.

Trong khi đó, cuộc đàm phán hòa bình Afghanistan tại Doha, Qatar đã kết thúc mà không có đột phá. Là một bên tham gia đàm phán, Pakistan thừa nhận cuộc đàm phán tại Doha đang diễn ra rất chậm, ngược hẳn với những chiến thắng thần tốc của Taliban những ngày qua. Sau cuộc đàm phán tại Doha, đặc phái viên của Mỹ, Trung Quốc và các nước khác kêu gọi thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Afghanistan như một "vấn đề cực kỳ cấp bách" và ngừng ngay lập tức các cuộc tấn công vào những thành phố cùng thủ phủ tỉnh tại quốc gia Tây Nam Á này.

Với những gì đang diễn ra tại Afghanistan, các nhà phân tích nhận định, chừng nào còn ưu thế trên chiến trường, Taliban sẽ không hướng tới hòa bình. Chiến sự leo thang ngay sau khi Mỹ tiến hành rút quân là minh chứng cho điều đó.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/afghanistan-dang-tien-gan-mot-cuoc-noi-chien-668326