AI chịu trách nhiệm khi phụ nữ Hàn Quốc bị tấn công?

Thay vì đổ lỗi cho công nghệ, sự gia tăng của tội phạm deepfake Hàn Quốc bắt nguồn từ một xã hội coi thường phụ nữ và khoan dung với các tội phạm tình dục.

Những năm gần đây, Hàn Quốc phải đối mặt với một vấn đề đáng lo ngại đang ngày càng gia tăng: tội phạm tình dục kỹ thuật số. Hàng loạt vụ việc liên quan đến deepfake khiêu dâm và bóc lột tình dục trực tuyến được đưa ra ánh sáng, gây chấn động dư luận.

Không thể phủ nhận các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) và các ứng dụng nhắn tin mã hóa như Telegram có vai trò nhất định trong quá trình thực hiện tội ác, nhưng chúng đơn thuần là công cụ. Nguyên nhân căn bản nằm trong những quan điểm xã hội và sự bất bình đẳng giới bén rễ từ lâu trong văn hóa Hàn Quốc.

Tội phạm deepfake mọc lên như nấm

Các số liệu gần đây cho thấy một bức tranh đen tối ở Hàn Quốc, đặc biệt là giới trẻ. Chỉ trong năm 2024, đã có 180 vụ án hình sự liên quan đến hình ảnh deepfake ở Hàn Quốc, 75,8% thủ phạm là thanh thiếu niên, theo dữ liệu từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia nước này.

Con số thống kê gia tăng rõ rệt so với các năm trước, cả về số lượng vụ án và tỷ lệ thanh thiếu niên tham gia. Chẳng hạn như năm 2022, 61% người bị kết án là thanh thiếu niên.

Mới đây, tại Busan, 4 học sinh trung học đang bị cảnh sát điều tra vì sử dụng công nghệ deepfake để tạo ra gần 80 ảnh khiêu dâm của 18 học sinh và 2 giáo viên. Tại Jeju, một học sinh trường quốc tế đã bị bắt vì tạo ra hình ảnh khiêu dâm deepfake sử dụng khuôn mặt của 11 bạn học.

“Những tội phạm tình dục kỹ thuật số thực hiện tội ác như thể đó là một trò chơi. Họ không hề quan tâm đến những tổn thương khó lòng chữa lành của các nạn nhân”, Hạ nghị sĩ Cho Eun-hee thuộc Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền, nói với Korean Herald.

 tin nhắn giữa nạn nhân Song và thủ phạm. Tên trong ảnh chụp màn hình là bí danh và tin nhắn được dịch sang tiếng Anh theo yêu cầu của người được phỏng vấn. Ảnh: Korean Herald.

tin nhắn giữa nạn nhân Song và thủ phạm. Tên trong ảnh chụp màn hình là bí danh và tin nhắn được dịch sang tiếng Anh theo yêu cầu của người được phỏng vấn. Ảnh: Korean Herald.

Phong trào #2ndMeToo_SK đã bùng lên như một lời “cầu cứu” đối với vấn nạn bóc lột tình dục số hóa tại Hàn Quốc, đặc biệt là dùng công nghệ deepfake để lạm dụng phụ nữ.

Hành vi sản xuất và phân phối các deepfake này vượt ra ngoài phạm vi các tài khoản hay diễn đàn ẩn danh. Hàng loạt kênh Telegram mọc lên, cung cấp dịch vụ deepfake từ hình ảnh bạn bè, gia đình theo yêu cầu.

Một số kênh có số lượng thành viên vượt quá 220.000 tài khoản. Kênh này không chỉ tạo ra các hình ảnh khỏa thân deepfake theo nhu cầu, mà còn xây dựng hệ thống thanh toán, tính phí người dùng cho các hình ảnh tùy chỉnh và ưu đãi nếu mời thêm thành viên mới.

Lỗi tại AI?

Khi đi tìm thủ phạm đứng sau những hành vi đen tối này, rất dễ để đổ lỗi cho các công cụ như công nghệ deepfake hay dịch vụ nhắn tin mã hóa như Telegram. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở công nghệ, mà là tư tưởng của những người sử dụng chúng.

AI tạo sinh là cốt lõi của công nghệ deepfake. Nó có thể được sử dụng để tạo ra nhiều loại nội dung khác nhau, từ văn bản, hình ảnh đến âm nhạc và được ứng dụng trong nhiều ngành nghề. Vấn đề sẽ bắt đầu nảy sinh khi những công cụ này bị con người lạm dụng sai cách.

Đặt trong bối cảnh Hàn Quốc - một quốc gia đi đầu về công nghệ - thanh thiếu niên nước này tiếp cận các dịch vụ trí tuệ nhân tạo rất dễ dàng. Một cuộc khảo sát với 2.261 thanh thiếu niên do National Information Society Agency vào tháng 5 cho thấy khoảng 77,5% người trẻ nói họ biết về AI và hơn một nửa, 52,1%, đã sử dụng nó.

Nhưng giống như bất kỳ công cụ nào, AI hoàn toàn có thể gây hại nếu rơi vào tay kẻ xấu. Do đó, việc tập trung vào công nghệ và xem chúng như thủ phạm sẽ che khuất các vấn đề xã hội căn bản, ăn sâu vào suy nghĩ người dân.

 Với công nghệ deepfake và AI, phụ nữ Hàn Quốc đang đối diện với nạn bóc lột tình dục số hóa tinh vi. Ảnh: Korean Times.

