AI đang tác động đến kỹ năng làm việc của Gen Z như thế nào?
Khi AI ngày càng trở thành một phần tất yếu trong môi trường làm việc, Gen Z vừa được tăng cường kỹ năng làm việc, vừa phải đối mặt với những thách thức trong quá trình xây dựng sự nghiệp.
Kỹ năng đang bị xói mòn?
Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc phụ thuộc quá nhiều vào AI có thể làm suy giảm khả năng tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề độc lập của Gen Z, theo Forbes.
Maria Gafforio, nhà phân tích hành vi cấp cao tại công ty nghiên cứu Canvas8, nhận định trong một cuộc phỏng vấn qua email: “Công nghệ đang làm suy yếu khả năng tập trung và làm việc chuyên sâu của những người lao động thuộc Gen Z. Họ có thể chưa từng học cách hoàn thành công việc mà không có AI hỗ trợ, vậy làm sao có thể đánh giá chất lượng đầu ra do AI tạo ra?”

Chuyên gia cho rằng AI có thể làm giảm kỹ năng làm việc của Gen Z. Ảnh: AI
Một nghiên cứu từ Microsoft và Đại học Carnegie Mellon cũng củng cố lo ngại này khi cho thấy: “Những người càng dựa vào AI để hỗ trợ thì lại càng kém tư duy phản biện.” Gafforio chỉ rõ: “AI khiến con người ít sáng tạo hơn và tạo ra kết quả kém đa dạng hơn.”
Omar Kouhlani, CEO của Runmic, cảnh báo: “Chúng ta đang đối mặt với một cái bẫy nhận thức. AI khiến nhận thức của con người bị teo tóp và không được chuẩn bị. Đây là điều mọi bộ phận nhân sự cần lưu tâm, không chỉ riêng Gen Z.”
Từ góc nhìn kỹ thuật, Naveen Kumar Ramakrishna, kỹ sư phần mềm tại Dell, cũng quan sát thấy một thực trạng khác: “Một số nhân viên Gen Z gặp khó khăn trong việc hiểu đầy đủ các khái niệm từ đầu đến cuối. Họ dễ bỏ qua bức tranh toàn cảnh và gặp khó khăn khi cần phân tích nguyên nhân gốc rễ hoặc xử lý sự cố, bởi AI đã làm hộ phần lớn.”
Nâng cấp kỹ năng và hiệu quả
Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò tích cực mà AI mang lại. Carina Cortez, Giám đốc nhân sự của Cornerstone, cho rằng AI đang giúp thu hẹp khoảng cách về kỹ năng mềm cho Gen Z: “AI có thể xác định điểm yếu, đưa ra lộ trình học tập cá nhân hóa và hỗ trợ nhân viên giao tiếp, giải quyết xung đột hiệu quả hơn.”
Gafforio nhận định: “AI giúp Gen Z làm việc nhanh hơn, hiệu quả hơn mà đôi khi nhà tuyển dụng còn không nhận ra.”
Thay vì chìm trong những công việc lặp đi lặp lại, AI cho phép Gen Z tập trung vào các nhiệm vụ sáng tạo, điều này theo Gafforio là “đóng vai trò quan trọng về mặt động lực nội tại.”

Ramakrishna cũng đồng tình: “Trước đây, mất nhiều thời gian để tăng tốc với một dự án mới. Nay, AI rút ngắn quá trình này đáng kể. Thậm chí, ngày càng có nhiều người, kể cả Gen Z chia sẻ ý tưởng và kiến thức nhờ sự hỗ trợ của AI trong việc viết và truyền đạt suy nghĩ.”
Tạo thế cân bằng mới
Dù AI mang lại nhiều lợi ích, các chuyên gia nhấn mạnh rằng doanh nghiệp cần có chiến lược sử dụng AI hợp lý. Ramakrishna khuyến nghị: “Khuyến khích dùng AI để tăng hiệu quả, nhưng cũng cần trao quyền và trách nhiệm cho nhân viên. AI nên là công cụ hỗ trợ, không phải thay thế việc học và tư duy phản biện.”
Kouhlani, CEO Runmic, thẳng thắn: “Chúng tôi muốn thực tập sinh Gen Z dùng AI như một công cụ, không phải cái nạng. Nếu AI không khiến nhóm của bạn sắc bén hơn, thì bạn đang xây dựng nó sai cách.”
Kraig Kleenman, nhà sáng lập The New Workplace thì kêu gọi đầu tư vào kiến thức sử dụng AI, chứ không chỉ là khả năng vận hành công cụ. Ông cho rằng các doanh nghiệp cần khuyến khích Gen Z tư duy sáng tạo và giữ gìn trực giác con người, thứ mà AI không thể thay thế. Sự phát triển bền vững đến từ chính sự kết hợp giữa hiệu quả tự động hóa và chiều sâu cảm xúc.
Kleenman kết luận rằng Gen Z không bị AI thay thế, họ đang trưởng thành cùng nó. Điều quan trọng là các tổ chức phải hiểu rõ sự chuyển dịch này để kịp thời thích nghi và trao quyền đúng cách. Bởi nếu biết cách khai thác tiềm năng của Gen Z trong kỷ nguyên AI, doanh nghiệp sẽ sở hữu lợi thế cạnh tranh không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai.
AI không phải là lời giải duy nhất cho mọi vấn đề, nhưng nếu được sử dụng đúng cách, nó có thể là chiếc cầu nối vững chắc đưa Gen Z đến gần hơn với tương lai công việc bền vững, linh hoạt và sáng tạo.