AI đã và đang góp phần hỗ trợ cho quá trình khám chữa bệnh

'AI đã và đang góp phần giải quyết những thách thức trong y tế dự phòng,hỗ trợ rất tốt cho đội ngũ y bác sĩ trong tình trạng quá tải bệnh viện như hiện nay' - TS BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã chia sẻ nội dung trên tại buổi Tọa đàm "Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe" mới diễn ra gần đây.

Tại buổi tọa đàm TS.BS Nguyễn Trọng Khoa nhận định: Sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại và trí tuệ nhân tạo AI đã và đang góp phần giải quyết những thách thức trong y tế dự phòng, hỗ trợ rất tốt cho đội ngũ y bác sĩ trong tình trạng quá tải bệnh viện như hiện nay. Ở Việt Nam, Bộ Y tế đang thí điểm Hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tại bệnh viện. Hệ thống giúp các bệnh viện quản lý, xử lý hình ảnh, đọc kết quả và trả kết quả chẩn đoán hình ảnh như chụp X-Quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp CT-scanner và chụp mạch số hóa nền (DSA) không sử dụng phim.

Chương trình có sự tham gia chia sẻ của 2 diễn giả: PGS.TS.BS Bùi Mỹ Hạnh – Giám đốc Phát triển chương trình đào tạo và tư vấn nhân lực y tế, Trưởng khoa thăm dò chức năng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, và BS Nguyễn Đình Nguyên – CEO của Doccen, Giám đốc dự án "Cơ hội AI dành cho nhân viên y tế Việt Nam" của Google.org.

Tọa đàm "Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe" do Thương hiệu xuất bản sách và tri thức y học hiện đại MedInsights của Alpha Books phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Kinh tế Y tế (HERAC) tổ chức với mong muốn đưa ra cái nhìn về giai đoạn phát triển mới – nơi công nghệ và con người cùng song hành để phục vụ bệnh nhân tốt hơn, và quan trọng hơn cả – bàn luận về những hướng đi thực tế để đưa AI từ ý tưởng vào ứng dụng, từ tiềm năng đến hiệu quả thực tiễn.

Tọa đàm "Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe" do Thương hiệu xuất bản sách và tri thức y học hiện đại MedInsights của Alpha Books phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Kinh tế Y tế (HERAC) tổ chức với mong muốn đưa ra cái nhìn về giai đoạn phát triển mới – nơi công nghệ và con người cùng song hành để phục vụ bệnh nhân tốt hơn, và quan trọng hơn cả – bàn luận về những hướng đi thực tế để đưa AI từ ý tưởng vào ứng dụng, từ tiềm năng đến hiệu quả thực tiễn.

Trong những năm gần đây, cụm từ “chuyển đổi số” đã trở thành một trong những định hướng chiến lược được nhấn mạnh trong mọi lĩnh vực, và ngành y tế cũng không nằm ngoài làn sóng ấy. Từ hồ sơ bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh, hệ thống quản lý khám chữa bệnh không giấy tờ – cho đến những nền tảng dữ liệu lớn phục vụ công tác phòng dịch và chăm sóc sức khỏe – một quá trình thay đổi sâu rộng, đòi hỏi sự thích nghi nhanh chóng từ cả hệ thống y tế và từng cá nhân cán bộ y tế.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, vẫn còn đó những thách thức hiện hữu: từ tình trạng quá tải bệnh viện, thiếu hụt nhân lực y tế, sai sót trong quá trình chẩn đoán – điều trị, cho tới sự kỳ vọng ngày càng cao từ phía người bệnh về chất lượng và tính cá thể hóa trong chăm sóc sức khỏe. Trước những bài toán ấy, trí tuệ nhân tạo – AI – đang nổi lên như một công cụ đầy hứa hẹn.

Trong bối cảnh này, MedInsights đã mua bản quyền và xuất bản 2 cuốn sách “Cuộc cách mạng AI trong y học” và “Ứng dụng AI trong y tế” – là những cuốn sách được chắt lọc từ thực tiễn triển khai tại nhiều quốc gia, giúp chúng ta hiểu rõ hơn không chỉ về năng lực của AI, mà còn về những điều kiện, giới hạn và yêu cầu đạo đức đi kèm.

Tọa đàm "Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe" hướng tới mục tiêu mở ra góc nhìn mới, góp phần kết nối giữa tư duy quản lý, thực hành lâm sàng và giải pháp công nghệ của đại diện chuyên gia y tế Việt Nam – để cùng hướng đến một nền y tế thông minh, nhân văn và hiệu quả hơn cho tất cả mọi người.

