Ai đang nắm hơn 50% thị phần cho vay ngành ngân hàng?

Thống kê cho thấy 29/30 nhà băng ghi nhận tăng trưởng cho vay dương trong nửa đầu năm 2024. Đứng đầu danh sách cho vay vẫn là các 'ông lớn' đến từ nhóm Big 4 vốn Nhà nước.

 Số dư cho vay khách hàng tại 30 ngân hàng thương mại nửa đầu năm đã tăng hơn 7%. Ảnh: Chí Hùng.

Số dư cho vay khách hàng tại 30 ngân hàng thương mại nửa đầu năm đã tăng hơn 7%. Ảnh: Chí Hùng.

Thống kê báo cáo tài chính cho thấy 29/30 nhà băng trong nước đã ghi nhận tăng trưởng cho vay dương trong nửa đầu năm này. Trong đó, có tới 11 nhà băng tăng trưởng ở mức hai chữ số và duy nhất một nhà băng ghi nhận tăng trưởng âm giai đoạn này.

Cũng theo báo cáo tài chính của 30 ngân hàng thương mại, số dư cho vay khách hàng nửa đầu năm nay đã tăng hơn 7%, với lượng vốn cho vay đạt hơn 12,3 triệu tỷ đồng.

Big 4 “chễm chệ” ngôi đầu

Bốn ngân hàng thương mại quốc doanh gồm BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank tiếp tục giữ vững các vị trí đầu bảng về cho vay, đồng thời bỏ xa các ngân hàng còn lại của nhóm tư nhân.

Cụ thể, tổng dư nợ 4 nhà băng này thiết lập được tính tới cuối quý II năm nay đã đạt hơn 6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 50% thị phần cho vay của 30 ngân hàng cộng lại.

Trong nhóm này, BIDV dẫn đầu với quy mô cho vay lên tới hơn 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái và chiếm 15% thị phần cho vay chung.

Xếp sau lần lượt là Agribank (gần 1,6 triệu tỷ), VietinBank (hơn 1,5 triệu tỷ) và Vietcombank (hơn 1,3 triệu tỷ). So với cuối năm ngoái, tăng trưởng cho vay tại 3 ngân hàng này dao động quanh mức 3-8%.

Xét về thị phần cho vay của 30 ngân hàng, Agribank chiếm 13%, VietinBank chiếm 12,6% và Vietcombank chiếm 11%.

 Dư nợ cho vay khách hàng của 30 ngân hàng thương mại đến cuối quý II năm nay. Ảnh: Hồng Nhung.

Dư nợ cho vay khách hàng của 30 ngân hàng thương mại đến cuối quý II năm nay. Ảnh: Hồng Nhung.

Ngân hàng Quân đội đứng đầu nhóm tư nhân

Với nhóm ngân hàng tư nhân, Ngân hàng Quân đội (MB) đang là nhà băng dẫn đầu với số dư cho vay đạt gần 637.000 tỷ đồng tính tới cuối quý II. Con số này đã tăng tới 10% so với cuối năm ngoái.

Nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân quy mô lớn, HDBank ghi nhận mức tăng trưởng cho vay khách hàng đạt hơn 13% nửa đầu năm nay, là một trong những nhà băng ghi nhận tăng trưởng hai con số ở chỉ tiêu này, đạt 369.000 tỷ đồng.

So với mức tăng trưởng cho vay bình quân toàn ngành, mức tăng của HDBank nửa đầu năm nay đã cao hơn gấp đôi.

Trong đó, tín dụng bán lẻ tiếp tục được HDBank đẩy mạnh, cùng chiến lược điều chuyển vốn về phát triển các địa phương qua tập trung tín dụng cho khu vực nông nghiệp và nông thôn, bên cạnh thế mạnh cho vay chuỗi giá trị, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tín dụng xanh và các ngành hàng xuất khẩu…

Đáng chú ý, một ngân hàng quy mô nhỏ cũng bất ngờ đạt mức tăng trưởng cho vay tới 16% nửa đầu năm nay là NCB với số dư cho vay khách hàng đạt gần 64.200 tỷ đồng.

Các ngân hàng tư nhân lớn đạt mức tăng trưởng cho vay hai chữ số giai đoạn này còn có Techcombank tăng 13% lên gần 567.400 tỷ đồng; VPBank tăng 11% lên hơn 552.200 tỷ đồng; ACB tăng 12% lên 541.000 tỷ đồng; MSB tăng 13% lên hơn 165.400 tỷ đồng…

Trong khi đó, các ngân hàng có mức tăng trưởng một chữ số ở chỉ tiêu cho vay bao gồm Sacombank, SHB, VIB, OCB, Eximbank, PVcomBank… PGBank và Saigonbank là hai ngân hàng xếp cuối về dư nợ cho vay, lần lượt đạt 36.700 tỷ đồng (+4%) và 20.300 tỷ đồng (+2%).

Ngược lại, ABBank là nhà băng duy nhất ghi nhận tăng trưởng cho vay âm trong 6 tháng đầu năm với mức giảm 7%. Cho vay khách hàng của nhà băng này tính đến cuối quý II đạt trên 91.000 tỷ đồng.

Tăng trưởng cho vay tại các nhà băng hiện được kỳ vọng khởi sắc hơn trong nửa cuối năm khi nền kinh tế dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực và những chính sách mới mang tính thúc đẩy.

Đầu tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 12/2024 sửa đổi bổ sung một số nội dung của Thông tư 39/2016 cho phép các tổ chức tín dụng cho vay các khoản dưới 100 triệu đồng không bắt buộc khách hàng cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.

Thay vào đó, khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin tối thiểu sử dụng vốn hợp pháp và khả năng tài chính trước khi tổ chức tín dụng cho vay vốn.

Cơ chế này được kỳ vọng thúc đẩy sự tham gia của các ngân hàng thương mại trong hoạt động cho vay tiêu dùng bên cạnh việc đẩy mạnh tín dụng vào doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm.

Một số ngân hàng thương mại như Agribank, LPBank đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong thời gian qua. Kể cả những ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank trước đây luôn tập trung vào phân khúc cho vay doanh nghiệp, nay cũng đã đẩy mạnh cả mảng cho vay tiêu dùng.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/ai-dang-nam-hon-50-thi-phan-cho-vay-nganh-ngan-hang-post1491825.html