Ai chống lưng cho Iran nếu chiến tranh với Mỹ?
Một cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ-Iran sẽ kéo theo sự tham gia của nhiều nước khác trong khu vực, điển hình là Israel và Syria.
Phát biểu tại một diễn đàn an ninh quốc tế ngày 2-7, ông Yisrael Katz, Bộ trưởng Ngoại giao Israel, cảnh báo diễn biến căng thẳng hiện nay ở Trung Đông có thể leo thang thành chiến tranh. Nguy cơ bùng nổ chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu Iran phạm phải “những tính toán sai lầm” và vượt qua “làn ranh đỏ” về an ninh-quân sự.
Qua đó, ông Katz cho rằng Israel cần phải chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp nước này phải “ứng phó với các kịch bản leo thang”. Ông Katz khẳng định Israel sẽ “không cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân, ngay cả khi Tel Aviv phải đơn phương chống lại điều đó.
Cùng ngày, ngoại trưởng của một số nước như Đức, Pháp, Anh đã ký tuyên bố chung với đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini nhằm kêu gọi Tehran rút quyết định vi phạm giới hạn làm giàu uranium. Động thái này của EU diễn ra ngay sau khi Iran công bố đã vượt giới hạn 300 kg theo quy định của thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Theo tờ The Guardian (Anh), đây là bước đi có tính toán từ phía Iran nhằm gây áp lực lên các quốc gia châu Âu, qua đó giúp hạn chế các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Dải Gaza và Lebanon sẽ dậy sóng
Theo nhận định của chuyên gia về khu vực Trung Đông, TS Seth J. Frantzman, có hai chỉ dấu địa lý rất đáng chú ý trong cuộc đối đầu Mỹ-Iran. Thứ nhất là vịnh Oman, nơi máy bay do thám của Mỹ bị Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) bắn rơi hồi 20-6. Sau đó là TP Abhan của Saudi Arabia, nơi lực lượng phiến quân Houthi thân Iran vừa mở cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái hôm (2-7).
Hai điểm mốc địa lý này cho thấy một chiến trường trải dài gần 5.000 km đang dần hình thành giữa hai phe Mỹ và Iran.
“Bức tranh lớn nhất hiện tại là việc Iran đang tăng sự hiện diện của mình ở các khu vực lân cận, đặc biệt là ở Iraq và Syria, cũng như chống lưng cho Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen. Hezbollah đã từng tuyên bố rằng toàn bộ lãnh thổ Israel đang nằm trong tầm bắn của lực lượng này” - ông Frantzman cho biết.
Trước đó, một nghị sĩ cấp cao Iran tuyên bố vào ngày 1-7 rằng sẽ đáp trả không khoan nhượng nếu Mỹ phát động tấn công. Vị này đồng thời khẳng định sẽ khiến “tuổi thọ của Israel chỉ còn trong nửa giờ” nếu chiến tranh xảy ra.
Ngoài ra, bên cạnh việc nổ ra một cuộc chiến toàn diện giữa Hezbollah và Israel trong tương lai nếu Mỹ-Iran đánh nhau, ông Frantzman cũng không loại trừ khả năng Iran sẽ mở thêm các mặt trận ở dải Gaza và ở Syria. Lâu nay Iran đã hỗ trợ cho Hamas cùng phong trào Hồi giáo ở Palestine, hai lực lượng hiện đang kiểm soát Gaza và liên tục phóng tên lửa về phía Israel trong những năm gần đây. Israel đã từng triển khai các chiến dịch lớn vào năm 2009 và 2014 chống lại hai tổ chức này cho đến khi lắp đặt hệ thống phòng thủ Vòm Sắt.
Theo chuyên gia về Hezbollah Nicholas Blanford, lực lượng Hamas và phong trào Hồi giáo ở Palestine được Tehran tung ra để thực hiện các chiến dịch đột kích “bí mật và không dấu vết” chống lại Israel. Ngoài ra, hai lực lượng này còn có thể hỗ trợ các lực lượng chính quy của Iran tấn công vào cơ sở quân sự của Mỹ và đồng minh Mỹ ở khu vực. Hiện tại, hai lực lượng này đã đạt những thành công nhất định ở chiến trường Syria, Iraq và Yemen.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm (3-7) cho biết nước này sẵn sàng quay lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và hủy bỏ mọi vi phạm trước “trong vòng 1 giờ” nếu các nước khác đã đặt bút ký cũng tuân thủ “các ràng buộc và cam kết” trong thỏa thuận.
