Ai còn nhớ đến trống bỏi, tò he?
Hỏi vậy vì đi khắp làng Báo Đáp (làng nghề làm đồ chơi Trung thu nổi tiếng ở Nam Định) chúng tôi chỉ tìm được duy nhất một hộ đang còn làm trống bỏi, một hộ khác được giới thiệu còn làm nghề nặn tò he nhưng thực tế không còn làm, chỉ thỉnh thoảng được Bảo tàng tỉnh mời đến trình diễn.
Hiếm vậy nên khi bước chân vào nhà ông Trần Đức Hưởng, hộ duy nhất ở Báo Đáp đang còn làm trống bỏi, thấy một mẹt trống thành phẩm, tôi nhanh tay cầm lấy một chiếc, quay quay, lắc lắc, thấy thật thích thú khi nghe được những âm thanh rộn rã phát ra; được “gặp” lại tuổi thơ, mỗi lần đi chợ Viềng Xuân, lễ hội chùa Bi (cùng ở Nam Định) đều sà vào dãy hàng đồ chơi, để khi thì nhấc lấy một chiếc trống bỏi, khi mua một quả bóng bay, khi ngồi trân trân, tròn mắt trước những ngón tay khéo léo của ông thợ nặn tò he, qua vài thao tác bóp nặn, vê vuốt của ông hình hài ông Quan Công, Tôn Ngộ Không…bằng bột gạo nếp đã hiện ra, chơi xong lại có thể “chén” luôn được.
Ở ngay trên nền nhà, vợ chồng ông Hưởng (tuổi đã ngoại lục tuần) đang lặng lẽ thực hiện các công đoạn làm ra một chiếc trống bỏi, dịp hiếm hoi giúp chúng tôi biết quy trình một chiếc trống bỏi được làm ra. Các công đoạn đều được ông bà làm bằng tay, dụng cụ hỗ trợ chỉ là những đồ gia dụng bình thường. Họ làm bằng cách nào? Người vợ nhặt một miếng đất trong số đất đặt trước mặt (lấy từ đồng làng), ấn chặt vào một chiếc khuôn tròn, đường kính chỉ khoảng 4cm, cao chừng 1cm (bằng thân chiếc trống bỏi thành phẩm), dùng dao gợt cho bằng mặt. Sau đó bà lại lấy một chiếc khuôn tròn thứ hai, mỏng như đồng xu, có đường kính nhỏ hơn chiếc khuôn tròn thứ nhất, giữa có lỗ to (bằng đường kính chiếc trống thành phẩm) đặt lên mặt. Tiếp đến, bà lại dùng một chiếc ống tròn, đường kính nhỏ hơn, vừa khít với phần lỗ của chiếc khuôn thứ hai, dùng chày đóng mạnh, thẳng xuống. Thành phẩm sau thao tác này là một chiếc vòng tròn bằng đất thịt (chính là thân chiếc trống), được bà chuyển cho chồng đang ngồi cạnh, rồi lại lặp lại các thao tác làm ra thân trống từ đầu.
Tiếp nhận thân trống từ vợ, ông Hưởng ngồi tỷ mẩn đấu nối 2 chiếc quai (bằng kim loại, nhỏ, dài như chiếc kim khâu, được ông làm sẵn từ trước) vào thân trống. Xong, ông nhẹ nhàng đặt vào một chiếc mẹt, khi nào mẹt đầy mang ra sân phơi nắng, mục đích để cho thân trống bằng đất có gắn quai khô lại. Khi chúng tôi đến, ở sân nhà ông Hưởng đã có 2 chiếc mẹt đựng thân trống đang được phơi nắng, đã khô trắng, riêng chiếc mẹt ở trong nhà, cạnh chỗ vợ chồng ông đang làm việc, số thân trống đã xếp kín 2/3, tổng cộng cả 3 chiếc mẹt chứa đến cả trăm chiếc.
Như lời ông bà, sau khi thân trống đã được phơi khô, rắn chắc, họ sẽ thực hiện nốt một số khâu như dán mặt trống (bằng bìa giấy cứng, phủ lên một lớp giấy trang trí mỏng in hình ngôi sao); gắn quai trống với một chiếc cán nhựa, đầu là một vòng xoay có bánh răng (tự làm hoặc đặt mua); gắn dùi trống (bằng một chiếc que, dài, to như một chiếc tắm, nằm giữa 2 chiếc quai nối thân trống với cán trống) với một đầu nằm giữa mặt trống, một đầu đè lên một trong những bánh răng ở đầu cán trống (khi bị xoay lắc, các bánh răng tác động vào dùi trống khiến dùi đập liên hồi vào mặt trống tạo ra âm thanh), kết thúc quy trình làm ra một chiếc trống bỏi-món đồ chơi dân gian dành cho trẻ em, chỉ cần các em cầm lên lắc lắc là được nghe những âm thanh phát ra liên hồi, rộn rã.
Hỏi ông Hưởng về ý nghĩa tên gọi “trống bỏi”, nghệ nhân nay đã 65 tuổi, từ nhỏ đã nối nghiệp cha làm trống bỏi vừa cười mủm mỉm vừa kể câu chuyện về mẹo chữa “bỏi” (các bé trai bị kiến hoặc ong đốt ở chỗ kín, khiến nó bị sưng, ngứa) của dân gian. Tóm lại, “bỏi” là một từ cổ, chỉ “cậu nhỏ” của các bé trai, rộng hơn là chỉ những thứ nhỏ bé, thuộc về trẻ con. Vậy nên dân gian mới có câu “Già còn chơi trống bỏi”, ngụ ý phê phán những người đã già nhưng vẫn còn ham muốn những cái không hợp với tuổi của mình, xem đó là việc dị thường.
