Agribank triển khai gói hỗ trợ nội bộ 2,5% lãi suất cho khách hàng
Thực hiện chỉ đạo của ngành ngân hàng về việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Việt Nam đã triển khai hỗ trợ nội bộ các chi nhánh 2,5% lãi suất cho khách hàng. Thông qua chương trình hỗ trợ này sẽ giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng, giảm bớt khó khăn trong kinh doanh và nâng cao chất lượng nguồn vốn.
Thực hiện chỉ đạo của ngành ngân hàng về việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Việt Nam đã triển khai hỗ trợ nội bộ các chi nhánh 2,5% lãi suất cho khách hàng. Thông qua chương trình hỗ trợ này sẽ giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng, giảm bớt khó khăn trong kinh doanh và nâng cao chất lượng nguồn vốn.
Trong đợt hỗ trợ nội bộ năm 2023, đối với khách hàng vay mới được Agribank hỗ trợ lãi suất 2,5% từ ngày 15/5 đến ngày 30/6; từ ngày 1/7 đến ngày 20/9 hỗ trợ 2% và trong quý IV/2023 hỗ trợ 1,5%. Việc hỗ trợ tín dụng được chốt theo từng thời điểm, nếu như ngân hàng nào có dư nợ tín dụng tăng so với mức chốt, phần tăng sẽ được hỗ trợ lãi suất cho những hợp đồng vay mới. Triển khai gói hỗ trợ nội bộ trong hệ thống Agribank, các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đã triển khai tới khách hàng nhằm tăng trưởng tín dụng.
Ông Trần Hồng Việt, Giám đốc Chi nhánh Agribank Kim Bảng cho biết: Trong thời điểm tháng 5 và tháng 6/2023, dư nợ của chi nhánh giảm so với mức chốt tổng dư nợ. Việc hỗ trợ lãi suất nội bộ sẽ là điều kiện thuận lợi để chi nhánh nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trưởng tín dụng. Chi nhánh đã tổ chức tuyên truyền và nắm bắt nhu cầu vay vốn của khách hàng, xây dựng kế hoạch giải ngân vốn phù hợp với từng đối tượng. Thực hiện gói hỗ trợ nội bộ của hệ thống, tăng trưởng của chi nhánh đến thời điểm này được khoảng 30 tỷ đồng so với tháng 4/2023 với hơn chục khách hàng đã được vay vốn sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, chi nhánh tiếp tục bám sát chỉ đạo của cấp trên, triển khai các chương trình hỗ trợ khách hàng nhằm tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng.
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Agribank Thanh Liêm. Ảnh: Hòa Hậu
Cũng như Chi nhánh Agribank Kim Bảng, hiện nay các chi nhánh Agribank trên địa bàn tỉnh đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất nội bộ để nâng cao tăng trưởng tín dụng. Theo lý giải của các ngân hàng, tín dụng là một trong những kênh cung ứng vốn trọng yếu hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Việc Agribank Việt Nam triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất nội bộ mức 2,5% - 2% - 1,5%, đối với các chi nhánh trực thuộc sẽ trực tiếp giảm chi phí vốn vay và giảm chi phí đầu vào sản xuất, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Đối với các tổ chức tín dụng, gói hỗ trợ lãi suất này sẽ giúp các ngân hàng mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ lãi suất không chỉ bảo đảm mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế, mà còn góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và giữ ổn định giá cả trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Ngoài ra, việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất nội bộ của Agribank sẽ giúp các ngân hàng trực thuộc tăng trưởng được nguồn vốn và nâng cao chất lượng tín dụng. Tại Hà Nam, dư nợ tín dụng của các chi nhánh Agribank ước khoảng gần 16 nghìn tỷ đồng; việc triển khai hỗ trợ lãi suất, nguồn vốn sẽ ưu tiên đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống của người dân.
Trong thời gian tới, để chương trình hỗ trợ lãi suất nhanh chóng phát huy hiệu quả, đòi hỏi các ngân hàng thương mại cần chủ động tuyên truyền cho khách hàng tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất nội bộ nhằm giảm bớt khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình triển khai làm thủ tục cho khách hàng vay vốn, các ngân hàng cũng tạo điều kiện, giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, nhanh chóng giải ngân nguồn vốn cho khách hàng, tránh tình trạng các ngân hàng không mặn mà giải ngân vốn theo chương trình hỗ trợ lãi suất, đưa ra nhiều lý do để khách hàng khó tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng.