Ai đủ tiêu chuẩn làm Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng?
Báo cáo của Bộ GD&ĐT về hoạt động của trường Đại học Tôn Đức Thắng đã cho thấy chiếc ghế hiệu trưởng của trường này khó có thể tìm được người vẹn cả đôi đường.
Có hai vấn đề quan trọng nhất để ổn định lại trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng là thành lập Hội đồng trường (HĐT) và kiện toàn Ban giám hiệu (BGH). Cả hai nội dung này, nếu Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (gọi tắt là Tổng lên đoàn, TLĐ, cơ quan chủ quản của trường) không cho phép vận dụng linh hoạt thì khó có thể đạt được như yêu cầu.
Theo báo cáo, dù HĐT Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2014 - 2019 đã kết thúc vào ngày 20/7/2019 (theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng), nhưng trường này vẫn không có HĐT nhiệm kỳ mới. TLĐ đã 2 lần ra quyết định kéo dài thời gian nhiệm kỳ của HĐT và BGH. Đồng thời, TLĐ cũng yêu cầu trong thời gian tối đa 60 ngày làm việc kể từ khi Nghị định 99 của Chính phủ (về việc thực hiện luật Giáo dục đại học bổ sung, sửa đổi) có hiệu lực, trường ĐH Tôn Đức Thắng có trách nhiệm thực hiện quy trình, thủ tục thành lập HĐT nhiệm kỳ mới.
Tuy nhiên, ngay sau đó (31/12/2019), Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM có quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy trường và cá nhân Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Lê Vinh Danh. Vì thế, đại diện TLĐ và tập thể lãnh đạo trường đã có một quyết định mà theo nhận định của Bộ GD&ĐT, là “không phù hợp”, đó là tạm dừng triển khai thành lập HĐT cho đến khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM. Vì thế, từ 15/2/2020 (ngày Nghị định 99 có hiệu lực thi hành) cho đến nay, trường ĐH Tôn Đức Thắng vẫn chưa có HĐT và từ tháng 8/2020 (khoảng thời gian ông Lê Vinh Danh bị đình chỉ công tác) cho đến nay, đã 5 tháng, trường này không có hiệu trưởng.
Điều này đã ảnh hưởng đến hàng nghìn sinh viên ra trường nhưng không được nhận bằng tốt nghiệp. Vì dù TLĐ giao cho TS Trần Trọng Đạo, Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014 – 2019 quản lý, điều hành hoạt động trường nhưng theo quy định của Bộ GD&ĐT, ông Đạo không đủ tư cách pháp nhân để ký bằng tốt nghiệp. Không những thế, sắp tới, lại có đợt sinh viên tốt nghiệp tiếp theo.
Cán bộ chủ chốt của trường chưa đồng thuận
Cũng theo Bộ GD&ĐT, việc điều hành trường ĐH Tôn Đức Thắng đang được giao cho một viên chức là Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2014 - 2019 nhưng hiện không có chức danh lãnh đạo, quản lý chính thức nên gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ chủ chốt của trường chưa đồng thuận việc quyết định hay không quyết định giao quyền hiệu trưởng cho một người trong thời gian chưa có HĐT.
Tại cuộc họp của đoàn công tác liên ngành do Bộ GD&ĐT chủ trì với tập thể lãnh đạo trường, một số ý kiến đề nghị trong thời gian chưa thành lập được HĐT và thực hiện quy trình nhân sự hiệu trưởng theo quy định, có thể giao quyền hiệu trưởng để điều hành trường và đảm bảo quyền lợi cho sinh viên. Tuy nhiên, có 14/18 ý kiến không thống nhất việc thực hiện giao quyền hiệu trưởng ở thời điểm này. “Việc lựa chọn một nhân sự đứng đầu bộ máy lãnh đạo, quản lý ngay trong thời gian tới sẽ rất khó khăn”, báo cáo của Bộ GD&ĐT viết.
Theo Bộ GD&ĐT, việc triển khai thành lập HĐT và kiện toàn bộ máy lãnh đạo, quản lý của Trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện nay gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện trường này chưa ban hành được quy chế mới về tổ chức và hoạt động để phù hợp với luật Giáo dục đại học sửa đổi.
Trong báo cáo, Bộ GD&ĐT cũng nhận định, uy tín đối với đội ngũ cán bộ, viên chức cũng như vai trò và ảnh hưởng đối với sự phát triển Trường ĐH Tôn Đức Thắng của cá nhân ông Lê Vinh Danh là khá lớn.
Theo Bộ GD&ĐT, tập thể lãnh đạo Trường ĐH Tôn Đức Thắng phải khẩn trương thực hiện quy trình thành lập HĐT, trong đó để khuyết một số vị trí thành viên đương nhiên. Nếu chưa có nhân sự đáp ứng ngay tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh chủ tịch HĐT thì chỉ thực hiện giới thiệu và bầu các thành viên HĐT và đề nghị TLĐ công nhận HĐT; chưa tiến hành thủ tục giới thiệu và bầu chủ tịch HĐT.