Hỏi vợ chồng ông Hưởng về việc tiêu thụ cũng như thu nhập từ nghề làm trống bỏi, ông cho hay dù lượng tiêu thụ không còn nhiều như những thập niên trước nhưng trống bỏi vẫn là món đồ chơi yêu thích của trẻ em, ở cả nông thôn và thành thị. Như hiện nay, ông bà đang làm theo đặt hàng của các cửa hàng trên Hà Nội. “Xong mẻ nào là tôi đóng hộp, gửi theo xe lên cho họ thôi, như bây giờ cũng được trả 5000 đồng/chiếc”, ông Hưởng biết.
Nghe vợ chồng ông Hưởng kể chuyện, quan sát công việc ông bà đang làm, chúng tôi cảm nhận công việc làm trống bỏi không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo, tỷ mẩn. Ở khía cạnh xã hội, công việc này giúp những người cao tuổi như vợ chồng ông Hưởng vẫn có việc làm phù hợp ngay tại nhà, có thu nhập. Ở khía cạnh văn hóa, công việc của họ đang góp phần gìn giữ, duy trì một nét đẹp trong đời sống văn hóa dân gian, rất thuần Việt, làm ra những đồ chơi lành mạnh cho trẻ em ngày nay-thế hệ đang sống trong thời đại của công nghệ, với rất nhiều sản phẩm trò chơi hiện đại, hay cũng lắm dở cũng nhiều. Chỉ băn khoăn một điều, cả làng Báo Đáp hiện chỉ còn duy nhất vợ chồng ông Hưởng theo đuổi công việc này. Các con ông hiện cũng không theo nghề của cha mẹ, như hầu hết các hộ khác trong làng, họ hiện tập trung cho việc sản xuất hoa nhựa, hoa giấy để phục vụ các lễ cưới hoặc các sự kiện khác cần trang trí. Đơn giản vì, nhu cầu mặt hàng này lớn, có quanh năm, cho thu nhập tốt hơn. Đồ chơi Trung thu duy nhất hầu hết các hộ trong làng đang còn làm là những chiếc đèn ông sao. Không còn người nối tiếp, nghề làm trống bỏi ở Báo Đáp mai này có còn?
Trước đó, chúng tôi cũng tự hỏi câu hỏi này khi đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Quang (cách nhà ông Hưởng không xa) - nghệ nhân nặn tò he nổi tiếng của làng, rộng hơn là ở tỉnh Nam Định; thấy “chưng hửng” khi trong câu chuyện ông cho hay hiện không còn làm công việc này, hiện cả gia đình đang chuyên tâm sản xuất các loại hoa nhựa trang trí như hầu hết các hộ trong làng, mong muốn được xem ông nặn tò he do vậy không thành. “Thỉnh thoảng tôi vẫn được Bảo tàng tỉnh Nam Định hoặc các trường học ở địa phương mời đến giới thiệu, trình diễn các thao tác nặn tò he cho các cháu học sinh. Chỉ khi nào được mời, tôi mới làm bột, làm màu, rồi xách túi đi thôi”, nghệ nhân 50 tuổi cho biết.
Nói về nghề này, ông Quang kể rằng từ bé đã theo cha đi khắp khác lễ hội ở vùng đồng bằng sông Hồng hành nghề, đến tuổi thanh niên thì tự xách túi “lên đường”, điểm đến có khi là một lễ hội, có khi ở công viên, khi ở cổng một trường học, một cái chợ làng-những nơi có đông trẻ em, gần thì sáng đi tối về, xa thì xin ở trọ ở nhà người dân trong vùng. “Những con bánh (từ ông Quang gọi những hình thù mình nặn ra) được làm bằng bột nếp. Khi cần màu đỏ chúng tôi trộn thêm gấc vào, cần màu xanh chúng tôi chọn mấy loại lá, giã ra, lấy nước cho vào. Chính vì vậy khi chơi chán, các cháu có thể ăn luôn các con bánh. Để hấp dẫn các cháu, khi nặn hình gì thì vừa nặn vừa kể chuyện về hình đó, nặn hình ông Quan Công thì phải kể cho các cháu biết ông Quan Công là ai?”, ông kể. Vậy nhưng, như lời ông, sinh 4 con, việc ăn, việc học của các con buộc ông phải “giải bài toán” kinh tế gia đình. “Đáp án”, như lời ông, không thể trông chờ vào thu nhập từ nghề nặn tò he truyền thống.
Làng Báo Đáp còn được biết đến là xứ đạo Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, cách TP Nam Định chỉ vài km). Người Báo Đáp nổi tiếng tài hoa, giỏi làm kinh tế. Từ hàng trăm năm nay, ngoài ruộng đồng, người dân ở đây có nghề làm đồ chơi Trung thu cho trẻ em, nghề làm hoa trang trí. Báo Đáp còn nổi tiếng là xứ đạo có ngôi đền Thánh to đẹp. Rất nhiều người trong xứ đạo có thể thổi kèn Tây, đánh trống, chơi đàn piano, kéo đàn violon… chỉ từ tự dạy nhau. Vào những ngày lễ trọng, cả xứ đạo rộn ràng không khí của một lễ hội âm nhạc.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ai-con-nho-den-trong-boi-to-he-10288719.html