Ai Cập thảo luận với Nga, Mỹ về tình hình căng thẳng tại Syria
Ngày 4/12, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc điện đàm để thảo luận về tình hình ở Syria và nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Tại điện đàm, Ngoại trưởng Abdelatty và người đồng cấp Blinken đã trao đổi về các diễn biến mới nhất tại Syria, đặc biệt là tình hình căng thẳng ở miền Bắc nước này, nơi các nhóm phiến quân vừa phát động các cuộc tấn công lớn vào quân đội chính phủ Syria.
Ai Cập tái khẳng định lập trường ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời nhấn mạnh việc bảo vệ dân thường là ưu tiên hàng đầu.
Ngoài ra, các ngoại trưởng của Ai Cập và Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza và đảm bảo viện trợ nhân đạo vô điều kiện cho người dân Palestine.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ai Cập cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov để trao đổi về tình hình Syria. Hai bên bày tỏ quan ngại về sự leo thang xung đột ở miền Bắc Syria. Ai Cập và Nga đều nhất trí về sự cần thiết phải ngừng bắn ngay lập tức và bảo vệ dân thường.
Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp giữa hai quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề khu vực, đặc biệt là đối với tình hình Syria và những ảnh hưởng tiêu cực của các cuộc xung đột này đối với sự ổn định của toàn bộ khu vực Trung Đông.
Cuộc xung đột tại Syria đã bước sang năm thứ 14 và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Gần đây, tình hình ở miền Bắc Syria trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham và các đồng minh phát động một cuộc tấn công lớn, chiếm quyền kiểm soát thành phố Aleppo và các khu vực xung quanh.
Lực lượng chính phủ Syria, với sự hỗ trợ không quân từ Nga, đã đáp trả mạnh mẽ, dẫn đến những cuộc giao tranh ác liệt, đặc biệt tại các khu vực như tỉnh Hama và Idlib. Cuộc tấn công này đã khiến ít nhất 514 người thiệt mạng, trong đó có 92 dân thường, và gần 50.000 người phải sơ tán khỏi các khu vực chiến sự.
Dự kiến, Liên đoàn Ả-rập (AL) sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường cấp bộ trưởng ngoại giao tại thủ đô Cairo của Ai Cập vào ngày 8/12 tới để thảo luận những diễn biến gần đây ở Syria và đưa ra lập trường thống nhất đối với tình hình bất ổn hiện nay.
Trong khi đó, tại Syria, các nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS) và Mặt trận Giải phóng Quốc gia (NLF) đã chiếm được 2 điểm dân cư có tầm quan trọng chiến lược - Al-Mubaraqat và Sheikh Helal, nằm ở miền Trung nước này.
Các hoạt động quân sự này đã dẫn đến việc phong tỏa các trục giao thông huyết mạch nối Hama-Salamiyah và đường nối Hama-Raqqa, cản trở đáng kể hoạt động di chuyển của lực lượng chính phủ Syria và các đồng minh của họ, kể cả các đơn vị của IRGC (Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran).
Việc chiếm giữ những khu vực này có tầm quan trọng chiến lược lớn vì những con đường này là tuyến cung cấp quan trọng cho lực lượng chính phủ và các đồng minh của họ, đồng thời cũng là những tuyến đường tiếp tế quan trọng cho dân quân Iran và các nhóm ủy quyền hoạt động bên phía chính phủ Syria.
Giờ đây, bằng cách kiểm soát các điểm dân cư này, phiến quân đã cắt đứt một trong những tuyến liên lạc chính cung cấp hỗ trợ cho quân đội chính phủ trong khu vực.
Việc mất các lãnh thổ này cũng làm xấu đi tình hình phòng thủ chung của quân đội Syria, hiện đang gặp khó khăn trong di chuyển và huy động lực lượng bổ sung để giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đã mất.
Trong diễn biến liên quan, nhóm phiến quân Hayat Tahrir al-Sham (HTS) ngày 4/12 thông báo đã đoạt được trạm radar hiện đại 48YA6-K1 Podlet-K1, được sử dụng để điều khiển các hệ thống tên lửa phòng không S-400 và S-300PMU-2.
Trạm radar 48Ya6-K1, là một phần của tổ hợp S-300 và S-400 công nghệ cao, được thiết kế để cung cấp khả năng bảo vệ không phận tin cậy, kể cả các mối đe dọa chiến lược và chiến thuật từ trên không, bao gồm cả tên lửa đạn đạo.
Các chuyên gia lưu ý rằng trạm radar này không chỉ là yếu tố quan trọng đối với Nga mà cả với các đồng minh của nước này trong khuôn khổ mở rộng vùng kiểm soát không phận.
Trong bối cảnh của sự cố này, việc một tổ hợp công nghệ như vậy nằm trong tay phiến quân có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực trong khu vực, vì trạm này có thể được chuyển giao cho các đối thủ của Nga, gồm Ukraine, Mỹ.
Vẫn chưa rõ làm thế nào phiến quân có thể đoạt được một hệ thống công nghệ cao như vậy, nhưng rõ ràng hệ thống này giờ đây sẽ trở thành chủ đề tuyên truyền của lực lượng phiến quân.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)