AI - giải pháp sống còn của doanh nghiệp
Việc tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là hướng đi bắt buộc của doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển…

Một phiên Livestreams bán hàng được đầu tư bài bản của doanh nghiệp
Tuy nhiên, để thành công các doanh nghiệp Việt cần tập trung tối ưu hóa vận hành, ứng dụng công nghệ thông minh và không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việc nắm bắt xu hướng và có những bước đi chiến lược sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp vượt qua thách thức và vươn xa trên bản đồ thương mại điện tử.
Ông Jensen Wu, Giám đốc điều hành TopView AI cho biết, hiện nay các nền tảng thương mại điện tử như Alibaba đều vận hành AI vào logistics và thậm chí livestreams với các KOLs. Việc ứng dụng AI sẽ giúp cho giải quyết được lượng hàng gấp đôi mà không cần thêm nhân sự trong logistics. Hay việc tạo ra những thuật toán ở mỗi nền tảng thương mại điện tử giúp khách hàng có thể theo dõi đơn hàng của mình xuyên suốt từ lúc đặt hàng cho đế lúc nhận hàng chỉ qua mã QR code. Topview đã ứng dụng blokchain giúp theo dõi đơn giản và chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm đòi hỏi tính an toàn cao như dược phẩm.
“Thực hiện dựa trên việc sử dụng AI để livestream bán hàng cho thấy doanh thu từ MC ảo của ứng dụng AI mang lại chiếm tới 55% GMV (tổng giá trị hàng hóa) trong một đợt chiến dịch bán hàng (campaign)”, ông Jensen Wu nói.
Vậy trong bối cảnh mới này, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có những sự chuẩn bị và hướng đi như thế nào để có thể phát triển bền vững trên thị trường thương mại điện tử?
Theo ông Tín Lê, CEO Adtek, Partner at KakaOnline (đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý kênh và tối ưu doanh số thương mại điện tử cho doanh nghiệp tại Việt Nam), bên cạnh những giải pháp đã được nhắc tới nhiều thời gian qua như tối ưu chi phí vận hành, quản lý kho vận hiệu quả và tối ưu hóa quy trình, đa dạng hóa kênh bán hàng... thì có 2 việc mang tính chiến lược, quyết định thành bại trên sàn thương mại điện tử, đó là phải xây dựng thương hiệu và tập trung cho trải nghiệm khách hàng (Brand Commerce), vận dụng tối đa công nghệ, đặc biệt là AI.
“Việc ứng dụng AI trong livestream giúp tăng khả năng bán hàng và tương tác với khách hàng 24/24, điều mà con người không làm được. Mặc dù, các phiên livestream bằng AI không có doanh thu cao như người thật, nhưng chi phí lại rẻ hơn rất nhiều. Tính tổng thể thì sử dụng AI vẫn có lợi hơn", ông Tín Lê nhận định.
Mặt khác, theo các chuyên gia, thời gian qua, các doanh nghiệp hoạt động trên sàn thương mại điện tử còn đối mặt với thách thức như sàn tăng phí, cạnh tranh mạnh từ hàng giá rẻ Trung Quốc, cùng với đó là đà tăng trưởng mạnh của hàng hóa xuyên biên giới, thiếu vốn và dòng tiền yếu... Tuy nhiên hiện nay, hành vi tiêu dùng đã thay đổi, các doanh nghiệp không thể tiếp tục cạnh tranh bằng giá rẻ.
Hiện tại, theo thống kê, các mặt hàng giá rẻ dưới 100.000 đồng trên sàn thương mại điện tử chỉ tăng 5%, trong khi phân khúc hàng hóa có giá trị trung bình ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 23%. Đây được coi là động thái từ phía khách hàng khi họ sẵn sàng chi trả cho các mặt hàng chất lượng cao.
Do đó, theo ông Tín Lê, việc xây dựng thương hiệu và trải nghiệm khách hàng với AI được xem là một hướng đi cho các doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài trên sàn thương mại điện tử.
“Thay vì chỉ tập trung vào việc "đốt tiền" để bán sản phẩm giá rẻ, các doanh nghiệp cần đầu tư vào giá trị thương hiệu, xây dựng câu chuyện hấp dẫn và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng từ giá rẻ sang ưu tiên chất lượng và thương hiệu càng củng cố tầm quan trọng của chiến lược này”, ông Tín Lê nói.
Ông Lê Quốc Khôi, chuyên gia AI tại Công ty Engma cũng cho rằng, AI đang mang đến nhiều tiềm năng kinh tế cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vị chuyện gia này đưa ví dụ về sử dụng AI cho các doanh nghiệp SME ở Mỹ, với việc chính phủ Mỹ đã chi 3,28 tỉ USD đầu tư vào AI trong năm 2022 và AI được dự đoán sẽ đóng góp mức tăng ròng 21% vào GDP của Mỹ năm 2030.
“Có hơn một nửa (56%) người Mỹ thường xuyên tương tác với AI, nhưng chỉ có 10% chủ doanh nghiệp SME biết cách sử dụng AI, trong khi hơn 2/3 không biết hoặc biết rất ít về AI nói chung. Cho nên, đã đến lúc áp dụng AI cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, quá trình ứng dụng cũng cần phải hiểu rõ được mục tiêu, cách thức vận hành AI, dự toán ngân sách, chi phí vận hành… thì mới mang lại hiệu quả”, ông Khôi khuyến nghị các doanh nghiệp.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ai-giai-phap-song-con-cua-doanh-nghiep-162116.html