Với công nghệ deepfake và AI, phụ nữ Hàn Quốc đang đối diện với nạn bóc lột tình dục số hóa tinh vi. Ảnh: Korean Times.

Xã hội Hàn Quốc vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các giá trị gia trưởng. Họ coi trọng thứ bậc giới tính và vai trò phục tùng của phụ nữ, từ đó định hình thái độ xã hội lên nữ giới. Năm 2019, xứ sở kim chi đứng thứ 118 trong bảng xếp hạng 144 nước về bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Theo Báo cáo thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 2024, Hàn Quốc cũng là quốc gia có chênh lệch mức lương theo giới tính lớn nhất trong số 35 quốc gia thành viên của OECD. Mức lương của phụ nữ chỉ bằng 2/3 đàn ông.

Trong khi đó, phong trào nữ quyền và bình đẳng giới nước này thường bị các phe bảo thủ coi là gây chia rẽ và không phù hợp với văn hóa Hàn Quốc.

Từ một tư tưởng đến cả một hệ thống

Văn hóa gia trưởng đã hình thành sự khoan dung đối với các tội phạm tình dục. Theo Sách Trắng về Tội phạm tình dục năm 2020 do Bộ Tư pháp Hàn Quốc công bố, chỉ khoảng 26% người bị buộc tội tấn công tình dục phải đi tù trong suốt 12 năm qua. Hầu hết chỉ nộp một khoản tiền phạt nhỏ rồi lặng lẽ trở lại đời sống bình thường.

Thậm chí, số liệu về những kẻ lén ghi âm, ghi hình khi không được cho phép, hoặc đăng tải hình ảnh, video khiêu dâm của nạn nhân để “trả thù tình” phải chịu án phạt còn thấp hơn.

Không ít lần các công tố viên kết tội thành công, kẻ tấn công vẫn nhận được bản án quá nhẹ hoặc thậm chí được hoãn thi hành án.

Korean Herald trích Điều 14-1 của Đạo luật về các trường hợp đặc biệt liên quan đến hình phạt về tội phạm tình dục như sau: Người lớn xử lý hoặc chỉnh sửa nội dung video, âm thanh, hình ảnh sai sự thật của người khác dưới hình thức sỉ nhục tình dục, trái với ý muốn của người khác có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc phạt tiền lên tới 50 triệu won.

Nhưng tờ báo Hankyoreh gần đây đưa tin rằng hình phạt thực tế nhẹ hơn nhiều so với quy định của pháp luật. Sau khi phân tích 46 phán quyết của tòa án liên quan đến video deepfake, trang tin kết luận trong số 18 người bị truy tố vì phát tán chỉ có một người nhận án tù, 2 người phạt tiền, 15 người hoãn thi hành án.

Son Jong Woo - kẻ đứng sau trang web Welcome To Video - và kẻ chủ mưu của "phòng chat thứ N" Cho Joo Bin. Ảnh: The Telegraph.

Son Jong Woo - kẻ đứng sau trang web Welcome To Video - và kẻ chủ mưu của "phòng chat thứ N" Cho Joo Bin. Ảnh: The Telegraph.

Hay đơn cử như năm 2018, Son Jong-woo (khi đó 23 tuổi) bị kết án là người điều hành lâu năm của trang web khiêu dâm trẻ em lớn nhất thế giới trên darknet. Website Welcome To Video của Son có tới 3.000 video, 8 TB tài liệu khiêu dâm trẻ em với số hội viên khoảng 1,28 triệu người ở 32 quốc gia, trong đó có Mỹ, Anh và Đức.

Tuy nhiên, tòa án Hàn Quốc chỉ tuyên phạt Son 18 tháng tù - chỉ bằng một kẻ ăn trộm ở Hàn Quốc. Vốn dĩ, Son còn bị truy tố tại Mỹ với nhiều tội danh liên quan đến khiêu dâm trẻ em và có thể nhận mức án tù tới 30 năm nếu bị dẫn độ tới Mỹ. Tuy nhiên, Tòa án cấp cao Seoul từ chối lời đề nghị. Thẩm phán đã đưa ra lý do giảm nhẹ rằng "anh ta còn trẻ và không có tiền án, đang tự suy ngẫm về bản thân”.

Do đó, để giải quyết cuộc khủng hoảng tội phạm tình dục, Hàn Quốc cần nhìn nhận vấn đề không chỉ ở công nghệ, mà còn phải xem xét vấn đề văn hóa xã hội gốc rễ, là mầm mống khiến các tội phạm này tồn tại.

Giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc này, nhưng nó phải vượt xa hơn việc chỉ dạy về các khía cạnh kỹ thuật của công nghệ

Lee Soo-jung, giáo sư tâm lý tội phạm tại Đại học Kyunggi, cho rằng các bài học về lập trình và công nghệ máy tính cũng phải bao gồm các cân nhắc pháp lý và đạo đức và nên bắt đầu từ khi còn nhỏ.

Cho đến khi những vấn đề sâu xa này được giải quyết, vấn đề tội phạm deepfake sẽ tiếp tục tồn tại, gây ra những tổn thương khó lòng đong đếm đối với phụ nữ ở Hàn Quốc.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/phu-nu-han-quoc-bi-tan-cong-ai-telegram-co-loi-gi-post1494786.html