Đồng minh quan trọng Syria
Ở Syria, hiện Iran đang đặt nhiều căn cứ IRGC cũng như cho triển khai lực lượng Hồi giáo Shiite đến từ Iraq nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến kéo dài từ năm 2011.
“Việc Israel tiến hành hơn 1.000 cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu trải dài gần 200 km (từ thủ đô Damascus đến phía bắc TP Latakia và tỉnh Homs, Syria) cho thấy quy mô hiện diện của Iran lớn đến mức nào. Điều đó còn cho thấy Israel rất mong muốn ngăn chặn đà phát triển của Iran” - TS Frantzman nhận định.
Hôm 2-7, Tân Hoa Xã (Trung Quốc) đưa tin Tổng thống Bashar al-Assad đã có một buổi nói chuyện với một quan chức cấp cao Iran về vấn đề “lập trường leo thang” của Mỹ trong thời gian gần đây. Theo hãng tin nhà nước Damascus SANA, ông Bashar al-Assad được cho là đã tái xác nhận Syria sẽ hỗ trợ Iran chống lại bất cứ hành động tấn công, xâm phạm nào vi phạm luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, tạp chí The National Interest chỉ ra một số dấu hiệu cho thấy mục đích của Iran ở Syria thực chất không chỉ dừng lại ở việc ủng hộ chính quyền Assad mà Tehran còn có những mục tiêu khác. Nhiều khả năng Iran muốn dùng Syria làm bàn đạp tấn công Israel. Ví dụ, tháng 2-2018 khi Israel bắn rơi máy bay không người lái mang theo chất nổ của Iran xâm phạm không phận Israel sau khi cất cánh từ căn cứ không quân ở TP Palmyra nằm trong lãnh thổ Syria. Tel Aviv sau đó chỉ trích đây là lần đầu tiên Tehran tiến hành tấn công trực diện nước này và tiến hành không kích căn cứ nói trên.
Cùng với tất cả diễn biến trên, cục diện chiến tranh mà Israel sẽ phải tham gia trong một cuộc xung đột giữa Mỹ-Iran đã rõ, theo TS Frantzman nhận định. Nó sẽ bao gồm toàn bộ dải Gaza, Lebanon và một số mục tiêu ở Syria. Trong quá khứ, Israel đã từng cảnh báo về mức độ ảnh hưởng của Hezbollah đối với chính quyền Lebanon. Ở đó, lực lượng này kiểm soát Bộ Y tế Lebanon và sự hiện diện mạnh mẽ cả về chính trị và quân sự. Lần này sẽ là một cuộc xung đột đẫm máu hơn cuộc xung đột năm 2006, khi Hezbollah giờ đây được trang bị vũ khí với độ chính xác tốt hơn, cùng lực lượng hàng ngàn binh lính dày dạn kinh nghiệm qua chiến trường Syria.
Dù vậy, cũng cần phải lưu ý rằng đồng minh Israel của Mỹ cũng là đối thủ mạnh. Năng lực quốc phòng và không quân của Israel cũng đã gia tăng đáng kể trong thời gian qua.
Tiết lộ mới về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran
Theo hãng tin Reuters, ngày 3-7 Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiết lộ đã thông báo trước với Tổng thống Mỹ Donald Trump về những gì Israel gọi là một sứ mệnh do thám ở Tehran năm 2018 khi phát hiện ra một kho hạt nhân bí mật của Iran. Theo đó, vào tháng 4-2018, các mật vụ Mossad (cơ quan tình báo Israel) đã lấy được hàng nghìn tài liệu bí mật từ Tehran chứng minh rằng Iran trước đó đã theo đuổi một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Ông Trump đã dựa vào các phát hiện của Israel để đưa ra quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran một tháng sau đó.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/ai-chong-lung-cho-iran-neu-chien-tranh-voi-my-843978.html