Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ hàn gắn quan hệ ngoại giao
Hai nước đã rút đặc phái viên của mình vào năm 2013, sau khi nhà lãnh đạo Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ.
Kênh RT dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4/7 cho biết hai nước đã bổ nhiệm đại sứ tại thủ đô của nhau sau một thập kỷ quan hệ ngoại giao căng thẳng.
Theo đó, Ankara đã bổ nhiệm ông Salih Mutlu Shin làm Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Cairo, trong khi ông Amr Al-Hamami sẽ đại diện cho Ai Cập tại Ankara.
“Bước đi này nhằm một lần nữa thiết lập quan hệ bình thường giữa hai nước và thể hiện quyết tâm chung trong việc hướng tới tăng cường quan hệ song phương vì lợi ích tốt nhất của cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập”, hai bộ trên nhấn mạnh trong một tuyên bố chung.
Mối quan hệ giữa Ankara và Cairo đã đi xuống vào năm 2013 sau khi Tổng thống Ai Cập khi đó là Mohamed Morsi bị lật đổ. Ông là thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo, một nhóm được hỗ trợ bởi Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng bị Ai Cập coi là nhóm khủng bố.
Chính phủ Ankara đã lên án hành động quân sự trên là một cuộc đảo chính chống lại một nhà lãnh đạo được bầu cử dân chủ. Đáp lại, Cairo cáo buộc Ankara can thiệp vào công việc nội bộ cũng như ủng hộ một tổ chức cực đoan. Sau đó, cả hai quốc gia đã rút đại sứ về nước.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hai bên đã có một số dấu hiệu nối lại quan hệ, với các vòng tham vấn bắt đầu vào năm 2021 để bình thường hóa quan hệ.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi tháng 5 đã nhất trí trao đổi đại sứ.
Tổ chức Anh em Hồi giáo, được thành lập tại Ai Cập vào năm 1982, là một phong trào Hồi giáo liên quốc gia. Tổ chức này đã đối mặt với sức ép trong suốt nhiều năm, đặc biệt sau làn sóng "Mùa xuân Arab" năm 2011.
Hiện Tổ chức Anh em Hồi giáo bị quy là nhóm "khủng bố" ở Ai Cập và bị cấm hoạt động tại một số quốc gia. Chính phủ Ai Cập cáo buộc tổ chức Anh em Hồi giáo kích động bạo loạn và mưu toan lật đổ chính quyền.