Ai có mức lương hưu thấp nhất từ 1/7/2025?
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, từ 1/7/2025, mức hưởng lương hưu thấp nhất sẽ dựa theo mức tham chiếu thay vì mức lương cơ sở như quy định hiện hành.
Đối tượng nào có mức lương hưu thấp nhất từ 1/7/2025?
Căn cứ theo Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về mức điều chỉnh lương hưu:
- Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
- Điều chỉnh mức tăng lương hưu thỏa đáng đối với đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 bảo đảm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
- Chính phủ quy định thời điểm, đối tượng, mức điều chỉnh lương hưu quy định tại Điều này.
Tại Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, đối với người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 7 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định mức tham chiếu như sau:
- Mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quyết định dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội quy định trong Luật này.
- Mức tham chiếu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 11, 13 Điều 141 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có nêu rõ về quy định chuyển tiếp như sau:
- Đối tượng quy định tại Điểm a, b, c, d, đ, g và i Khoản 1 Điều 2 của Luật này đã tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên thì mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức tham chiếu.
- Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó.
Theo các quy định nêu trên, từ 1/7/2025, mức hưởng lương hưu thấp nhất sẽ dựa theo mức tham chiếu thay vì mức lương cơ sở như quy định hiện hành (theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2024) và mức tham chiếu này sẽ được điều chỉnh linh hoạt dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Mức lương cơ bản đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu là bao nhiêu?
Mức lương cơ bản là mức lương thấp nhất mà lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận. Cách tính mức lương cơ bản và số tiền đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng có sự khác nhau ở khu vực trong và ngoài Nhà nước.
Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng.
Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng theo quy định của Nghị định 73; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Trong khi đó, mức lương cơ bản không được quy định trong văn bản pháp luật, chỉ là cách gọi của mức lương thấp nhất mà lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận.
Lương cơ bản là khái niệm được sử dụng phổ biến cho tất cả các đơn vị sử dụng lao động và người lao động ở khu vực trong và ngoài Nhà nước.
Mức lương cơ bản được tính thế nào?
Cách tính lương cơ bản phải dựa vào nhiều yếu tố. Đối với cán bộ, công nhân viên chức thuộc khu vực Nhà nước được áp dụng mức lương cơ sở thì: Lương cơ bản = Lương cơ sở x Hệ số lương.
Đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực Nhà nước, mức lương cơ bản được xác định dựa trên mức lương tối thiểu vùng.
Theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/7/2024, mức lương tối thiểu tháng tại 4 vùng được quy định như sau:
Vùng 1: 4,96 triệu đồng/tháng.
Vùng 2: 4,41 triệu đồng/tháng.
Vùng 3: 3,86 triệu đồng/tháng.
Vùng 4: 3,45 triệu đồng/tháng.
Như vậy, doanh nghiệp thuộc vùng nào thì sẽ tính lương cơ bản dựa vào lương tối thiểu vùng của khu vực đó. Trong đó, doanh nghiệp cần lưu ý mức lương cơ bản không được thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Đối với lao động đã được qua đào tạo nghề, học nghề thì lương cơ bản phải cao hơn ít nhất là 7% mức lương tối thiểu vùng.