Ai đứng sau thương vụ thâu tóm Ninh Vân Bay (NVT)?
Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Công ty cổ phần Bất động sản du lịch Ninh Vân Bay (Mã chứng khoán: NVT - sàn HOSE) dường như đã ngã ngũ với thắng lợi thuộc về nhóm cổ đông mới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, ai mới là người thật sự đứng sau thương vụ thâu tóm Ninh Vân Bay?
Như đã phản ánh ở các số báo Đầu tư Bất động sản gần đây, nhóm cổ đông mới được cho là đã nắm quyền quyết định tại Ninh Vân Bay với lượng cổ phần nắm giữ trên 57% (có thể cao hơn). Cụ thể, ngày 17/9, ông Phạm Quốc Khánh đã mua vào 21,7 triệu cổ phiếu NVT do Recapital Investment Pte. Ltd bán ra, tương đương 24% vốn điều lệ NVT. Trước khi bất ngờ mua vào lượng lớn cổ phiếu NVT, ông Khánh không sở hữu cổ phiếu NVT nào.
Trước đó, ngày 13/9, ông Nguyễn Văn Dũng cũng đã mua vào 3,5 triệu cổ phiếu NVT (tương đương 3,87%), nâng số lượng nắm giữ lên hơn 8 triệu cổ phiếu, tương đương 8,86% vốn.
Đây là 2 cá nhân có liên quan đến nhóm cổ đông mới. Trước khi diễn ra các giao dịch trên, nhóm cổ đông mới cũng đã sở hữu 29,6% vốn điều lệ NVT.
Ngay sau khi được cho là nắm giữ cổ phần chi phối tại NVT, nhóm cổ đông mới đã tiến hành "phế truất" hàng loạt lãnh đạo cũ của NVT.
Cụ thể, HĐQT NVT đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với bà Ngô Thị Thanh Hải từ ngày 28/9/2019, chỉ sau gần 3 tháng bà Hải ngồi vào vị trí này. Bà Hải cũng nguyên là giám đốc tài chính trong nhiều năm của NVT. Thay thế bà Hải ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT NVT là ông Phạm Thành Thái Lĩnh. Cũng từ ngày 28/9/2019, bà Nguyễn Thúy Liên bị miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng, thay thế vị trí là ông Đào Minh Tuấn.
Tiếp đó, ông Lê Xuân Hải, nguyên Chủ tịch HĐQT NVT, thành viên đương nhiệm HĐQT không còn là Giám đốc Chiến lược và Kinh doanh của Công ty. Bà Lê Thị Thu Hà, Phó chủ tịch HĐQT Ninh Vân Bay, vợ của ông Hoàng Anh Dũng, Tổng giám đốc NVT cũng không còn giữ chức Giám đốc Quản lý và Vận hành dự án của Công ty.
Sau khi ổn định được dàn nhân sự mới, ngày 2/10, NVT phát đi thông báo sẽ tiến hành tổ chức ĐHCĐ bất thường lần thứ nhất năm 2019 vào tháng 11 để bàn về một số vấn đề quan trọng, trong đó đáng chú ý là miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên HĐQT. Nếu không có gì bất ngờ, nhiều khả năng, các lãnh đạo cũ của NVT sẽ ra đi, thay thế bằng người của nhóm cổ đông mới.
Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều nhà đầu tư thắc mắc, ai là người thực sự đứng sau thương vụ thâu tóm này?
Để tìm câu trả lời này, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã tìm hiểu về một số lãnh đạo và cổ đông lớn mới của NVT và đều dẫn tới một cái tên liên quan là Công ty cổ phần Nhựa Đồng Nai (DNP - sàn HNX).
Nhân sự đầu tiên phải kể đến là ông Phạm Thành Thái Lĩnh, tân Chủ tịch HĐQT của NVT hiện là Giám đốc Đầu tư của DNP Water (một công ty con của DNP) và là thành viên Ban kiểm soát Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội (NS3), công ty mà DNP Water đang nắm giữ 64,6% vốn điều lệ. Trước đó, ông Phạm Thành Thái Lĩnh là Phó tổng giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Nhựa Tân Phú, doanh nghiệp do DNP mua lại từ năm 2016 với tỷ lệ sở hữu là 51% vốn điều lệ.
Tiếp theo là ông Nguyễn Hoàng Giang, người được bầu bổ sung làm thành viên HĐQT NVT từ kỳ ĐHCĐ thường niên 2019 diễn ra từ hồi tháng 4/2019. Ông Giang là anh vợ của ông Phạm Thành Thái Lĩnh và từng là Tổng giám đốc CTCK VNDirect. Sau khi rời VNDirect, ông Giang tham gia vào DNP Water và giữ vai trò là thành viên HĐQT của doanh nghiệp này.
Tiếp đến là bà Ngô Thị Trúc Mai và bà Đào Thị Hải Yến, 2 thành viên Ban kiểm soát được bầu bổ sung tại ĐHCĐ thường niên 2019 của NVT. Hiện bà Mai và bà Yến đều là thành viên Ban kiểm soát của Công ty cổ phần Thủy điện Nậm La, công ty do ông Vũ Đình Độ, Chủ tịch HĐQT DNP làm Chủ tịch HĐQT.
Với tân Kế toán trưởng Đào Minh Tuấn, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, cũng là người đến từ DNP Water. Ngoài ra, cổ đông lớn nhất hiện nay của NVT là ông Phạm Quốc Khánh, người vừa mua 21,7 triệu cổ phiếu NVT từ Recapital Investment Pte. Ltd và ông Nguyễn Văn Dũng, người mua 3,87 triệu cổ phiếu NVT trước đó cũng có liên quan với DNP.
Có hay không việc DNP đứng sau thương vụ thâu tóm NVT và nếu đúng, thì mục đích thực sự của DNP khi thâu tóm "con tàu đắm" NVT là gì? Báo Đầu tư Bất động sản sẽ tiếp tục thông tin.