Ai có thể lấp được khoảng trống của bà Angela Merkel?

Là một nhà khoa học, một tiến sĩ vật lý lượng tử, thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Angela Merkel hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng. Cùng với 16 năm điều hành quốc gia công nghiệp hùng mạnh này, bà sẽ để lại khoảng trống lớn cho bất cứ vị tân thủ tướng nước Đức nào tới đây.

Cuộc gặp gỡ lịch sử

Đó là vào cuối tháng 11 năm 2016. Donald Trump chuẩn bị được bầu làm tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Và người tiền nhiệm Barack Obama đã rất lo lắng khi chuẩn bị rời nhiệm sở.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đối mặt với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Reuters

“Giờ bà ấy chỉ có một mình”, cựu tổng thống Obama nheo mắt và cắn môi đặc trưng khi nói với cố vấn của mình. Obama tranh thủ thời gian đó để hội đàm không chính thức với Angela Merkel trong khách sạn Adelon ở thủ đô Berlin.

Obama nghĩ rằng chỉ có một cá nhân có thể giữ cho trật tự thế giới, trong khi nước Mỹ đang rời bỏ các trạm gác địa chính trị của mình. Người đó là thủ tướng Đức.

Nhưng Obama đã rất lo lắng, bởi bà Merkel từng quyết định không tranh cử thêm nhiệm kỳ nữa hồi tháng 9/2017. Obama buộc phải đến thủ đô nước Đức để khiến bà thay đổi quyết định. Và ông ấy đã thành công. Bà Merkel bị thuyết phục rằng bà còn một nhiệm vụ quan trọng nữa phải làm. Đó là duy trì trật tự, nền dân chủ và sự tự do cho thế giới, ít nhất trong 4 năm nữa.

“Tôi nhận thấy giọt nước mắt trên mắt bà khi chúng tôi rời đi”, cố vấn Ben Rhodes của ông Obama kể lại sau cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo. Câu chuyện đó còn được kể lại bởi một cây bút tờ Die Welt của nước Đức sau này.

Người “giữ trật tự”… thế giới!

Trong 4 năm tiếp theo, chính bà Merkel là người tìm cách cứu vãn hiệp định khí hậu Paris, chính bà là người duy trì áp lực địa chính trị lên Vladimir Putin, trong khi tân thủ tướng Mỹ lúc đó - ông Trump thì làm ngược lại.

Nếu bất cứ điều gì là di sản của Merkel, thì đó là quyền giám sát của bà đối với trật tự thế giới tự do. Angela Merkel trên hết là một chính trị gia đối ngoại thực tế.

Trong khi những người tiền nhiệm trước đó của Merkel - Helmut Kohl (1982-98) và Gerhard Schroeder (1998-2005) - chủ yếu được nhớ đến với các chính sách đối nội, thì bà lại là một chính trị gia có chính sách đối ngoại.

Kohl chủ trì thống nhất nước Đức, còn Schroeder cải tổ nhà nước phúc lợi. Còn di sản mà Merkel để lại mang giá trị quốc tế. Bà là người giữ trật tự… thế giới!

Thủ tướng Đức Angela Merkel hội đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson - Ảnh: Reuters

Mọi thứ đều phải “Funktioneren”, đều phải hoạt động

Bà Merkel đã sử dụng sự can thiệp của nhà nước để giải cứu nền kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Bà chấp nhận các chính sách thắt lưng buộc bụng để cứu đồng euro. Như bà từng nói vào năm 2008: “Tôi muốn kinh tế thị trường càng nhiều càng tốt, cũng như cả sự can thiệp của nhà nước càng nhiều càng tốt”.

Khi được nhắc nhở rằng điều này gợi nhớ đến giai đoạn xã hội chủ nghĩa tại Đông Đức những năm 1960, bà chỉ nhún vai cười: “Có, vậy thì sao, nếu nó hoạt động tốt?”.

“Funktioneren” là từ chỉ hoạt động được dùng rất nhiều trong tiếng Đức. Với Merkel, mọi thứ đều phải “Funktioneren”, đều phải hoạt động. Nếu có bất kỳ chính trị gia nào say mê ý tưởng hoạch định chính sách dựa trên bằng cớ, đó chính là bà ấy. Là một nhà khoa học, có bằng tiến sĩ về vật lý lượng tử, bà rõ ràng là một sự độc đáo của nước Đức, nơi mà hầu hết các chính trị gia đều là luật sư hoặc nhà kinh tế.

Khi chọn Bộ trưởng Nội các cho Văn phòng thủ tướng Đức (Kanzleramt), bà đã chọn Helge Braun - một bác sĩ y khoa. Để rồi, sự lựa chọn như bởi “giác quan thứ sáu” đó của bà Merkel đã đem đến những kết quả đầy bất ngờ.

Braun có mối quan tâm đặc biệt đến các bệnh truyền nhiễm, hệ thống y tế công cộng. Có nghĩa Đức đã đi trước nhiều quốc gia khác nhiều năm trong công cuộc chống lại đại dịch Covid-19.

Vì thích sự thật và bằng chứng, bà Merkel được gọi là “bậc thầy của sự trì hoãn”. Trong khi hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới khác thích “khoa trương”, thích “hành động”, thì bà Merkel thích làm bài tập về nhà và sau đó đưa ra quyết định dựa trên sự thật.

Người Đức còn phát minh ra một động từ theo tên của bà. Đó là “zu merkeln” - có nghĩa suy ngẫm về một quyết định trước khi hành động!

Hoàng Hải

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ai-co-the-lap-duoc-khoang-trong-cua-ba-angela-merkel-post157970.html