Ai Cập: Bảo tồn bảo tàng gắn với giáo dục lịch sử

Ai Cập được biết đền như một thiên đường du lịch, đặc biệt có một hệ thống di sản khảo cổ khổng lồ thu hút khách tham quan.

Hệ thống di sản khảo cổ khổng lồ của đất nước này luôn tạo sức hút đối với hàng chục triệu du khách quốc tế mỗi năm. Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Ai Cập đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nevine Nizar Zakaria, Trợ lý Bộ Trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập về một số kinh nghiệm trong công tác bảo tàng, bảo tồn di sản gắn với giáo dục lịch sử cho người dân.

Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Nevine Nizar Zakaria Trợ lý Bộ Trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập.

Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Nevine Nizar Zakaria Trợ lý Bộ Trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập.

PV: Thưa Tiến sĩ, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm của Ai Cập trong việc quản lý và xây dựng hệ thống bảo tàng, bảo tồn các cổ vật cũng như việc giới thiệu di sản để thu hút khách du lịch?

Tiến sĩNevine Nizar Zakaria: Tôi có thể nói rằng bảo tàng là tài nguyên trí tuệ, là cầu nối giáo dục và tri thức giữa du khách với người dân địa phương. Các bảo tàng đóng vai trò như một tác nhân tích cực trong việc làm giàu kiến thức và tiếp nhận kiến thức trong tâm trí của thế hệ trẻ, qua đó phản ánh hành vi và thái độ của họ. Ai Cập có hệ thống các loại bảo tàng phong phú khác nhau.

Tại Ai Cập, Bộ cổ vật là cơ quan có chức năng đi đầu trong công tác bảo vệ di sản văn hóa và di sản lịch sử. Trong những năm gần đây, Bộ Cổ vật đã đóng góp rất nhiều nỗ lực và thay đổi cơ bản trong việc nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống bảo tàng Ai Cập. Những nỗ lực này được xây dựng dựa trên tầm nhìn gắn kết cụ thể nhằm sử dụng bảo tàng như một công cụ rất hữu hiệu trong công tác bảo tồn, kết nối và chia sẻ di sản của Ai Cập, sự giàu có về di sản chung của các cộng đồng.

Chúng tôi đang cố gắng hết sức để có thể để thay đổi cách mà công chúng nhìn nhận đối với di sản một cách sâu sắc. Chúng tôi cố gắng cải thiện kiến thức, thái độ của công chúng đối với di sản bằng cách sử dụng nhiều chương trình giáo dục và chương trình văn hóa xã hội rất cụ thể để không ngừng nâng cao nhận thức của công chúng đối với các giá trị của di sản Ai Cập. Bằng nhiều hình thức, chúng tôi cố gắng tạo điều kiện cho công chúng thấy họ là những nhà bảo tồn, là người bảo vệ di sản.

Chúng tôi cố gắng phát triển nhiều nguồn giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về các giá trị lịch sử và di sản văn hóa Ai Cập. Nói chung, quan trọng nhất, chúng tôi cố gắng giao tiếp nhiều nhất có thể với công chúng, với thế giới và với đời sống văn hóa đa dạng ở mọi cấp độ của xã hội. Chúng tôi có rất nhiều chương trình, kế hoạch để duy trì và bảo vệ các cổ vật của chúng tôi, chính bảo tàng hoặc các tòa nhà bảo tàng.

Và đặc biệt, chúng tôi sắp ra mắt một trang web mới và hiện đại như một sức mạnh để truyền đạt di sản của chúng tôi và nâng cao nhận thức của công chúng với các tài nguyên chúng tôi có trong các bảo tàng cũng như các địa điểm di sản bên ngoài.

PV: Cổ vật là dấu tích của lịch sử. Bộ Cổ vật Ai Cập đã có những chương trình nào để kết nối giáo dục lịch sử với các chuyến thăm bảo tàng đối với người dân, đặc biệt là học sinh và sinh viên?

Tiến sĩNevine Nizar Zakaria: Bảo tàng không chỉ được hiểu là các khu nhà, các bộ sưu tập hoặc cách trưng bày các bộ sưu tập đó. Bảo tàng cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn chính bao hàm ý nghĩa của lịch sử và là nơi lưu giữ quá khứ của một dân tộc. Ai Cập có nhiều loại hình bảo tàng khác nhau, từ các bảo tàng chính ở cấp quốc gia đến bảo tàng phụ cấp tỉnh.

Mỗi bảo tàng mang đặc trưng khác nhau dựa vào nội dung các bộ sưu tập của riêng bảo tàng đó hoặc cách thức bố trí các bộ sưu tập, cũng như loại hình công chúng mà họ hướng tới để phục vụ. Tùy theo từng loại bảo tàng, Bộ Cổ vật đã thiết lập các chương trình nghị sự để đảm bảo mỗi bảo tàng có thể phục vụ công chúng tốt nhất theo chương trình, theo tầm nhìn hoặc sứ mệnh của nó.

Vì vậy, Bộ Cổ vật Ai Cập áp dụng các chương trình giáo dục khác nhau đối với từng loại hình bảo tàng khác nhau. Ví dụ, tại bảo tàng quốc gia Ai Cập - bảo tàng nổi tiếng nhất được đặt gần quảng trường Tahrir, chúng tôi triển khai nhiều chương trình giáo dục được gắn với cộng đồng. Chúng tôi áp dụng các loại chương trình giáo dục khác nhau tại các loại bảo tàng khác nhau. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng cung cấp các chương trình giáo dục vốn có thể giúp kết nối công chúng du khách và cộng đồng địa phương và với các bảo tàng theo mô hình hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu của thế kỷ 21.

Chúng tôi đang cung cấp rất nhiều chương trình giáo dục đối với các đối tượng khác nhau từ các trẻ em, các học sinh đến sinh viên đại học và người lớn tuổi. Đối với người khuyết tật, chúng tôi coi họ là một phần trong chương trình nghị sự của các bảo tàng, chúng tôi cung cấp các dịch vụ tại phòng trưng bày triển lãm để đảm bảo những khách tham quan khuyết tật được thụ hưởng các dịch vụ bình đẳng với những khách tham quan khác.

Các chương trình giáo dục của chúng tôi được thiết kế tích hợp trong các bảo tàng và gắn với các không gian triển lãm. Chúng tôi coi các buổi triển lãm là những công cụ truyền đạt kiến thức lịch sử hiệu quả cho khách tham quan nói chung và cho trẻ em nói riêng. Chúng tôi có thể cung cấp một số yếu tố hỗ trợ thông qua các mô hình để giúp công chúng hiểu rõ hơn về những câu chuyện lịch sử. Ngoài ra, chúng tôi cung cấp các chương trình giảng dạy về di sản trong trường học.

Sau đó, chúng tôi sắp xếp cho giáo viên và học sinh đến thăm bảo tàng, cung cấp tài liệu trợ giúp để giúp giáo viên và học sinh nắm hiểu tốt các kiến thức về chủ đề lịch sử Ai Cập. Đây cũng được coi là một các đưa kiến thức hiệu quả vào tâm trí của các học sinh. Tại triển lãm, chúng tôi bố trí các hình thức thu hút trẻ em với sự xuất hiện của các chú hề, các nhân vật theo chủ đề. Chúng tôi cũng tổ chức hội thảo nghệ thuật cho gia đình bên cạnh các bài giảng hàng tháng cho toàn thể công chúng./.

Thế Nguyễn/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ai-cap-bao-ton-bao-tang-gan-voi-giao-duc-lich-su-925622.vov