Ai chịu trách nhiệm trong quản lý vốn đầu tư tại Thạch Thất, Hà Nội?

Nhiều gói thầu hàng chục tỷ đồng tại huyện Thạch Thất được thực hiện đấu thầu với tỷ lệ tiết kiệm thấp sau đấu thầu.

UBND huyện Thạch Thất

UBND huyện Thạch Thất

Nguồn vốn đầu tư được sử dụng ra sao?

Theo điều tra của GD&TD, ngày 27/8/2024, ông Nguyễn Xuân Sinh – Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất ký quyết định lựa chọn nhà thầu gói thầu số 04: Thi công xây dựng Dự án: Tu bổ, tôn tạo chùa thôn Bến xã Dị Nậu.

Liên danh CTCP Invar và Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Bảo Sơn trúng thầu với giá 21.942.975.000 VND, gói thầu có giá 22.142.048.000 VND tiết kiệm 199 triệu đồng, tương ứng với tỉ lệ 0,9%.

Tiếp đến, gói thầu số 04: Thi công xây dựng Dự án: Tu bổ, tôn tạo chùa Hữu Bằng. Ông Nguyễn Xuân Sinh - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất ký quyết định lựa chọn CTCP Phát triển hạ tầng Tâm Phúc trúng thầu với giá 18.043.468.000 VND, gói thầu có giá 18.203.553.000 VND tiết kiệm 160 triệu đồng, tương ứng tỉ lệ 0,8%.

Hay gói thầu số 05: Thi công xây dựng + thiết bị Dự án: Xây phòng học bộ môn, hiệu bộ, thư viện, khu thể chất, mua sắm trang thiết bị trường THPT Thạch Thất. Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất ký quyết định lựa chọn Liên danh Gia Hưng – Quách Thị Bảy – Long Thịnh trúng thầu với giá 34.149.298.000 VND, gói thầu có giá 34.324.970.000 VND tiết kiệm 175 triệu đồng, tương ứng với tỉ lệ 0,5%.

Những gói thầu có tình trạng tiết kiệm thấp không chỉ xuất hiện ở những gói thầu có giá trị nhỏ, theo tài liệu đã được GD&TĐ xác minh, ngay cả những gói thầu có quy mô lớn, nguồn vốn đầu tư được tiết kiệm sau đấu thầu vẫn đang là một vấn đề cần phải làm rõ.

Tài liệu đã được GD&TĐ xác minh cho thấy, ngày 4/5/2024, Liên danh Công ty TNHH xây dựng và thương mại Bảo Sơn - CTCP xây dựng và môi trường Hà Nội - CTCP xây dựng an toàn Hà Nội - Công ty TNHH tư vấn xây dựng CID được được lựa chọn trúng gói thầu gói thầu số 05: Thi công xây dựng, mua sắm lắp đặt thiết bị Dự án: Cải tạo, nâng cấp, xây dựng nhà làm việc các phòng ban UBND huyện.

Gói thầu có giá 71.583.414.000 VND, giá trúng thầu 71.276.718.000 VND tiết kiệm 300 triệu đồng, tương ứng với tỉ lệ 0,4%

Hay gói thầu số 06: Thi công xây dựng, mua sắm lắp đặt thiết bị Dự án: Xây dựng, nâng cấp, cải tạo phòng học, phòng bộ môn, hiệu bộ, khu thể chất, sân vườn, phụ trợ trường THCS Tiến Xuân, THCS Yên Bình.

Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thành An và CTCP nội thất Toàn Phát Hà Nội trúng thầu với giá 76.580.507.000 VND, gói thầu có giá 76.760.362.000 VND tiết kiệm 180 triệu đồng, tương ứng tỉ lệ 0,2%.

Điểm qua một số gói thầu do UBND huyện Thạch Thất thực hiện với số vốn đã lên đến trăm tỷ đồng, nhưng thông qua hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà thầu chỉ tiết giảm cho vốn đầu tư là những con số èo uột. Tình trạng nhà thầu trúng thầu sát giá vẫn đang tiếp diễn tại đơn vị này.

 Ông Nguyễn Xuân Sinh – Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất ký quyết định lựa chọn nhà thầu gói thầu trị giá hơn 70 tỷ đồng với tỉ lệ tiết kiệm 0,2%

Ông Nguyễn Xuân Sinh – Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất ký quyết định lựa chọn nhà thầu gói thầu trị giá hơn 70 tỷ đồng với tỉ lệ tiết kiệm 0,2%

Chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu giá trị tiết kiệm thấp

Ngày 29/7/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu.

Trong đó nêu rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu thầu tại các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp còn tồn tại một số bất cập như: thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt được như kỳ vọng; các bên tham gia hoạt động đấu thầu (người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu...) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định; năng lực cán bộ còn hạn chế; còn để xảy ra sai sót, vi phạm trong hoạt động đấu thầu; chưa bảo đảm việc công khai, minh bạch thông tin về đấu thầu theo quy định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cơ quan quản lý về đấu thầu thuộc bộ, ngành, địa phương, đơn vị quản lý về đấu thầu tại doanh nghiệp Nhà nước thường xuyên theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về đấu thầu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục sơ hở, bất cập.

Cơ quan quản lý về đấu thầu chú trọng thực hiện giám sát thường xuyên đối với hoạt động đấu thầu khi phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Nhà nước tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên về công tác đấu thầu theo quy định. Các cuộc thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm yêu cầu, chất lượng, nhằm phát hiện các hạn chế, thiếu sót, vi phạm để đề xuất biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng thời, tăng cường vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các kết luận kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp; gói thầu quy mô lớn, phức tạp; các gói thầu đấu thầu không qua mạng; các gói thầu áp dụng chỉ định thầu hoặc các gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; một nhà thầu trúng nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư trong thời gian dài nhưng có hiệu quả kinh tế thấp. Cơ quan thanh tra phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ công tâm, khách quan, không để việc thanh tra làm ảnh hưởng, gián đoạn, đình trệ hoạt động đấu thầu, mua sắm tại các cơ sở y tế.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước thường xuyên nắm bắt các thông tin, phản ánh, kiến nghị về các hành vi tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu để kịp thời xác minh, xử lý.

Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện vi phạm nghiêm trọng cần chủ động đề xuất thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; thực hiện việc đăng tải thông tin xử lý vi phạm của nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng trách nhiệm, gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi.

Người có thẩm quyền, chủ đầu tư giải quyết các vấn đề trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo đúng thẩm quyền, không đẩy trách nhiệm cho các bộ, ngành, cơ quan cấp trên giải quyết các vấn đề thuộc trách nhiệm của mình (như xử lý tình huống, kiến nghị trong đấu thầu); xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo trách nhiệm được quy định tại khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu, bảo đảm chấn chỉnh kịp thời, triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu thầu thuộc phạm vi phụ trách...

Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin về công tác mua sắm tại UBND huyện Thạch Thất...

Bảo Hân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ai-chiu-trach-nhiem-trong-quan-ly-von-dau-tu-tai-thach-that-ha-noi-post702249.html