AI đang định nghĩa lại nghề báo

Có thể phân tích số liệu, thực hiện các bài báo đơn giản, làm người dẫn chương trình... đó là cách mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang định nghĩa lại công việc làm báo trên thế giới.

90% tòa soạn lớn dùng AI

Theo Viện Báo chí Quốc tế (IPI), AI mang đến những công cụ và nguồn lực chưa từng có tại các tòa soạn, tăng cường năng lực sản xuất tin bài hiệu quả. Khảo sát do IPI tiến hành năm 2023 đối với hơn 100 cơ quan báo chí lớn trên thế giới cho thấy, có tới 90% các tòa soạn sử dụng AI để sản xuất nội dung.

Tòa soạn tương lai với sự hỗ trợ tích cực của AI.

Tòa soạn tương lai với sự hỗ trợ tích cực của AI.

Hồi tháng 7/2023, Google cho ra mắt công cụ AI mang tên Genesis với khả năng thu thập thông tin, tổng hợp, viết thành tin tức và cung cấp cho các hãng tin hàng đầu của Mỹ như: New York Times, Washington Post, Wall Street Journal hay siêu tập đoàn truyền thông News Corp sở hữu những tên tuổi lớn như: The Sun, The Times, Sky News, Daily Telegraph, The Sunday Time, New York Post...

AI sẽ không thể có mặt ở hiện trường vụ tai nạn, ở tòa, ở các cuộc họp hội đồng thành phố. Nhưng AI có thể giúp giải phóng các phóng viên khỏi công việc giấy tờ để có thời gian làm việc khác. Thay vì né tránh, hãy tìm cách để khai thác hết tiềm năng của nó.

Ông Stephanie Preece, Tổng biên tập Worcester News

Người phát ngôn Google Jenn Crider cho biết: "Dĩ nhiên, những công cụ này không nhằm thay thế và chưa thể thay thế công việc của các nhà báo trong việc đưa tin, sáng tạo và kiểm duyệt nội dung. AI có thể cung cấp những gợi ý về việc đặt tít hoặc đưa ra các văn phong viết bài khác nhau".

Cũng trong xu hướng này, nhiều hãng tin khác như NPR hay Insider dự định sẽ sử dụng AI cho những tin tức phức tạp đòi hỏi độ chính xác cao, khả năng xác minh thông tin nhanh chóng, giúp nhà báo đỡ tốn nhiều thời gian công sức.

Đáng chú ý, tờ tạp chí lâu đời nhất thế giới Berrow's Worcester Journal (ra đời năm 1690, hiện là hãng tin lớn thứ 2 tại Anh với nhiều đầu báo lớn như Worcester News, Newsquest) đã quyết định cho phóng viên sử dụng AI trên nền tảng ChatGPT hỗ trợ sản xuất tin bài. AI sẽ thay họ chọn lọc những thông tin cần thiết và viết thành những bản tin theo phong cách của từng tòa soạn trực thuộc hãng tin.

Tạo ra MC bằng công nghệ AI

Đáng chú ý, nhiều hãng tin còn tính đến việc sử dụng AI thay thế con người trong một số công việc như dẫn chương trình truyền hình.

Người dẫn chương trình AI J-na.

Người dẫn chương trình AI J-na.

Cuối tháng 5, Doordarshan Kisan của Ấn Độ trở thành kênh truyền hình đầu tiên trong nước sử dụng 2 người dẫn chương trình AI có tên là AI Krish và AI Bhoomi, Các MC này nói được tới 50 ngôn ngữ, cung cấp thông tin về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Hồi tháng 3, chính quyền đảo Jeju, Hàn Quốc đã cho người dẫn chương trình AI có tên J-na xuất hiện trên những bản tin đăng trên kênh YouTube Weekly Jeju nhằm quảng bá hình ảnh của hòn đảo du lịch nổi tiếng nhất Hàn Quốc. J-na được khen ngợi dẫn tốt, diện mạo trẻ đẹp, nhất là chi phí thấp, chỉ khoảng 450 USD/tháng.

"Việc thuê người dẫn chương trình thật sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền, chính vì thế chúng tôi chọn J-na", một quan chức đảo Jeju cho biết.

Trước đó, năm 2023, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc cho ra mắt người dẫn chương trình AI Ren Xiaorong trên mạng xã hội Weibo. Ren Xiaorong có diện mạo của nữ giới, tự giới thiệu "có thể cung cấp thông tin 24/7, 365/365 ngày không ngừng nghỉ".

Cũng trong năm 2023, Philippines cho ra mắt 2 người dẫn chương trình thể thao cho kênh GMA Network là Maia và Marco. Tuy nhiên, động thái này vấp phải sự hoài nghi của người dân vẫn quen với người dẫn chương trình truyền thống.

Người dẫn chương trình thể thao kỳ cựu tại Philippines Anthony Suntay chỉ trích: "AI không thể bắt chước cảm xúc mà người dẫn chương trình thật có thể mang lại".

Còn nhiều thứ AI không thể làm thay con người

Dù đã có những bước tiến đáng kinh ngạc trong việc sản xuất và phát triển nội dung, song AI được đánh giá là chưa thể thay thế các nhà báo chuyên nghiệp bởi "hạn chế về công nghệ" và quan trọng hơn là "thiếu trái tim".

AI có thể thay con người làm công việc giấy tờ văn bản nhưng không thể có mặt ở chiến trường hay hiện trường tai nạn.

AI có thể thay con người làm công việc giấy tờ văn bản nhưng không thể có mặt ở chiến trường hay hiện trường tai nạn.

Theo Bộ trưởng Truyền thông Malaysia Fahmi Fadzil, dù có thể sản xuất rất nhanh những tác phẩm báo chí chuyên nghiệp nhưng AI không thể thay thế công việc của các nhà báo. Những bài báo này thiếu hẳn yếu tố kết nối con người với nhau và không thể chạm đến trái tim của mọi người như cách các nhà báo có thể làm. "AI chỉ thể hiện được 60% nội dung đó", ông nói.

Tạp chí Al Jazeera Journalism Review cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng cảm xúc và sự đồng cảm là những điều AI chưa thể thể hiện được trong thời điểm hiện tại.

"Không một công nghệ AI tân tiến nào có thể thay thế được khả năng kết nối con người. Đó là sự khác biệt giữa những dòng chữ khô khan và những câu chuyện có thể chạm đến trái tim và thay đổi tâm trí chúng ta", tờ Al Jazeera Journalism Review nêu rõ.

Bên cạnh đó, AI cũng chỉ có thể hỗ trợ quá trình phân tích, kiểm chứng thông tin chứ chưa thể diễn giải theo hướng các nhà báo mong muốn. Quá trình này đòi hỏi tư duy sâu sắc, cùng khả năng nắm bắt hoàn cảnh thực tế, kết nối những sự kiện riêng rẽ để có được cái nhìn toàn cảnh và có chiều sâu về một vấn đề.

Hơn nữa, dù được lập trình chi tiết như thế nào, AI cũng chỉ là một cỗ máy hoạt động theo những nguyên tắc nhất định và không thể đưa ra những quyết định quan trọng về mặt đạo đức trong những tình huống nhạy cảm.

AI không thể hiểu hết sự phức tạp của vấn đề chứ chưa nói đến việc phải đưa ra những quyết định về mặt đạo đức liên quan đến những tổn hại có thể gây ra cho cộng đồng và quyền đảm bảo bí mật thông tin.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ai-dang-dinh-nghia-lai-nghe-bao-192240619225916405.htm