Nguy cơ cháy nổ của xe điện là bao nhiêu?
Xe điện bốc cháy chỉ 25 vụ trên 100.000 xe, thấp hơn xe xăng 20 lần, nhưng tại sao mỗi vụ lại gây náo động toàn cầu?
Những vụ cháy xe điện và các cuộc tranh luận xoay quanh nguyên nhân gây ra hỏa hoạn trên toàn cầu đang trở thành tâm điểm chú ý.

Hình minh họa một chiếc xe bị cháy. Ảnh: Getty
Với số lượng ô tô điện (EV) ngày càng gia tăng trên các tuyến đường tại Anh, những lo ngại về an toàn liên quan đến công nghệ mới này cũng ngày càng được quan tâm. Các hãng xe, giới truyền thông, chính trị gia và công chúng vẫn đang trong quá trình làm quen với sự thay đổi này.
Thực tế, xe xăng và dầu diesel vẫn xảy ra cháy nổ, vụ việc liên quan đến mẫu Vauxhall Zafira từng làm dậy sóng dư luận là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, khi một chiếc xe điện bốc cháy, mức độ chú ý mà nó nhận được luôn lớn hơn nhiều.
Trong bối cảnh công nghệ này ngày càng phổ biến và các quy chuẩn an toàn đang được thiết lập để giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn, các chủ tàu biển hiện nay đã được khuyến cáo về việc gia cố phương án bảo vệ trước nguy cơ cháy nổ từ ô tô - việc hiểu rõ bản chất của vấn đề là điều cần thiết.
Những con số thống kê, nguyên nhân khiến cháy xe điện trở thành chủ đề nóng, cách lực lượng cứu hỏa xử lý sự cố và những tác động đối với người dùng đều là những khía cạnh đáng lưu tâm.
Thống kê cháy nổ xe điện tại Anh
Trên thực tế, cháy xe điện không phải là chuyện phổ biến. Theo số liệu từ Honeywell Safety and Productivity Solutions, từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, Anh ghi nhận 239 vụ cháy liên quan đến xe điện. Dù con số này tăng 83% so với năm trước, nhưng đây là hệ quả tất yếu khi số lượng xe điện lưu thông ngày một nhiều hơn.
Trong khi đó, theo Sở Cứu hỏa và Cứu hộ Bedfordshire, chỉ riêng năm 2019 đã có 1.898 vụ cháy liên quan đến xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE), trong khi xe điện chỉ chiếm 54 vụ. Một nghiên cứu khác của Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Thụy Điển cho thấy, tỷ lệ xe điện bốc cháy thấp hơn xe xăng/dầu tới 20 lần.
Một khảo sát khác từ tổ chức này phối hợp với một hãng bảo hiểm Mỹ cũng chỉ ra rằng, cứ 100.000 xe điện thì chỉ có 25 xe gặp sự cố cháy, trong khi tỷ lệ này ở xe động cơ đốt trong là 1.530 xe, còn xe hybrid thậm chí còn có nguy cơ cao hơn, lên đến 3.475 xe trên 100.000 chiếc.
Vì sao cháy xe điện thu hút nhiều sự chú ý?
Cháy xe điện nhận được sự quan tâm đặc biệt vì nhiều lý do. Trước hết, công nghệ này còn mới và luôn là chủ đề thu hút truyền thông. Hơn nữa, các vụ cháy xe điện thường diễn ra phức tạp, với dấu hiệu ban đầu là khói độc hại, âm thanh xì hơi áp suất cao, sau đó có thể là những vụ nổ mạnh.
Ngoài ra, dập tắt đám cháy xe điện không hề đơn giản. Ngay cả khi tưởng chừng đã kiểm soát được, ngọn lửa vẫn có thể bùng phát trở lại sau vài giờ, thậm chí vài ngày hoặc vài tuần. Đây chính là lý do khiến mối lo ngại về cháy xe điện ngày càng gia tăng, đặc biệt là đối với lực lượng cứu hỏa.
Lực lượng cứu hỏa xử lý cháy xe điện như thế nào?
