Ai có nguy cơ bị suy thận cấp?

Suy thận cấp là hội chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân, có thể là do ngoài thận hoặc tại thận, làm suy sụp hoặc mất chức năng tạm thời của cả hai thận, ngừng hoặc suy giảm nhanh chóng mức lọc cầu thận.

Suy thận cấp có tỉ lệ tử vong cao, nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì chức năng thận có thể hồi phục hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn.

Những đối tượng có nguy cơ bị suy thận cấp

Người cao tuổi

Tuổi càng cao thì chức năng của thận càng giảm. Vì vậy, khi có một yếu tố tác động vào cũng dễ xảy ra suy thận.

Người có lối sống không lành mạnh

Nếu người có lối sống không lành mạnh như ăn quá nhiều muối, đường, chất đạm, chất mỡ hoặc ăn ít rau quả, ít vận động, stress… thì sẽ có nguy cơ bị suy thận. Ngoài ra, những người hút thuốc lá hoặc dùng thực phẩm không an toàn cũng có ảnh hưởng nhiều đến thận.

Người mắc bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận ở các nước đã phát triển và đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam. Ngoài ra, tiểu đường còn gây nhiều biến chứng lên các hệ cơ quan khác như tim mạch, mắt, thần kinh... Số người mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng thì tỷ lệ người bị tiểu đường có biến chứng thận (suy thận) ngày càng tăng cao.

Người mắc bệnh tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp nếu không được kiểm soát, điều trị tốt sẽ gây biến chứng suy thận. Đầu tiên sẽ gây ra tiểu đạm (đạm niệu), sau đó sẽ gây ra suy thận.

Người mắc bệnh phải dùng thuốc điều trị dài ngày

Một số người sử dụng thuốc điều trị dài ngày có thể gây tổn thương thận, đặc biệt là khi dùng dài ngày và liều dùng không thích hợp. Việc sử dụng các thuốc này cần được hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ. Một số thuốc thường gặp có thể gây ngộ độc cho thận là: Thuốc kháng viêm không Steroid; Kháng sinh nhóm Aminoglycoside; Thuốc kháng lao; Thuốc, hóa chất điều trị ung thư; Thuốc cản quang; Một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc...

Do đó, khi sử dụng bất kì loại thuốc nào cũng cần phải cẩn trọng, tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc bừa bãi, vì sẽ có khả năng gây tổn thương thận cấp hoặc mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe về sau.

Người mắc bệnh lý thận tiết niệu

Nếu mắc một số bệnh như sỏi thận, trướng nước thận, viêm bể thận... mà không điều trị tốt sẽ ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan này, dần dần gây biến chứng suy thận. Các bệnh lý như hội chứng thận hư, viêm cầu thận... nếu không được điều trị tốt cũng sẽ gây suy thận

Người mắc bệnh lý nhiễm trùng

Nếu mắc bệnh lý nhiễm trùng có thể gây biến chứng và suy thận. Ví dụ viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn liên cầu, nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn có độc lực cao, có thể gây sốc nhiễm khuẩn và suy thận cấp.

Suy thận cấp là hội chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân.

Suy thận cấp là hội chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân.

Biểu hiện của suy thận cấp

Suy thận cấp tiến triển qua 4 giai đoạn:

– Giai đoạn 1:

Giai đoạn khởi đầu: Đây là giai đoạn tấn công của các tác nhân gây bệnh. Diễn biến dài ngắn tùy theo từng nguyên nhân.

– Giai đoạn 2:

Đây là giai đoạn tiểu ít, vô niệu: Vô niệu có thể diễn biến từ từ, bệnh nhân có thể tiểu ít dần rồi vô niệu, nhưng nguyên nhân vô niệu có thể xảy ra đột ngột, nhất là trong trường hợp ngộ độc hoặc do các nguyên nhân cơ giới.

– Giai đoạn 3:

Giai đoạn tiểu trở lại với số lượng nước tiểu tăng nhanh dần, có trường hợp tiểu 4 – 5 lít/ngày hoặc hơn, kéo dài 5 – 7 ngày. Urê, Creatinin máu giảm dần, Urê và Creatinin niệu tăng dần, suy thận chuyển sang giai đoạn hồi phục.

– Giai đoạn 4:

Giai đoạn hồi phục: Khả năng cô đặc nước tiểu của ống thận tốn rất nhiều thời gian, có khi tới hàng năm mới hồi phục hoàn toàn, mức lọc cầu thận hồi phục nhanh hơn. Thường sang tháng thứ hai đã có thể bình thường, sự hồi phục nhanh, chậm tùy thuộc vào từng nguyên nhân, chế độ điều trị trung bình khoảng 4 tuần.

Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng ngừa suy thận cần có lối sống lành mạnh, khoa học: Ăn uống đủ chất, hạn chế muối, chất béo, bia rượu, kiêng thuốc lá, uống đủ nước hàng ngày và tập thể dục đều đặn.

Cần khám sức khỏe định kỳ, hoặc đi khám khi bản thân có các dấu hiệu sức khỏe bất thường, việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp thận phục hồi được hoàn toàn.

Nếu mắc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, u xơ tuyến tiền liệt… thì cần điều trị tốt các bệnh này, vì các bệnh lý này có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận, do đó kiểm soát tốt các bệnh mạn tính là cách giúp phòng ngừa bệnh thận.

Ngoài ra, cần sử dụng các thuốc đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thông báo cho thầy thuốc nếu có các vấn đề về sức khỏe ở gan, thận để được điều chỉnh liều dùng, tránh nguy cơ quá liều làm tăng tác dụng phụ của thuốc.

Ở các bệnh nhân lớn tuổi có bệnh thận từ trước và có bệnh mạn tính kèm theo như đái đường, suy gan, tăng huyết áp, suy đa tạng, chấn thương... khi bị suy thận cấp thì tiên lượng bệnh sẽ nặng và khó điều trị hơn. Do đó, trước khi phẫu thuật cần phải dự phòng suy thận cấp cho bệnh nhân, bù đủ dịch và kiểm soát tốt huyết áp khi phẫu thuật.

BS Nguyễn Văn Liên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ai-co-nguy-co-bi-suy-than-cap-169240621221903043.htm