Ai cũng có lương hưu nếu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Thời gian qua, ngày càng nhiều lao động nông thôn tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Đây được coi là một hình thức gửi tiết kiệm, giúp nông dân, lao động phổ thông hưởng lợi và có thể nhận lương hưu khi đủ số năm đóng bảo hiểm.

Hiểu được lợi ích

Huyện Krông Nô là địa bàn có đông dân cư, nhiều người lao động từ các địa phương khác đến làm ăn sinh sống, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông. Tính đến hết tháng 4/2021, toàn huyện đã phát triển được trên 1.000 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, phần lớn là nông dân, chủ cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa.

 Ông Đinh Văn Xá ở tổ dân phố 4, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) quyết định tham gia BHXH tự nguyện

Ông Đinh Văn Xá ở tổ dân phố 4, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) quyết định tham gia BHXH tự nguyện

Ông Đinh Văn Xá ở tổ dân phố 4, thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) cho biết, hiện ông đang làm chủ một cửa hàng kinh doanh thiết bị điện thoại. Việc mua bán thuận lợi, giúp kinh tế gia đình ổn định. Thời gian qua, được cán bộ của BHXH huyện Krông Nô hướng dẫn, phổ biến những lợi ích, ông quyết định tham gia hình thức bảo hiểm này.

“Việc tham gia BHXH tự nguyện giống như cách chúng tôi gửi tiết kiệm từng năm. Không giống như gửi ngân hàng, chúng tôi được hưởng rất nhiều lợi ích, chế độ khi tham gia BHXH. Đặc biệt, khi tham gia đủ số năm theo quy định, chúng tôi có thể được nhận lương hưu hàng tháng”, ông Xá nói.

Tương tự, ông Hồ Trọng Tín, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tín true coffee ở tổ dân phố 4, thị trấn Đắk Mâm cũng tham gia BHXH tự nguyện. Ông Tín từng có hơn 15 năm đóng BHXH bắt buộc trong thời thời gian làm ở cơ quan nhà nước nhưng sau đó ông nghỉ việc để phát triển thương hiệu cà phê của gia đình.

Để được hưởng các quyền lợi, chế độ bảo hiểm sau khi đóng đủ 20 năm theo quy định, ông Tín đã tham gia BHXH tự nguyện và đóng một lần cho số năm còn lại.

Nhận thấy những thuận lợi khi tham gia BHXH tự nguyện nên ông Tín còn vận động nông dân trong HTX tham gia. Ông chia sẻ: “BHXH tự nguyện có nhiều mức đóng, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều người. Tôi vận động các nông dân tham gia BHXH tự nguyện và đóng đủ số năm theo quy định, sau này sẽ được hưởng chế độ lương hưu hàng tháng”.

Ông K’Hoa ở bon Kala Dơng, xã Quảng Khê (Đắk Glong) hàng ngày gắn với nương rẫy nhưng khi được giới thiệu về quyền lợi, lợi ích, ông quyết định tham gia BHXH tự nguyện.

Ông K’Hoa cho biết: “Sau khi được cán bộ BHXH huyện Đắk Glong tuyên truyền, tôi nhận thấy tham gia BHXH tự nguyện mang lại rất nhiều lợi ích, đồng thời khích lệ bản thân để khi về già nhận chế độ lương hưu. Nếu không may qua đời trong thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nhà cũng được hưởng chế độ tử tuất nên tôi rất yên tâm để tham gia”.

Đưa chính sách đến gần hơn với người dân

Thời gian qua, BHXH huyện Krông Nô đã có nhiều hình thức thông tin tuyên truyền để người dân trên địa bàn hiểu được ý nghĩa và quyền lợi khi tham gia BHXH. Một trong những cách mà BHXH huyện đang từng bước thực hiện mục tiêu “BHXH cho mọi người lao động” và tiến tới “BHXH toàn dân” là thông qua Bưu điện huyện.

Với vai trò là đại lý thu, Bưu điện huyện Krông Nô cùng BHXH huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động trực tiếp tại các điểm giao dịch cũng như tại các thôn, bon, xã trên địa bàn, hướng đến những người trong độ tuổi lao động và có thu nhập ổn định.

Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng tính đến hết tháng 4/2021, Bưu điện huyện Krông Nô đã phối hợp phát triển được trên 300 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.

Trong khi đó, BHXH huyện Đắk Glong lại phối hợp với cán bộ văn hóa-xã hội các xã để phát triển BHXH tự nguyện. Đặc biệt, cán bộ xã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền về lợi ích của BHXH tự nguyện, nên mang lại hiệu quả rõ rệt.

Chị Nguyễn Thị Dung, công chức xã Quảng Khê (Đắk Glong) cho biết: "Bằng cách giải thích ngắn gọn, dễ hiểu, tôi đã đưa những chính sách BHXH tự nguyện đến gần hơn với các hộ dân trên địa bàn. Tính đến nay, tôi đã vận động được 120 người tham gia BHXH tự nguyện, góp phần hoàn thành chỉ tiêu mà đơn vị được cấp trên giao".

Chị Dung cũng chia sẻ, hàng năm địa phương được BHXH huyện giao chỉ tiêu để phát triển BHXH. Theo cách làm của đại lý, ngoài việc tổ chức tuyên truyền tại các buổi họp của UBND xã thì cán bộ, đảng viên phải nêu cao vai trò đi đầu, nêu gương.

“Địa phương xác định, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau giúp bà con hiểu được vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, nhất là quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ tuyên truyền bền bỉ, cặn kẽ, chúng tôi đã tạo sự yên tâm để bà con nhiệt tình tham gia” chị Dung cho hay.

Bài, ảnh: Thanh Hằng

1,006

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xa-hoi/ai-cung-co-luong-huu-neu-dong-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-87162.html