Ai Cập, Tunisia kêu gọi quốc tế hỗ trợ giải quyết khủng hoảng ở Sudan
Tổng thống Ai Cập cam kết tiếp tục phối hợp với các đối tác cung cấp viện trợ khẩn cấp cho người dân Sudan, đồng thời kêu gọi các nước hỗ trợ các phe phái ở Sudan đạt được sự đồng thuận.
Ngày 27/5, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nỗ lực của các nước láng giềng của Sudan nhằm giải quyết xung đột cũng như các hậu quả nhân đạo tại quốc gia Đông Phi này.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng An ninh và Hòa bình (PSC) của Liên minh châu Phi (AU), Tổng thống El-Sisi nêu rõ: "Tôi kêu gọi các tổ chức nhân đạo và các nước tài trợ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các quốc gia láng giềng của Sudan để họ có thể tiếp tục hoàn thành vai trò của mình."
Nhà lãnh đạo Ai Cập nhấn mạnh hậu quả nhân đạo của cuộc khủng hoảng tại Sudan đã vượt ra ngoài biên giới và tác động đến các quốc gia láng giềng, do đó nỗ lực giải quyết cuộc xung đột Sudan cần có sự phối hợp chặt chẽ của các nước này.
Ông nói thêm Ai Cập đã tiếp nhận khoảng 150.000 công dân Sudan phải sơ tán để tránh xung đột, trong khi khoảng 5 triệu người di cư Sudan khác đang sinh sống tại đất nước Kim Tự tháp.
Tổng thống Ai Cập cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác và các tổ chức cứu trợ để cung cấp viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Sudan, cho rằng các quốc gia trong khu vực cần phải hỗ trợ các phe phái ở Sudan đạt được sự đồng thuận để giải quyết các nguyên nhân cơ bản dẫn đến xung đột.
Ông El-Sisi cũng nhấn mạnh các quốc gia láng giềng của Sudan cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết cuộc khủng hoảng này, đồng thời lưu ý các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do cuộc khủng hoảng Sudan mong muốn chấm dứt cuộc xung đột này càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, ông nêu bật các nỗ lực của Ai Cập hợp tác với AU và AL nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Sudan dựa trên cơ sở tìm kiếm một lệnh ngừng bắn toàn diện và bền vững cũng như duy trì các thể chế nhà nước tại Sudan.
Cuộc họp PSC của AU được tổ chức nhằm thảo luận những nỗ lực tìm kiếm một lệnh ngừng bắn bền vững ở Sudan cũng như các giải pháp để đảm bảo ổn định khu vực.
Cuộc họp do Tổng thống Uganda Yoweri K Museveni chủ trì, có sự tham dự của một số nguyên thủ quốc gia châu Phi cùng một số quan chức cấp cao, trong đó có Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit và Đặc phái viên Liên hợp quốc về vùng Sừng châu Phi Hanna Tetteh.
Cũng tại cuộc họp trên, Bộ trưởng Ngoại giao Tunisia Nabil Ammar tuyên bố nước này bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Sudan và những hậu quả đối với toàn khu vực.
Bộ trưởng Nabil Ammar cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của Tunisia đối với sự thống nhất và chủ quyền của Sudan; bày tỏ tình đoàn kết với người dân Sudan trong việc theo đuổi một nền hòa bình lâu dài và toàn diện.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Tunisia cũng kêu gọi tất cả các bên tại Sudan bảo vệ lợi ích quốc gia và tiến hành hòa đàm. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ, viện trợ cho người dân Sudan.
Đụng độ đã nổ ra giữa Các lực lượng vũ trang Sudan và nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) từ giữa tháng 4 vừa qua.
Lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Sudan từ ngày 22/5 nhưng giao tranh lẻ tẻ vẫn tiếp diễn. Liên hợp quốc ước tính hơn 860 người đã thiệt mạng và 3.500 người bị thương trong cuộc xung đột này./.