Agribank ưu tiên vốn cho 'kinh tế xanh'
Là ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực 'Tam nông', Agribank luôn tập trung nguồn lực, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án tạo ra giá trị tăng thêm, dự án năng lượng sạch, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đây là bước hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ, hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tập trung vốn cho dự án xanh
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, việc xác định phát triển các dự án xanh là một trong những mắt xích quan trọng của chuỗi liên kết phát triển bền vững và hỗ trợ giảm phát thải. Theo đó, việc sản xuất kinh doanh hiện nay đòi hỏi phải đáp ứng những tiêu chí xanh, có sự chuyển đổi trong hoạt động để giảm tác động xấu đến môi trường và tạo ra những giá trị bền vững. Các dự án đạt được tiêu chí này chính là những tín chỉ carbon quan trọng, là "tấm vé thông hành" để đưa các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Đáp ứng yêu cầu khách quan và những đòi hỏi của thị trường nêu trên, không chỉ các doanh nghiệp buộc phải thay đổi trong cải tiến quy trình, sử dụng vật liệu xanh, tối ưu hóa quản lý chất thải... mà các ngân hàng cũng phải định hướng xây dựng tiêu chí tài chính xanh với những cơ chế tài chính ưu tiên, đóng góp vào công cuộc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết các thách thức về môi trường, góp phần hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ về tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Từ thực tế trên và nắm bắt định hướng của Chính phủ về tăng trưởng xanh, Agribank xác định ưu tiên cấp vốn cho các dự án xanh, hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về tín dụng xanh, Agribank đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12.4.2022 của Chính phủ, trong đó có quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh nhằm thúc đẩy vốn tín dụng ngân hàng vào các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon.
Trong nhiều năm qua, Agribank đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học; dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững; quản lý rủi ro thiên tai; hỗ trợ nông nghiệp carbon thấp; cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng; điện gió; đưa vốn tín dụng vào công cuộc chống hạn, mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên…
Luôn đổi mới để phát triển bền vững
Với vai trò là ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực "Tam nông", có tới gần 70% dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, để thực hiện quá trình phát triển xanh, phù hợp với định hướng kinh doanh, phân khúc khách hàng, thị trường mục tiêu cũng như năng lực, thế mạnh, Agribank luôn cải tiến các cơ chế, quy trình và có những phương án để khách hàng tiếp cận với hệ thống tài chính xanh như: cho vay qua tổ vay vốn, cho vay bằng hình thức xe lưu động. Trong đó, điểm giao dịch lưu động là 1 trong các sáng kiến mới của Agribank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt để mang nguồn vốn tới vùng sâu, vùng xa.
Agribank cũng đã sớm triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế về nguồn vốn phục vụ sản xuất "nông nghiệp sạch" vì sức khỏe cộng đồng từ năm 2016 với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm. Giai đoạn 2018 - 2020, dư nợ tín dụng xanh của Agribank tăng trưởng nhanh chóng lên đến 350%/năm. Sau giai đoạn này, do ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam... tốc độ tăng trưởng dư nợ có sự suy giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn khá ổn định về giá trị cho vay lẫn số lượng khách hàng.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, dư nợ tín dụng xanh của Agribank đã tăng trưởng bằng năm 2022. Tuy dư nợ lớn nhưng số lượng khách hàng đạt tiêu chuẩn tín dụng xanh của Agribank luôn chiếm cao nhất, khoảng 43.000 khách hàng. Đặc biệt, Agribank phát triển mạnh dư nợ tín dụng xanh trong lĩnh vực lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh. Dư nợ cho vay các lĩnh vực xanh của Agribank như lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh tăng trưởng ổn định qua nhiều năm.
Hiện, Agribank đang triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và cho vay theo 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong nông nghiệp, nông thôn là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đáng chú ý, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này. Từ nguồn vốn Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã và đang hình thành trên khắp mọi vùng, miền của đất nước, như mô hình trồng hoa (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (Cần Thơ), cá tra (An Giang), chăn nuôi lợn (Hà Nam), mía (Khánh Hòa), ngô (Sơn La)… mang lại sự chuyển biến tích cực cho bộ mặt nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Đặc biệt, trong quá trình hiện thực hóa chiến lược phát triển, Agribank cũng đã xây dựng bộ chính sách ESG (Chính sách quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; khung tài chính xanh và khung tài chính xã hội, các chính sách ESG trong hoạt động vận hành của ngân hàng…); xác định mục tiêu cụ thể và xây dựng lộ trình triển khai trong ngắn hạn và dài hạn nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh và thu hút các nguồn vốn quốc tế xanh và bền vững; hoàn thiện mô hình tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện ESG.