Afghanistan: Nhận 'quà lớn', Taliban tự tin hẳn về khả năng điều hành kinh tế

Sau khi trở thành 'chủ mới' của Kabul, Taliban đã cố gắng truyền đi một cảm giác an toàn ở đất nước mà lâu nay bất ổn vốn đã thành 'cơm bữa'.

Chính xác thì kế hoạch của Taliban như thế nào để có thể giữ nền kinh tế vốn bị coi là “ốm yếu và bệnh tật” có thể hoạt động?(Nguồn: Nytimes)

Chính xác thì kế hoạch của Taliban như thế nào để có thể giữ nền kinh tế vốn bị coi là “ốm yếu và bệnh tật” có thể hoạt động?(Nguồn: Nytimes)

Khi các chuyến bay quân sự đưa những “người cũ” ra đi, không ít người Afghanistan tuyệt vọng đã bám vào thân máy bay khi nó chuẩn bị cất cánh, cũng là lúc Taliban đã nhanh chóng vào cuộc, thị sát các cơ sở thuộc quyền quản lý của chính phủ Afghanistan.

Taliban hưởng “món quà kinh tế”

Trong phòng điều khiển của một cơ quan điện lực, đứng trước các bảng điều khiển nhấp nháy các bóng đèn hiển thị, phái đoàn Taliban hứa sẽ tiếp tục duy trì đèn sáng.

Chính xác thì kế hoạch của Taliban như thế nào để có thể giữ cho tất cả các hệ thống trong một nền kinh tế vốn bị coi là “ốm yếu và bệnh tật” hoạt động? Afghanistan là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, phụ thuộc vào hơn 4 tỷ USD viện trợ chính thức mỗi năm và nơi các nhà tài trợ nước ngoài đang chi tới 75% chi tiêu của chính phủ.

Sự “phá sản” của một nhà nước đã khiến một số nhà tài trợ phương Tây nghĩ rằng, áp lực tài chính - dưới hình thức đe dọa giữ lại tài trợ nhân đạo và phát triển - có thể gây áp lực cho các nhà cầm quyền mới ở Afghanistan.

Đức mới đây đã cảnh báo sẽ cắt hỗ trợ tài chính cho đất nước này, nếu Taliban “đưa ra luật Hồi giáo Shariah”. Nhưng dường như kỳ vọng đã bị đặt nhầm chỗ.

Ngay từ trước khi Taliban tiến vào thủ đô vào cuối tuần trước, Taliban đã tuyên bố “Món quà kinh tế” thực sự của đất nước này chính là: các tuyến đường thương mại - bao gồm đường cao tốc, cầu và đường bộ - đóng vai trò là điểm chiến lược cho thương mại khắp Nam Á.

Với việc nắm trong tay những nguồn thu rất có tiềm năng, cũng như các nước láng giềng quan trọng, như Trung Quốc và Pakistan, sẵn sàng kinh doanh, Taliban đã bị cách ly một cách đáng ngạc nhiên trước các quyết định của các nhà tài trợ quốc tế.

Vì vậy, chưa có căn cứ để có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở đất nước này - nhưng nó vẫn có thể diễn ra bất cứ điều gì, nếu không có tác động đủ mạnh từ phương Tây.

Một lý do khiến các nhà tài trợ nước ngoài đề cao tầm quan trọng của chính họ ở Afghanistan là họ đã không hiểu hết về nền kinh tế phi chính thức và lượng tiền khổng lồ được cất giấu trong khu vực chiến sự.

Buôn bán thuốc phiện, hashish, methamphetamines và các chất gây nghiện khác không phải là loại hình buôn bán lớn nhất đang xảy ra tại đây. Dòng tiền thực sự còn đến từ các hoạt động buôn lậu, bất hợp pháp của các loại hàng hóa thông thường, như nhiên liệu và hàng tiêu dùng nhập khẩu. Về quy mô và tổng thể, nền kinh tế phi chính thức hạn chế viện trợ quốc tế.

Chẳng hạn, trong một nghiên cứu về tỉnh biên giới Nimruz, vừa được Viện Phát triển Quốc tế (ODI) công bố trong tháng, ước tính việc đánh thuế phi chính thức - việc thu phí của các nhân viên vũ trang để cho phép hàng hóa qua lại an toàn - đã thu được khoảng 235 triệu USD/năm cho Taliban và các nhân vật ủng hộ. Ngược lại, tỉnh này nhận được ít hơn 20 triệu USD viện trợ nước ngoài mỗi năm.

