Ai chịu trách nhiệm khi dân xây nhà 'đón đầu' đền bù dự án cao tốc Bắc - Nam?
Tại tỉnh Quảng Bình, tình trạng người dân tự xây dựng những công trình trái phép trước và ngay sau khi các cơ quan chức năng cắm mốc giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông xảy ra hơn 10 ngày qua.
Hơn 10 ngày qua, ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, từng tốp thợ xây gấp rút thi công các công trình nhà xưởng, tường rào, chuồng trại chăn nuôi... cho nhiều hộ dân. Đây là khu vực có tuyến cao tốc Bắc-Nam đi qua đã được cắm mốc giải phóng mặt bằng. Thôn Áng Sơn, hiện có hàng chục công trình xây dựng vừa hoàn thành hoặc đang hoàn thiện. Theo thông tin người dân phản ánh, trong số này, có hộ là người thân của lãnh đạo UBND xã Vạn Ninh, có trường hợp là người nhà của trưởng thôn Áng Sơn.
Điều khiến dư luận bức xúc là hoạt động xây dựng các công trình chờ đền bù diễn ra công khai, khá rầm rộ trong thời gian dài. Việc xây dựng các công trình xảy ra đồng loạt, bất thường, có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi vị trí xây dựng đã được các cơ quan chức năng cắm mốc và bàn giao mốc thực địa giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa có sự ngăn chặn kịp thời, thiếu quyết liệt trong xử lý. Hiện nay, các công trình này vẫn còn tồn tại tại khu vực cắm mốc giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, các trường hợp này có dấu hiệu vi phạm phải đình chỉ nhưng chưa thấy lập biên bản xử lý nghiêm để làm căn cứ sau này nếu có thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định.
Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đã yêu cầu các thôn có dự án đi qua phối hợp với cán bộ kiểm tra, giám sát và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của cấp trên về vấn đề này. Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã làm việc trực tiếp với từng hộ dân có công trình xây dựng.
Liên quan đến việc trưởng thôn Áng Sơn Đoàn Kim Xuyên có xây dựng công trình để chờ đền bù, ông Lương cho biết, đất đó trước đây là của em gái ông Xuyên, sau đó con rể ông Xuyên mua lại để xây nhà và xây chuồng trại, chứ không phải do ông Xuyên xây dựng.
Về thông tin ông Lê Văn Thiềng, bố vợ của Chủ tịch xã Vạn Ninh phá hàng rào xanh để xây mới hàng rào bằng bê tông gần vị trí cắm mốc, ông Lương giải thích, bản thân ông Lương đã vận động người thân yêu cầu ký cam kết không cơi nới, xây mới vi phạm vào đất dự án đường cao tốc. Ông Thiềng có giải thích không biết việc đền bù chỉ muốn xây lại hàng rào cho khang trang.
Theo ông Nguyễn Hữu Lương, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi qua địa bàn hơn 3km và có 2 dự án là Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ: “Khi nghe thông tin có dự án đi qua thì người dân sửa chữa nhà cửa, làm hàng rào. Xã có các biện pháp tuyên truyền nhưng vị trí đường cao tốc đi qua thì vẫn chưa biết chính xác nên mới tuyên truyền chung. Sau khi có mốc giới bàn giao thì xã tập trung quyết liệt. Khó khăn nhất vẫn là công tác kiểm đếm đền bù, hỗ trợ có liên quan về tài sản, cơ sở vật chất”.
Huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình có gần 35km cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua 5 xã, thị trấn. Tại đây có 22km chưa được bàn giao mốc giải phòng mặt bằng sẽ rất khó giữ nguyên hiện trạng. Người dân cố tình xây dựng vào ban đêm, các công trình sơ sài nên hoàn thiện nhanh chóng. Một số người dân nghe các luồng thông tin sai nên có tâm lý xây dựng chờ đền bù. Đến nay, ngành Tài nguyên Môi trường huyện Lệ Thủy đã lập 80 biên bản người dân tạo lập công trình xây dựng, gồm cả đúng và sai luật.
Ngoài khó khăn về mặt pháp lý, nhiều người dân lẩn trốn, không hợp tác khi thấy đoàn công tác đến kiểm tra. Một số chủ công trình cư trú ở địa phương khác, nên khi cơ quan chức năng đến xử lý, chỉ gặp được thợ xây dựng, việc kiểm tra bị hạn chế vì người dân xây dựng trong đêm.
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, huyện thành lập tổ phản ứng nhanh, đường dây nóng để người dân tự phát giác, mỗi xã lập 3 tổ phản ứng nhanh để phát hiện, ngăn chặn. Một số trường hợp vi phạm, địa phương cho thông báo trên loa truyền thanh thôn xã để cảnh báo, răn đe. Với những hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp sẽ không được bồi thường, những hộ dân xây dựng trên đất thổ cư sẽ được hội đồng giải phóng mặt bằng xem xét theo quy định.
Ông Đặng Đại Tình thừa nhận, do địa bàn lớn, cán bộ không thể quán xuyến hết và nắm bắt cụ thể. Tuy nhiên, địa phương sẽ xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, đặc biệt nếu các cán bộ, đảng viên ở cơ sở có vi phạm thì sẽ xử lý đầu tiên.
“Toàn tuyến rất rộng lớn, ở trên một địa bàn rộng, lực lượng cán bộ không thể ngày đêm túc trực được. Chúng tôi cũng xác định rằng đây là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, đặc biệt đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ huyện cho đến các xã thị trấn. Huyện xây dựng tiến độ công trình để chỉ đạo thực hiện theo tiến độ đó, giống như là cam kết trách nhiệm để cùng thực hiện đảm bảo trong quá trình triển khai dự án” - ông Đặng Đại Tình nói.
Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 qua địa phận tỉnh Quảng Bình bao gồm 3 dự án thành phần với tổng chiều dài hơn 126 km. Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm quốc gia, có tính chất chiến lược. Vì vậy, cần xác định rõ đây là trách nhiệm cả hệ thống chính trị của tỉnh, để từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp triển khai thực hiện đạt kết quả cao, đúng tiến độ đề ra.
Tỉnh yêu cầu thành lập ngay Ban chỉ đạo cấp huyện do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND cấp huyện làm Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng. Địa phương đang tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự đồng thuận của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án triển khai, trong giải phóng mặt bằng tuyệt đối không để xảy ra điểm nóng.
Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương cập nhật những vướng mắc, khó khăn từng việc cụ thể trên thực địa để báo cáo Ban chỉ đạo chính xác, kịp thời. Các đơn vị phải thực hiện sâu sát, nắm bắt chính xác về tọa độ, mốc giới, vướng ở đâu, thực tế thế nào chứ không phải ngồi ở trên gọi điện về xã, thôn để cập nhật.
Theo ông Trần Thắng, đơn vị nào không chủ động chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh, không báo cáo cụ thể để giải quyết các nội dung vượt quá thẩm quyền thì đơn vị, địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
“Vừa rồi các đơn vị nghe báo chí, cơ quan truyền thông nêu lên thực trạng rồi mới chỉ đạo, hay là thông qua chức năng quản lý nhà nước từng xã, từng phường để phát hiện để chủ động xử lý, quản lý. Ở đây đặt ra vấn đề cần đề cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước để đảm bảo cho công tác triển khai dự án. Bây giờ phải phát hiện sớm, xử lý sớm và quản lý sớm thì sẽ thuận lợi cho sắp tới, còn bây giờ làm không tốt thì sau này sẽ khó cho tỉnh và các huyện, các xã” - ông Trần Thắng nhấn mạnh./.