AI 'chiếm sóng', thầy phải thay đổi thì trò mới chuyển mình được

Trong thời đại trí tuệ nhân tạo bùng nổ, nhiệm vụ của giáo viên và phụ huynh là giúp con học kỹ năng để con phát huy thế mạnh và không để AI lấn lướt.

 AI sẽ trở thành công cụ trung gian giúp trẻ học tập. Ảnh: Việt Linh.

AI sẽ trở thành công cụ trung gian giúp trẻ học tập. Ảnh: Việt Linh.

Tất cả giáo viên tôi từng làm việc cùng tại Việt Nam đều khiến tôi ấn tượng với tình yêu học tập và sự kết nối giữa họ với học sinh.

Đối với tôi, họ dường như đã nỗ lực rất nhiều để xây dựng mối quan hệ bền chặt với trẻ, giúp các em có sức mạnh vượt qua mọi khó khăn trong học tập và kiên cường trước thất bại.

Giáo viên cần làm gương và đồng hành

Mối liên kết giữa thầy và trò hình thành khi hai bên cảm thấy được lắng nghe và hỗ trợ hết mình. Đây chính là vai trò quan trọng của giáo viên. Họ không chỉ giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, mà còn giúp các em trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân.

 Ông Lance G. King là tác giả của nhiều đầu sách, giáo trình về kỹ năng cho học sinh.

Ông Lance G. King là tác giả của nhiều đầu sách, giáo trình về kỹ năng cho học sinh.

Điều này đòi hỏi giáo viên phải tích cực giúp học sinh đặt ra những mục tiêu cao, sau đó thực hiện các bước cần thiết để đạt mục tiêu đó.

Các mục tiêu này cần phải thể hiện được khát vọng của học sinh, đồng thời truyền cảm hứng để các em thực hiện. Và cách tốt nhất để giáo viên (cũng như phụ huynh) giúp trẻ đạt mục tiêu là làm gương.

Nếu giáo viên luôn sử dụng các ví dụ thực tế, gắn với thế giới thực và luôn cho trẻ thấy thầy cô vẫn đang tự học những điều mới mẻ, trẻ sẽ noi theo điều đó.

Nhà trường và từng lớp học cần có văn hóa học tập. Ở đó, mỗi người bộc lộ trí tò mò lẫn những kỹ năng cần thiết để hành động nhằm thỏa mãn trí tò mò của mình.

Việc chủ động học tập cùng với sự hỗ trợ từ giáo viên giúp trẻ có cảm giác các em có thể kiểm soát việc học của mình, đồng thời tăng cường kết nối với giáo viên - dưới vai trò người hỗ trợ.

Đừng dạy con cạnh tranh với máy móc

Và chúng ta cần chuẩn bị cho tương lai. Thay đổi lớn nhất trong cuộc sống của hầu hết mọi người trong 50 năm qua là sự ra đời của Internet, nhất là sự trỗi dậy của AI.

Trong 1-2 năm tới, AI sẽ tác động lớn đến giáo dục tại trường học. Khi tất cả kiến thức, thông tin trên thế giới đều có sẵn và AI trở thành công cụ gia sư trung gian, những ý tưởng dạy học, phương pháp học tập truyền thống sẽ phải thay đổi.

Bộ GD&ĐT Việt Nam dường như đã đoán trước được sự thay đổi này. Trong quá trình cập nhật chương trình giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của thời đại số, Việt Nam đã đi trước nhiều nước phương Đông và phương Tây trong nhiều mặt.

Chúng ta không thể dạy con mình cạnh tranh với máy móc. Giáo viên phải dừng dạy kiến thức, chúng ta cần dạy trẻ những điều độc đáo để máy móc không thể bắt kịp chúng ta

Jack Ma

Chương trình giáo dục quốc gia mới Việt Nam đặt ra mục tiêu rõ ràng cho giai đoạn 2018-2025 là giáo dục trường học từ dựa trên nội dung sang dạy học dựa trên năng lực, từ lấy giáo viên làm trung tâm sang lấy người học làm trung tâm. Ngoài ra, chương trình cũng chú trọng kỹ năng học tập, giảng dạy dựa trên công nghệ.

Những thay đổi này sẽ tạo ra chuyển biến rất lớn, mang lại nhiều lợi ích cho thế hệ trẻ em tương lai.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 1/2018, tỷ phú Jack Ma từng nói:

"Chúng ta không thể dạy con mình cạnh tranh với máy móc. Giáo viên phải dừng dạy kiến thức, chúng ta cần dạy trẻ những điều độc đáo để máy móc không thể bắt kịp chúng ta.

Giáo dục ngày nay là một thách thức lớn. Nếu không thay đổi cách dạy, chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn sau 30 năm nữa. Lý do là cách chúng ta dạy trẻ, những điều chúng ta đang dạy con cái vốn có từ 200 năm trước.

Chúng ta cần dạy con mình những giá trị, niềm tin, tư duy độc lập, tinh thần đồng đội và dạy con biết quan tâm đến người khác. Đây đều là những kỹ năng mềm, và kiến thức không thể dạy chúng ta điều đó".