Với vai trò là người đã tiếp cận và sử dụng công nghệ số trong gần 20 năm qua trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, khám chữa bệnh tại Đại học Y, PGS.TS Bùi Mỹ Hạnh đã chia sẻ về nhu cầu cấp thiết của việc sử dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào quá trình phân loại bệnh nhân, chẩn đoán, hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ trong tình trạng quá tải bệnh viện như hiện nay. Tiếp đó, TS Hạnh cũng chia sẻ về quá trình cá nhân cũng như đơn vị bà dẫn dắt từng bước tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu sử dụng các tiến bộ này vào quá trình làm việc. TS Hạnh cho biết, hiện nay tại khoa thăm dò chức năng do bà làm trưởng khoa, chương trình AI cho bà chỉ đạo khoa phát triển và đưa vào áp dụng đã hỗ trợ rất nhiều các y bác sĩ trong việc đưa ra nhanh kết quả khám cho bệnh nhân, giúp lọc ra được rất nhanh các trường hợp cần sự hỗ trợ cấp thiết của bác sĩ, hạn chế tốt rủi ro cho người bệnh.

TS Hạnh cho biết, với chuyển đổi số, thì dữ liệu vô cùng quan trọng. Các đơn vị y tế như bệnh viện Đại học Y có lợi thế là có nguồn dữ liệu lớn, chính xác; nhưng làm sao để xử lý và sử dụng hiệu quả nguồn dữ liệu này cũng đòi hỏi người của các bệnh viện phải có đủ năng lực để làm được việc đó. Thực tế, tại một số bệnh viện trong những năm qua cũng có các đối tác đưa vào các bệnh viện một số chương trình AI, nhưng do đó là chương trình của đối tác, các kết quả được trả về cho đối tác, nên người được giao phụ trách cũng như bệnh viện hầu như không nắm được thông tin, kết quả cụ thể. Điều này đặt ra bài toán cho nhân sự của các bệnh viện là phải tự mình tìm tòi, nghiên cứu sử dụng công nghệ số để giải quyết vấn đề của mình.

Theo TS Hạnh, khi có tư duy hệ thống về chuyển đổi số, năng lực số, hiểu biết về ngành nghề lĩnh vực của mình cộng với tinh thần dám nghĩ dám làm, thì các đơn vị, cá nhân có thể thực hiện tốt việc chuyển đổi số, sử dụng AI hiệu quả cho công việc của mình. “AI là một cấu phần trong bức tranh chuyển đổi số. Và AI đang chứng minh nó là một công cụ, một con dao tốt giúp hệ thống y tế xử lý một số vấn đề họ đang phải đối mặt”, TS Hạnh cho biết.

TS Hạnh đánh giá hai cuốn sách khơi nguồn ý tưởng cho buổi tọa đàm ngày hôm nay, “Cuộc cách mạng AI trong y học” và “Ứng dụng AI trong y tế” của các tác giả uy tín trên thế giới vừa cung cấp cho độc giả một bức tranh toàn cảnh về việc sử dụng AI tại các nền y học tiên tiến trên thế giới, vừa cung cấp những hướng dẫn trực quan về cách sử dụng Chat GPT-4 trong thực hành y khoa; giúp những người quan tâm có thể vừa nghiên cứu, vừa làm, vừa soi chiếu với các đề mục, nội dung được hướng dẫn cụ thể trong cuốn sách, để có được những quyết định tốt nhất cho công việc của mình. “Cùng với những cuốn sách cung cấp rất tốt kiến thức y khoa chuyên ngành như “Quản lý nguy cơ lâm sàng và an toàn người bệnh”, chúng tôi sẽ đưa 2 cuốn sách này vào giáo trình giảng dạy cho sinh viên nhà trường.” TS Hạnh khẳng định.

Về phần mình, BS Nguyễn Đình Nguyên, CEO Doncen Nguyên chia sẻ về việc công nghệ được ứng dụng thế nào với chất lượng của data, đào tạo người sử dụng… “Trong chương trình hợp tác “Cơ hội AI dành cho cán bộ y tế Việt Nam” hợp tác giữa Google với ngành y tế Việt Nam, hai cuốn sách “ Cuộc cách mạng AI trong y học” và “Ứng dụng AI trong y tế” có thể coi là tài liệu nền tảng để chương trình đào tạo cho các y bác sĩ năng lực sử dụng AI hiệu quả cho công việc của mình.

P.V

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/ai-da-va-dang-gop-phan-ho-tro-cho-qua-trinh-kham-chua-benh-172250708145235944.htm