AI đang tiến gần hơn tới trí tuệ con người

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tiến đến ngưỡng mới: không chỉ biết trả lời, mà còn biết suy nghĩ. Những gì từng là tưởng tượng trong phim khoa học viễn tưởng giờ đang dần trở thành hiện thực, khi các tập đoàn công nghệ lớn đồng loạt công bố những đột phá giúp AI 'suy nghĩ' giống con người hơn bao giờ hết.

AI ngày nay được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực.

AI ngày nay được ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực.

Tại hội nghị công nghệ GTC vừa diễn ra, Nvidia – gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất chip – đã gây ấn tượng mạnh khi công bố nền tảng chip AI mới mang tên Blackwell Ultra. Đây là bản nâng cấp từ dòng chip Blackwell vốn đã nổi tiếng, nhưng lần này, Nvidia đặt tham vọng rõ ràng hơn: giúp AI không chỉ phản hồi, mà còn lý luận như con người. Theo mô tả từ chính Nvidia, Blackwell Ultra cung cấp sức mạnh tính toán vượt trội, cho phép các mô hình AI phân tích các yêu cầu phức tạp, chia nhỏ thành nhiều bước và cân nhắc nhiều lựa chọn khác nhau, điều mà trước đây chỉ có con người mới làm được.

Jensen Huang – CEO của Nvidia khẳng định: “Khả năng lý luận sẽ là bước tiến tiếp theo giúp AI rời khỏi vai trò của một chatbot đơn thuần để bước vào thế giới thực”. Để chứng minh, Nvidia so sánh thời gian phản hồi của một truy vấn phức tạp: nếu như mô hình AI R1 của DeepSeek (một startup AI từ Trung Quốc) mất 90 giây để xử lý trên chip đời cũ Hopper, thì với Blackwell Ultra, thời gian chỉ còn 10 giây. Sự khác biệt về hiệu suất này không chỉ giúp tăng tốc, mà còn mở ra khả năng tư duy nhanh và sâu hơn cho máy móc.

Chuyên gia Arun Chandrasekaran từ hãng nghiên cứu Gartner nhận định: “Các mô hình AI hiện nay bắt đầu có những hành vi giống người thật, biết phân tích, suy nghĩ trước khi trả lời. Đó là bước ngoặt cực lớn”.

Không chỉ Nvidia hay DeepSeek, các tập đoàn khác cũng tham gia vào cuộc đua này. Google đã tích hợp khả năng suy luận vào dòng mô hình Gemini mới, trong khi Anthropic tung ra Claude 3.7 Sonnet – một mô hình AI kết hợp mô hình lý luận “lai” (kết hợp nhiều phương pháp suy luận khác nhau trong một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc trong quá trình tư duy của con người). Những AI này có khả năng lên kế hoạch, xử lý đa nhiệm và thậm chí là đưa ra quyết định, điều từng chỉ xuất hiện trong bộ óc con người.

Tuy AI đang thể hiện những khả năng vượt bậc, giới công nghệ và các nhà tư tưởng vẫn không ngừng tranh luận về cách tiếp cận và định hướng phát triển để AI thực sự trở thành lực đẩy cho tiến bộ xã hội. Một trong những điểm mấu chốt là khả năng giữ vững giá trị nhân văn trong quá trình chuyển giao sang thời kỳ “AI tư duy”. Việc các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) như ChatGPT có thể hiểu ngữ cảnh, lý giải đa chiều và tự xây dựng phản hồi thông minh không còn là điều mới lạ. Nhưng câu hỏi quan trọng hơn là: AI sẽ học theo tư duy kiểu nào? Và con người sẽ kiểm soát ra sao để AI không bị thao túng, thiên vị hay bị lợi dụng?

Hoffman đặc biệt nhấn mạnh vai trò của con người trong việc đào tạo và điều hướng AI. Ông kêu gọi các nhà phát triển cần minh bạch về nguyên tắc mà họ huấn luyện mô hình. Nếu bạn phát triển một AI theo hướng phản đối các giá trị tiến bộ như bình đẳng hay đa dạng, thì bạn cần nói rõ vì sao bạn lại chọn cách tiếp cận như vậy. Nếu bạn muốn AI phản ánh nhiều quan điểm, hãy cho người dùng biết khi nào có hàng triệu người bất đồng với họ. Điều đó giúp người dùng hiểu họ đang sử dụng công cụ gì”. Tư tưởng này đề cao tính tự do thông tin và nhận thức xã hội, thay vì để AI trở thành công cụ củng cố các “bong bóng tư tưởng” vốn đã gây chia rẽ trên mạng xã hội hiện nay.

Bên cạnh những tranh luận về đạo đức và triết học, thách thức khác nằm ở giáo dục và chuẩn bị kỹ năng cho thế hệ trẻ. Trong một thế giới nơi AI ngày càng chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực, làm thế nào để con người không bị đào thải? Câu trả lời, theo nhiều chuyên gia, là không nên tìm cách tức phòng vệ trước AI mà là khuếch đại khả năng bản thân nhờ AI.

Hoffman chia sẻ rằng ông từng sử dụng AI để hỗ trợ viết sách, từ nghiên cứu, phân tích các luận điểm cho đến việc gợi ý cách diễn đạt hấp dẫn hơn. Theo ông, đây không phải là việc thay thế người viết, mà là một hình thức “làm việc có cộng sự là máy”. Giống như một nhà báo có trợ lý riêng để tra cứu, tổng hợp và đề xuất nhưng phần chọn lọc, ra quyết định vẫn thuộc về con người.

AI cũng có thể trở thành công cụ bình đẳng hóa cơ hội cho những người ít tiếp cận với tri thức. Một học sinh ở vùng nông thôn hoàn toàn có thể dùng ChatGPT để luyện viết luận, học ngoại ngữ, tra cứu kiến thức chuyên sâu mà trước đây cần đến gia sư hoặc thư viện lớn. Với điều kiện được tiếp cận đúng cách, AI có thể rút ngắn khoảng cách học vấn, kỹ năng và thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, các nhà phát triển công nghệ và chính phủ cần có chiến lược rõ ràng trong việc đào tạo kỹ năng số, đảm bảo tiếp cận công bằng với AI và ngăn chặn nguy cơ lạm dụng công nghệ. Các chính sách cần đi kèm với các hướng dẫn đạo đức, quy chuẩn kỹ thuật và các công cụ kiểm soát hiệu quả nhưng không làm bóp nghẹt sáng tạo.

Hồng Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ai-dang-tien-gan-hon-toi-tri-tue-con-nguoi-10302558.html