Ai ăn tôm biển sẽ gặp nguy hiểm?
Tôm biển là thực phẩm giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể thưởng thức thực phẩm này một cách an toàn.
Mới đây, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương tiếp nhận một trường hợp cấp cứu sau khi ăn tôm biển. Người này có tiền sử dị ứng với nhiều tác nhân như tôm đồng, cua đồng, nhộng, hải sản, thời tiết. 30 phút sau khi ăn tôm biển, người phụ nữ này đau quặn bụng, đỏ da, nổi sẩn cục toàn thân, ngứa… Chị được người nhà cho uống thuốc dị ứng, sau đó đỡ hơn.
4 tiếng sau, chị đau bụng, nôn, gia đình đốt vỏ tôm biển lấy tro hòa nước uống nhưng chị càng nôn nhiều và lịm đi. Lúc này, gia đình mới đưa chị vào bệnh viện.
Chị nhập viện trong tình trạng gọi hỏi nhưng đáp ứng chậm, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được. Bệnh nhân ngay lập tức được tiêm bắp adrenaline nhưng không cải thiện. Bác sĩ phải truyền tĩnh mạch liên tục mới duy trì được huyết áp và tiếp tục điều trị.
Theo TS.BS Bùi Văn Khánh - Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) gặp khá nhiều bệnh nhân gặp tình trạng dị ứng tôm, cua và hải sản.
Ở mức nhẹ, bệnh nhân sẽ nổi mày đay ngứa; còn dị ứng nặng có thể khó thở, tụt huyết áp, sốc phản vệ nguy kịch sau khi ăn hải sản.
Dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch phản ứng quá mức với chất lạ, mà y học gọi là dị nguyên. Chất lạ này có thể hoàn toàn không gây hại ở những người bình thường, như tôm, cua, phấn hoa hay các loại hạt.
Tuy nhiên, ở những người nhạy cảm, cơ thể họ sinh ra các phản ứng dị ứng với các loại protein trong tôm, cua, lạc (đậu phộng), phấn hoa. Biểu hiện của bệnh dị ứng rất phức tạp.
Để phòng tránh tình trạng dị ứng xảy ra, bác sĩ khuyên điều đầu tiên cần xác định bạn dị ứng với loại hải sản nào. Hiện xét nghiệm tìm nguyên nhân dị ứng sẽ khẳng định nguyên nhân nào gây dị ứng. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn về thuốc cũng như chế độ ăn phù hợp.
Các triệu chứng phản vệ gặp chủ yếu trên các cơ quan:
Da: Đỏ da, sẩn ngứa, phù mi mắt, đầy lưỡi...
Tiêu hóa: Đau quặn bụng, nôn, đại tiện phân lỏng...
Hô hấp: Khó thở, thở nhanh, thở rít, ngừng thở...
Tim mạch: Mạch nhanh, huyết áp tụt hoặc tăng, ngừng tim...
Thần kinh (là hậu quả của các cơ quan trên): giảm ý thức, hôn mê, đại tiểu tiện không tự chủ...
Khi có biểu hiện của các cơ quan ngoài da là phản vệ nặng, sẽ tiến triển rất nhanh, có thể nguy hiểm đến tính mạng, lúc này cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/ai-an-tom-bien-se-gap-nguy-hiem-ar766818.html