Các sở cứu hỏa đang phát triển những phương pháp mới để ứng phó với cháy xe điện. Sở Cứu hỏa Bedfordshire đã áp dụng quy trình đặc biệt: sau mỗi vụ tai nạn hoặc cháy liên quan đến xe điện, một xe cứu hỏa sẽ đi cùng xe cứu hộ để hỗ trợ dập lửa nếu cần.
Ngoài ra, lực lượng cứu hỏa cũng được đào tạo để nhanh chóng xác định vị trí pin và công tắc ngắt mạch trên từng mẫu xe điện.
Hiện nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về phương pháp tối ưu để xử lý cháy xe điện, nhưng cách tiếp cận phổ biến nhất vẫn là sử dụng một lượng lớn nước để làm mát bộ pin - dù điều này không thể đảm bảo ngọn lửa sẽ không bùng phát lại. Các phương án khác bao gồm sử dụng chăn chữa cháy để cô lập ngọn lửa, hoặc thậm chí để đám cháy tự tàn.
Do cháy pin lithium-ion là phản ứng hóa học, chứ không phụ thuộc vào oxy, nên các phương pháp dập lửa thông thường bằng khí trơ không mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, lực lượng cứu hỏa cũng phải kiểm tra kỹ khu vực xung quanh để thu gom các tế bào pin bị văng ra do vụ nổ, vì chúng có thể tự bốc cháy sau đó.
Sau khi khống chế đám cháy, chiếc xe bị hư hại sẽ được di dời đến một khu vực cách biệt, tránh xa các tòa nhà và phương tiện khác. Thống kê cho thấy, 25% số vụ cháy tại bãi phế liệu có liên quan đến pin lithium-ion.
Một số giải pháp mạnh tay hơn bao gồm nhấn chìm xe trong bể nước, tuy nhiên không được sử dụng nước biển do nguy cơ tạo ra khí clo độc hại.
Nguy cơ cháy có khiến xe điện trở nên kém an toàn?
Nghe có vẻ đáng lo ngại, nhưng điều đó không có nghĩa xe điện là phương tiện nguy hiểm. Giáo sư Paul Christensen, chuyên gia về điện hóa tại Đại học Newcastle và cố vấn cấp cao cho Hội đồng Lãnh đạo Cứu hỏa Quốc gia Anh, cho rằng không nên hoang mang quá mức trước nguy cơ này.
“Tôi từng hỗ trợ Nissan trong quá trình xây dựng nhà máy sản xuất pin của hãng. Nếu đủ khả năng, tôi sẽ mua ngay một chiếc Nissan Leaf”, ông nói. “Chúng ta không cần quá lo lắng về tỷ lệ cháy nổ xe điện vốn đã rất thấp, nhưng cần nhận thức rõ rủi ro và có biện pháp phòng ngừa”.
Christensen cũng đang tích cực nâng cao nhận thức cho lực lượng cứu hỏa về nguy cơ cháy nổ từ xe điện, với các buổi đào tạo trên khắp Anh, châu Âu, Úc và New Zealand.
Ông nhấn mạnh rằng, ngay cả khi hết điện, pin lithium-ion trong xe vẫn còn một mức năng lượng đáng kể, có thể gây ra "hiệu ứng nhiệt ngoài tầm kiểm soát" (thermal runaway), khiến nhiệt độ và khí sinh ra ngày càng nhiều, cuối cùng dẫn đến cháy nổ. Khi quá trình này đã bắt đầu, không có hệ thống quản lý pin nào có thể ngăn chặn.
Christensen cũng cảnh báo về những nguy cơ khi sử dụng pin tái chế để hoán cải xe cũ thành xe điện, vì chưa có quy chuẩn đánh giá mức độ an toàn của loại pin này.
Khi mọi biện pháp đều thất bại...
Một trong những phương án mới đang được triển khai tại Copenhagen, Đan Mạch là hệ thống thùng chứa chuyên dụng. Khi một chiếc xe điện có nguy cơ cháy, nó sẽ được đưa vào thùng thép có vòi phun nước tích hợp, sau đó vận chuyển đến khu vực an toàn và cách ly trong nhiều tuần để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ tái cháy.
Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng một điều rõ ràng là xe điện không dễ cháy hơn xe xăng, và những rủi ro nếu có đều có thể kiểm soát được khi có phương án xử lý phù hợp.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguy-co-chay-no-cua-xe-dien-la-bao-nhieu-post340977.html