Là một tỉnh phía Nam, thuộc vùng của những người ủng hộ Taliban - Nimruz là nơi rất có thể được Taliban chọn làm cơ sở để tính toán về cách thức hoạt động cho nền kinh tế tương lai. Mùa Hè này, họ đang chuẩn bị tiếp quản nền kinh tế Afghanistan.

Trước đó, vào tháng Sáu, họ chiếm được Ghorghory - Trung tâm hành chính của Quận Khashrud, tiếp theo là thị trấn Delaram trên tuyến đường cao tốc chính, vào tháng Bảy.

Riêng hai thị trấn này có thể đem về cho Taliban khoảng 18,6 triệu USD/năm nếu họ duy trì các hệ thống đánh thuế phi chính thức trước đây, bao gồm 5,4 triệu USD từ thương mại nhiên liệu và 13 triệu USD từ hàng hóa quá cảnh.

Một “món quà” lớn hơn đối với Taliban chính là Cơ quan hải quan ở Zaranj - một thành phố giáp với Iran và là thủ phủ của tỉnh đầu tiên thất thủ trong cuộc tấn công vào tháng 8 của lực lượng này.

Mặc dù thành phố này chính thức cung cấp cho chính phủ 43,2 triệu USD thuế hàng năm - với thêm 50 triệu USD thuế trực thu vào năm 2020 - nhưng một lượng đáng kể doanh thu trong hoạt động thương mại đã không được khai báo, đặc biệt trong buôn bán nhiên liệu, đưa tổng doanh thu thực trao đổi hàng hóa xuyên biên giới đạt ít nhất 176 triệu USD/năm.

Thế tiến thoái lưỡng nan

Bước tiến của Taliban đã buộc các nước láng giềng vào thế tiến thoái lưỡng nan: Họ có thể tiếp tục giao dịch, mang lại cho Taliban nhiều quyền lực và tính hợp pháp hơn, hoặc từ chối doanh thu giao dịch và chấp nhận thất thoát về tài chính.

Trên thực tế, có lúc họ đã chọn lựa chọn thứ hai dù chưa rõ ràng - khi áp lực gia tăng để phải chính thức công nhận chính quyền Taliban – giai đoạn này có khả năng còn kéo dài.

Chẳng hạn với trường hợp Iran. Nghiên cứu của ODI ước tính được, Taliban đã kiếm được 84 triệu USD vào năm ngoái, bằng cách đánh thuế những người Afghanistan buôn bán với Iran, trong giai đoạn trước khi quân nổi dậy chiếm được cả ba cửa khẩu biên giới chính của Afghanistan với Iran.

Tehran không muốn hợp pháp hóa Taliban và đã quyết định ngừng mọi hoạt động thương mại với Afghanistan vào đầu tháng 8. Nhưng hiện nhu cầu kinh tế gây áp lực mở cửa trở lại để lưu thông thương mại rất mạnh mẽ.

Theo số liệu chính thức, hơn 2 tỷ USD thương mại đã được thông qua vào năm ngoái và nghiên cứu của ODI cho thấy, con số thực tế khi tính cả dòng thương mại không chính thức có thể phải lớn gấp đôi. Hiện các báo cáo ban đầu cho thấy, các cửa khẩu biên giới đã mở cửa trở lại, tuy nhiên tình hình giao thương vẫn khá chậm chạp và còn gián đoạn.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa công bố quan điểm chính thức về các phản ứng kinh tế trước sự tiếp quản bất ngờ của Taliban ở Afghanistan. Washington được cho là đã đóng băng các khoản dự trữ của chính phủ Afghanistan được giữ trong các tài khoản ngân hàng của Mỹ. Trong khi đó, mới đây, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Biden, Jake Sullivan đã đề cập "những vấn đề liên quan đến các lệnh trừng phạt".

Tuy nhiên, tính đến tháng 7, "món hời" từ thu nhập bất hợp pháp qua đường thương mại xuyên biên giới duy nhất với Pakistan, vẫn mang lại hàng chục triệu USD mỗi năm - đang biến Taliban, lực lượng đang giữ quyền quản lý nhà nước Afghanistan, trở thành những "người chơi lớn" trong thương mại khu vực Nam Á.

Điều này có nghĩa là, các biện pháp trừng phạt và cô lập thông thường, vốn vẫn được áp dụng đối với các trường hợp phải chịu các áp lực quốc tế – khó có thể áp dụng cho Afghanistan ngày nay. Đây chỉ là một trong nhiều vấn đề mà phương Tây, buộc phải tính đến với một Afghanistan do Taliban điều hành.

(theo Nytimes)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/afghanistan-nhan-qua-lon-taliban-tu-tin-han-ve-kha-nang-dieu-hanh-kinh-te-155722.html