Khẩn trương hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho đường sắt tốc độ cao
Chiều 8/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho đường sắt tốc độ cao.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho đường sắt tốc độ cao - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Hai bộ "bắt tay" xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đường sắt tốc độ cao
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, hiện có 517 bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, bao gồm 218 tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam và 299 tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn này được phân thành các nhóm chính: Xây dựng công trình; hệ thống công nghệ kỹ thuật đường sắt; trang thiết bị nhà ga và dịch vụ vận hành; hạ tầng kỹ thuật và môi trường; an toàn và hệ thống cảnh báo; cùng với một số lĩnh vực khác.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh khẳng định, việc áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài trong các dự án đầu tư công là cần thiết và có cơ sở pháp lý rõ ràng, nhằm bảo đảm tính tiên tiến, hiệu quả và an toàn, đặc biệt với công trình quy mô lớn như đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa lựa chọn nhà đầu tư và công nghệ cụ thể cho tuyến đường sắt tốc độ cao, nên việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cho toàn tuyến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025–2026. Trong thời gian này, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn tương thích với yêu cầu thực tiễn.
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã thu thập 299 tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài từ các quốc gia có kinh nghiệm phát triển đường sắt hiện đại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số nước châu Âu. Một số hạng mục như bê tông cốt thép hay hệ thống tín hiệu thông tin có thể áp dụng tiêu chuẩn trong nước. Tuy nhiên, các hạng mục yêu cầu công nghệ đặc thù như ray dài 100m, đầu máy, toa xe… hiện chưa thể nội địa hóa và cần áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh: "Với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện có, các đơn vị thiết kế hoàn toàn có thể triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam một cách đồng bộ và phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, không gặp vướng mắc lớn trong quá trình thực hiện".




Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn cần được chia thành hai nhóm: Tiêu chuẩn "chung" không phụ thuộc vào nhà sản xuất và tiêu chuẩn "riêng" gắn với công nghệ cụ thể - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, Bộ đã ban hành 35 tiêu chuẩn chung về đường sắt tốc độ cao (không phụ thuộc vào nhà sản xuất hay quốc gia cung cấp công nghệ) và đang đề xuất bổ sung 42 tiêu chuẩn chung khác. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn dành cho đường sắt tốc độ cao sau khi xác định công nghệ và nước sản xuất.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đường sắt tốc độ cao là công việc phức tạp, mang tính đặc thù, chưa có tiền lệ. Các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn cần được chia thành hai nhóm: Tiêu chuẩn "chung" không phụ thuộc vào nhà sản xuất và tiêu chuẩn "riêng" gắn với công nghệ cụ thể.
Các đại biểu đề xuất Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp trực tiếp, rà soát toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, loại bỏ nội dung trùng lặp, bổ sung phần còn thiếu và cập nhật kinh nghiệm từ các quốc gia có đường sắt tốc độ cao phát triển. Đồng thời, cần xác định rõ danh mục tiêu chuẩn "lõi" gắn với công nghệ lựa chọn để làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu bổ sung nhóm tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến đầu máy, động cơ, toa xe… vận hành trên hệ thống đường sắt tốc độ cao - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Yếu tố then chốt để xác định công nghệ, nhà đầu tư
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho đường sắt tốc độ cao.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc phân loại rõ ràng giữa tiêu chuẩn chung (không phụ thuộc vào nhà cung cấp công nghệ) và tiêu chuẩn riêng là cần thiết. Hai bộ Xây dựng, Khoa học và Công nghệ cần phối hợp để thống nhất khái niệm, rà soát toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện có, trước hết là 218 tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện có của Việt Nam và 35 tiêu chuẩn chung đã ban hành. Đồng thời bổ sung nhóm tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến đầu máy, động cơ, toa xe… vận hành trên hệ thống đường sắt tốc độ cao.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý, việc sử dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài để hài hòa hóa và ban hành thành tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) cần tuân thủ đúng quy định về chuyển giao công nghệ, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ.
Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các chuyên gia liên quan, xây dựng hệ sinh thái tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ cho đường sắt tốc độ cao, từ khảo sát, thiết kế, thi công đến vận hành… "Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là yếu tố then chốt để xác định công nghệ, khả năng chuyển giao khi lựa chọn nhà đầu tư đường sắt tốc độ cao".