Điểm mới của luật: Đảm bảo cho thẩm phán thực hiện tốt nhiệm vụ

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 24/6/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Trong đó, nhiều quy định mới liên quan đến chức danh 'Thẩm phán'.

Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định thẩm phán gồm 4 ngạch:

- Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

- Thẩm phán cao cấp

- Thẩm phán trung cấp

- Thẩm phán sơ cấp

Với 4 ngạch thẩm phán như trên đã gây không ít khó khăn trong công tác cán bộ của ngành toàn án khi luân chuyển, điều động, biệt phái. Tuy nhiên, trong Luật Tổ chức tòa án nhân dân năm 2024 quy định chức danh "Thẩm phán" sẽ chỉ còn có 2 ngạch: "Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao" và "Thẩm phán Tòa án nhân dân"

Theo ThS.Luật sư Nguyễn Văn Hà - Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Lan và Cộng sự, đối với cơ cấu tổ chức của tòa án nhân dân, theo quy định hiến pháp 2013 xác định rõ tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam được áp dụng thống nhất trên cả nước. Và khi ban hành Luật Tổ chức tòa án 2024 đã đưa ra cách tiếp cận một mặt là kế thừa nhưng vẫn có sự điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp.

Cụ thể, cơ cấu tổ chức gồm tòa án nhân dân tối cao vẫn giữ nguyên. Thứ 2, tòa án nhân dân cấp cao. Thứ 3 là cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thứ 4 là tòa án nhân dân cấp quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Trên cơ sở vẫn kế thừa 4 mô hình trước nhưng có thêm 1 mô hình nữa là "tòa án chuyên biệt" thực hiện ở những lĩnh vực hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ. Đây cũng là một điểm rất đặc trưng của Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2024. Trên cơ sở cơ cấu tổ chức với mô hình như trên, với cách thức vận hành và nhân sự trong đó cũng có những đặc trưng riêng….

Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2024 đã có những thay đổi về tiêu chuẩn để bổ nhiệm Thẩm phán tòa án nhân dân. Trong đó bổ sung thêm tiêu chuẩn "có độ tuổi từ đủ 28 tuổi trở lên" để phù hợp với điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp theo quy định của luật hiện hành. Một trong những quy định khác cũng được đặc biệt quan tâm, đó là việc mở rộng nguồn để bổ nhiệm chức danh "Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao".

Cũng theo ThS.Luật sư Nguyễn Văn Hà - Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Lan và Cộng sự, theo luật mới, để trở thành "thẩm phán tòa án nhân dân tối cao" bắt buộc người đó phải đã là "thẩm phán của tòa án nhân dân" các cấp. Trước đây, có thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp nhưng hiện nay chỉ có "thẩm phán tòa án nhân dân tối cao và thẩm phán".

Việc xác định rằng, một người để trở thành thẩm phán và trở thành thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, trước đây chỉ có 1 ngạch duy nhất là trong hệ thống ngành dọc. Nhưng giờ đây, ngoài những quy trình cũ, có bổ sung thêm quy trình mới bằng cách có những người không nằm trong hệ thống tòa án, không phải công chức trong ngành tòa án, chưa từng tham gia vào ngành tòa án nhưng nếu họ là công dân Việt Nam, có lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị và đáp ứng các điều kiện về quy trình và họ đã từng là các chuyên gia về mặt pháp luật, đảm bảo đủ điều kiện trong quá trình có đủ kinh nghiệm trong tiếp cận pháp luật và xét xử... khi đó họ có thể được xem xét để chuyển ngang sang trở thành thẩm phán toàn án tối cao, đương nhiên vẫn phải theo quy trình bổ nhiệm và đáp ứng được quy định chặt chẽ. Đó là những thay đổi rất lớn để tạo ra sự năng động, cơ động cũng như để tìm được những nhân tố mới, tích cực, ưu việt trong quá trình giải quyết xét xử trong lĩnh vực tòa án. Đây cũng là một trong những sự thay đổi rất lớn liên quan đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của tòa án theo quy định của Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2024.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Linh Chi

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/diem-moi-cua-luat-dam-bao-cho-tham-phan-thuc-hien-tot-nhiem-vu-243410.htm