Ai chưa nên tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca?

Theo Bộ Y tế, những người bị rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu hay có bệnh lý cấp tính cần trì hoãn tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.

Theo quyết định về Hướng dẫn Khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký sáng nay (18/3), 9 nhóm người cần trì hoãn tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 gồm:

- Đang mắc bệnh cấp tính

- Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ

- Những người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù

- Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon (thuốc chống viêm) khoảng trên 7 ngày), hoặc đang điều trị hóa trị, xạ trị

- Trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh Covid-19

- Tiêm vaccine khác trong vòng 14 ngày trước

- Đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng

- Người trên 65 tuổi

- Giảm tiểu cầu và/ hoặc rối loạn đông máu.

Bộ Y tế nhấn mạnh người có tiền sử phản vệ từ độ II trở lên ở lần tiêm trước hoặc với bất cứ thành phần nào của vaccine là trường hợp chống chỉ định, buộc trì hoãn tiêm chủng.

 Người có tiền sử dị ứng, phản vệ từ độ II trở lên ở lần tiêm trước buộc chống chỉ định tiêm nhắc lại. Ảnh: Quỳnh Trang.

Người có tiền sử dị ứng, phản vệ từ độ II trở lên ở lần tiêm trước buộc chống chỉ định tiêm nhắc lại. Ảnh: Quỳnh Trang.

Bên cạnh đó, một số trường hợp thận trọng trong trong tiêm chủng. Cán bộ y tế cần được khám sàng lọc kỹ và theo dõi tại bệnh viện cho những trường hợp này.

Họ là những người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; Người có bệnh nền nặng, mạn tính chưa được điều trị ổn định; Người mất tri giác, mất năng lực hành vi; Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống như mạch nhanh, huyếp áp không ổn định, khó thở...

Trước khi tiêm chủng, nhân viên y tế cần khám sàng lọc kỹ như hỏi tình hình sức khỏe hiện tại, tiền sử dị ứng, mắc Covid-19, bệnh nền, rối loạn đông máu... kết hợp đánh giá về mặt lâm sàng để kết luận trường hợp thuộc nhóm được tiêm ngay, trì hoãn tiêm, thận trọng hay chống chỉ định.

Toàn bộ dữ liệu tiêm chủng của các trường hợp được lưu trữ vào phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân theo quy định hiện hành. Phiếu khám sàng lọc trước tiêm và Phiếu cam kết đồng ý tiêm được lưu tại điểm tiêm chủng. Thời gian lưu là 15 ngày.

Bộ Y tế khuyến cáo người được tiêm vaccine Covid-19 nếu xuất hiện dấu hiệu mẩn ngứa lan rộng, mạch nhanh, huyết áp tăng cao hoặc tụt, tức ngực khó thở, chân tay lạnh… hoặc có diễn biến nặng, cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) Quốc gia, đến ngày 17/3, 12 tỉnh, thành phố đã tiêm ngừa vaccine Covid-19 bao gồm Hải Dương (12.068 người), Hà Nội (3.768), Hưng Yên (2.492), Bắc Ninh (1.332), Bắc Giang (2.281), Hải Phòng (205), TP.HCM (884), Gia Lai (200), Long An (204), Đà Nẵng (117), Hòa Bình (152), Khánh Hòa (105).

Trong số hơn 24.000 người tiêm vaccine, 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Một số ít người phản ứng phản vệ độ II, III, đã được xử lý và đều ổn định sức khỏe.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ai-chua-nen-tiem-vaccine-covid-19-cua-astrazeneca-post1194404.html