Do đó, giáo viên và tất cả hệ thống giáo dục cần bắt đầu tập trung vào việc dạy trẻ biết làm những việc mà máy tính không thể làm được.

 Giáo viên nên dạy trẻ những điều mà máy móc không thể làm được. Ảnh: Metamorworks.

Giáo viên nên dạy trẻ những điều mà máy móc không thể làm được. Ảnh: Metamorworks.

Trong cuốn World Class, ông Andreas Schleicher (thuộc Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD) nêu quan điểm tương tự.

Ông viết: "Có thể, công việc trong tương lai sẽ kết hợp trí tuệ nhân tạo với kỹ năng, thái độ và giá trị xã hội, cảm xúc của con người.

Khi đó, năng lực đổi mới, nhận thức và ý thức trách nhiệm của con người sẽ cho phép chúng ta khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo để định hình thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Điều này cho phép mọi người tạo ra giá trị mới, đồng thời có thể đưa lại kết quả mang tính đổi mới, độc đáo và đóng góp những điều có giá trị tích cực. Nó gợi ý đến lý tưởng kinh doanh rộng nhất - sẵn sàng thử mà không sợ thất bại".

Kỹ năng cần dạy trẻ trong thời đại chuyển đổi số

Để thực hiện sự thay đổi này, giáo viên cần chuyển đổi phương pháp giảng dạy, từ “truyền tải” kiến thức sang dạy học dựa trên năng lực, trải nghiệm và tìm tòi.

Phương pháp giảng dạy này yêu cầu học sinh sử dụng các thiết bị kết nối Internet, biết làm việc theo nhóm nhỏ, biết tư duy hiệu quả, truy cập các trang web theo chủ đề và thực hành kỹ năng học tập.

Để có lợi thế trong cuộc sống tương lai, các em cần thực hành ngay từ bây giờ. Cụ trẻ, trẻ cần rèn những kỹ năng như tìm kiếm, lựa chọn, xác minh, chứng thực thông tin, đồng thời học thêm kỹ năng xã hội như hợp tác, giao tiếp, làm việc nhóm và cũng cần có sự kiên trì, bền bỉ.

Học sinh ngày nay đều có thể tiếp cận mọi thông tin trên thế giới nên kỹ năng hữu ích nhất là kỹ năng học tập hiệu quả

TS Lance G. King

Trong kịch bản này, nhiệm vụ của dạy học là hướng dẫn học sinh đi theo lộ trình tìm hiểu, học hỏi để đạt mục tiêu cụ thể. Giáo viên cũng cần giúp học sinh đặt câu hỏi phù hợp, tạo điều kiện để các em tự tìm câu trả lời đúng.

Học sinh ngày nay đều có thể tiếp cận mọi thông tin trên thế giới nên kỹ năng hữu ích nhất là kỹ năng học tập hiệu quả.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tìm thấy thông tin phù hợp, xử lý những thông tin đó sao cho tốt, khai thác điều mình cần và tiếp tục học điều mới.

Đây đều là kỹ năng mà người học cần phải tự hình thành và để thành thạo những điều đó, người trẻ cần được đặt vào đúng vị trí để được thực hành, quản lý việc học của mình.

Giáo viên cũng cần được thay đổi

Để giúp giáo viên cảm thấy hào hứng với việc chuyển đổi phương pháp giảng dạy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần làm những điều sau:

1. Phát triển thêm nhiều nền tảng kỹ thuật số bằng tiếng Việt cho môn học mà trẻ cần, đồng thời có thêm nền tảng để trẻ học những kỹ năng cần thiết để phục vụ việc học tập.

2. Giáo viên cần làm quen với mọi trang web liên quan tài liệu dạy học, bao gồm những trang web miễn phí và trả phí. Trường học cũng cần đầu tư cho việc hỗ trợ giáo viên đăng ký các trang web tốt để tìm tài liệu giảng dạy.

3. Giáo viên cần được đào tạo toàn diện về cách thiết kế các bài học hấp dẫn, biết căn cứ vào mong muốn của học sinh để sử dụng nguồn tài nguyên online tốt nhất hiện có.

4. Học sinh cần được dạy tất cả kỹ năng tư duy và học tập cần thiết để học tập, tìm tòi hiệu quả hơn.

5. Học sinh cần được dạy về việc quản lý việc học của bản thân, các em cũng cần thực hành hoạt động này thường xuyên hơn.

6. Các em cần trở thành một người tự học hiệu quả, thành công nhằm đạt thành tích cao trong trường. Đây là điều mà tất cả trẻ em mong muốn.

Đây là tất cả yếu tố cần thiết để phát triển những con người học tập suốt đời, hiệu quả, biết tự quản lý, biết tận dụng kỹ thuật số và AI.

TS Lance G. King

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-chiem-song-thay-phai-thay-doi-thi-tro-moi-chuyen-minh-duoc-post1461909.html