Thủ tướng: Chống nhập khẩu hàng hóa từ nước thứ 3 để xuất sang Hoa Kỳ
Trước việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải bình tĩnh, có giải pháp thích ứng vừa trước mắt, vừa lâu dài; vừa trọng điểm, toàn diện bằng chính sách thuế quan và phi thuế quan.
Các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cần tăng cường kết nối kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam với các nước để thích ứng tốt hơn với tình hình, chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế, triển khai Nghị quyết 59/2025 của Bộ Chính trị và bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài diễn ra chiều 7-4.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài diễn ra chiều 7-4. Ảnh: VGP
Bộ tứ chiến lược
Thủ tướng đánh giá Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị cùng bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, thể hiện tinh thần đột phá, hội nhập quốc tế để vươn lên.
Theo Thủ tướng, hiện nay cả nước đang triển khai “bộ tứ chiến lược”. Cụ thể, cùng với Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới là thực hiện Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính địa phương; phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng.
"Đây là những nội dung có liên kết chặt chẽ với nhau, là việc khó mà chúng ta phải làm và tin chắc chúng ta sẽ thành công" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: VGP
Để thực hiện “bộ tứ chiến lược” này, Chính phủ đã và đang tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược. Gồm đột phá về hoàn thiện thể chế, pháp luật; đột phá về phát triển hạ tầng và đột phá về cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, với phương châm “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh”.
Đã có khoảng 50 quốc gia đề nghị được đàm phán với Hoa Kỳ song Việt Nam là một trong những nước có phản ứng sớm nhất và là nước đầu tiên có trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất, đặt nền tảng quan trọng cho quá trình đàm phán song phương tới đây.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nắm chắc tình hình và thị trường sở tại, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp của Việt Nam với các nước. Đặc biệt phải kết nối kinh tế Việt Nam với các nước, khu vực và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước, hỗ trợ doanh nghiệp trong hợp tác, làm ăn…
Với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải cùng Chính phủ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về mở rộng thị trường, quy hoạch, định hướng, cơ chế, chính sách, pháp luật, hỗ trợ vốn, đất đai, bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, phòng vệ thương mại…, giúp doanh nghiệp phát triển.
Các doanh nghiệp đoàn kết, phối hợp với bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện tái cơ cấu sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc một số thị trường nhất định, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: VGP
Tiếp tục đàm phán, ký kết thêm các FTA
Trước việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan mới, Thủ tướng yêu cầu phải bình tĩnh. Tinh thần là không đối đầu, không gây căng thẳng, không làm phức tạp vấn đề, lựa chọn cách tiếp cận thông minh, tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo, cố gắng làm những việc có thể làm.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu có giải pháp thích ứng vừa trước mắt, vừa lâu dài; vừa trực tiếp, vừa gián tiếp; vừa tổng thể, chiến lược, vừa cụ thể; vừa trọng điểm, toàn diện bằng chính sách thuế quan và phi thuế quan. Đồng thời phải qua tất cả các kênh, bằng các giải pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại; tính đến tổng thể chung của kinh tế đối ngoại Việt Nam và không ảnh hưởng tới các thị trường khác. Điều này là nhằm hợp tác cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ, vì lợi ích của cả hai bên.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam nhưng không phải là thị trường duy nhất, còn nhiều thị trường quan trọng khác. Do vậy, Thủ tướng lưu ý phải khai thác hiệu quả hơn nữa 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và tiếp tục đàm phán, ký kết thêm các FTA với các đối tác mới, trong đó có Hoa Kỳ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cùng với xuất khẩu phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống khác như đầu tư và tiêu dùng; thúc đẩy động lực tăng trưởng mới như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP
Đặc biệt, ông nhấn mạnh tăng cường chống gian lận thương mại, nhất là chống nhập khẩu hàng hóa từ nước thứ 3 để xuất khẩu sang Hoa Kỳ; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các mặt hàng, doanh nghiệp ảnh hưởng lớn thông qua giảm thuế, phí, lệ phí, các gói tín dụng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bộ, ngành, doanh nghiệp đoàn kết, “coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ”, “nghĩ sâu, làm lớn”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có hiệu quả thực tế”. Qua đó, góp phần tạo đà, tạo lực, tạo thế để đất nước đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới.
Triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỉ đồng
Liên quan đột phá thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh.
Dự kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội khoảng 35 luật, nghị quyết, trong đó có các dự án luật về doanh nghiệp, đầu tư, đối tác công tư, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng vốn nhà nước, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Cùng với đó, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải có phương án chuẩn bị hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp khó khăn. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỉ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng cho biết sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2025 và cả năm 2026, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân.