Ai hốt bạc từ những 'lao công học yêu, tỷ phú giả nghèo' trên TikTok?

Doanh thu từ phim siêu ngắn đã lần đầu tiên vượt qua doanh thu phòng vé Trung Quốc vào năm 2024, nhưng các nhà sản xuất lại phải chia 'miếng bánh' lợi nhuận nhiều hơn cho nền tảng.

 Loạt phim siêu ngắn với mô típ "tổng tài giả nghèo và cái kết" đã làm nên cơn sốt khắp thế giới.

Loạt phim siêu ngắn với mô típ "tổng tài giả nghèo và cái kết" đã làm nên cơn sốt khắp thế giới.

Trong Anora, tác phẩm đoạt giải Phim hay nhất tại Oscar 2025, nữ chính là gái mại dâm đã cố thoát khỏi cảnh nghèo khó khi tìm mọi cách kết hôn với con trai nhà tài phiệt, để rồi cuối cùng chứng kiến giấc mộng của mình tan vỡ. Phim là sự đảo ngược của mô típ Lọ Lem kinh điển, phản ánh thực tế nghiệt ngã.

Nếu Anora được chuyển thể thành một bộ phim siêu ngắn của Trung Quốc, phần lớn cốt truyện có thể được giữ nguyên, nhưng cái kết chắc chắn sẽ thay đổi: Thay vì tan vỡ trái tim, cuối phim, Anora sẽ tiết lộ mình là một tỷ phú ẩn danh hoặc một CEO quyền lực, sử dụng ảnh hưởng của cô để khiến vị hôn phu lẫn gia đình anh ta sụp đổ.

Kịch bản đó nghe có vẻ buồn cười và sáo rỗng, nhưng những tưởng tượng về quyền lực như vậy đã tạo nên một ngành kinh doanh khổng lồ ở Trung Quốc và trên toàn thế giới, theo Sixth Tone.

Phân chia "miếng bánh"

Được quay theo định dạng màn hình dọc và chia thành hàng chục tập rất ngắn chỉ 1-2 phút, dễ dàng lướt qua, các bộ phim siêu ngắn mang đến cho khán giả dòng chảy liên tục của những tình tiết hấp dẫn. Trong thế giới đó, những cô lao công đang tìm kiếm tình yêu cổ tích hóa ra là nữ tổng tài, hoặc những nữ chính bị phản bội cuối cùng được thừa kế hàng tỷ USD và trả thù chồng cũ.

 Doanh thu từ phim siêu ngắn (màu xanh đậm) dần đánh bại doanh thu phòng vé ở Trung Quốc qua các năm. Ảnh: Sixth Tone.

Doanh thu từ phim siêu ngắn (màu xanh đậm) dần đánh bại doanh thu phòng vé ở Trung Quốc qua các năm. Ảnh: Sixth Tone.

Thị trường phim siêu ngắn ở Trung Quốc đã đạt 50,4 tỷ nhân dân tệ (6,9 tỷ USD) vào năm 2024, vượt qua con số 42,5 tỷ nhân dân tệ của phòng vé nước này trong năm trước - một sự đảo ngược như tô đậm thêm lời than thở của đạo diễn Anora, Sean Baker tại lễ trao giải Oscar về "sự sụp đổ của ngành công nghiệp điện ảnh truyền thống".

Phần lớn số tiền ngành này thu được đến từ những người hâm mộ cuồng nhiệt. Trong khi một số tập đầu có thể xem miễn phí, khán giả phải trả khoảng 14 xu (0,14 nhân dân tệ) để xem thêm mỗi tập sau. Nghĩa là chi phí xem trọn một bộ có thể ngang với một tháng đăng ký Netflix.

Đó là con số đáng chú ý, tuy nhiên khả năng thu lời của một doanh nghiệp cuối cùng phụ thuộc vào cấu trúc chi phí. Đó lại là điểm yếu của mô hình kinh doanh phim siêu ngắn.

Lấy ví dụ về tác phẩm nổi tiếng Wushuang (tạm dịch: Không gì sánh bằng), bộ phim tưởng tượng quyền lực dành cho nam giới, đã trở thành chủ đề bùng nổ sau khi ra mắt vào tháng 8/2023. Phần lớn báo cáo cho biết phim đã phá vỡ kỷ lục doanh thu 100 triệu nhân dân tệ (13,7 triệu USD).

Nhưng con số này không phản ánh toàn bộ câu chuyện, bởi trong ngành phim siêu ngắn, phần lớn doanh thu của một chương trình được tái đầu tư trực tiếp vào việc thu hút người dùng (UA).

UA (User Acquisition) là một chiến lược tiếp thị phổ biến, đặc biệt trong các ngành như trò chơi di động và nội dung số, nơi các công ty chi tiền để mua lưu lượng người dùng (traffic) thông qua các quảng cáo xuất hiện trên các nền tảng truyền thông xã hội, chẳng hạn Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc).

Cụ thể, trong ngành phim siêu ngắn, UA liên quan đến việc đặt quảng cáo trong luồng (in-feed ads) trên các ứng dụng như Douyin để thu hút thêm khán giả xem phim. Mục tiêu là đảm bảo rằng càng nhiều người biết đến và bắt đầu xem càng tốt.

Ai hưởng lợi nhiều nhất?

Mục đích của UA tương tự như quảng bá phim, thu hút khán giả xem một nội dung cụ thể. Tuy nhiên, trong khi chi phí quảng bá trong ngành điện ảnh Trung Quốc thường chiếm 5-15% tổng doanh thu dự kiến của một bộ phim, UA có thể chiếm tới 80% đến 94% tổng doanh thu của một bộ phim siêu ngắn, còn lại chưa tới 20% là lợi nhuận cho các công ty sản xuất.

 Tạo ra doanh số "khủng" song các nhà sản xuất phim siêu ngắn đang phải hy sinh phần lớn lợi nhuận cho nền tảng phát sóng. Ảnh: Sohu

Tạo ra doanh số "khủng" song các nhà sản xuất phim siêu ngắn đang phải hy sinh phần lớn lợi nhuận cho nền tảng phát sóng. Ảnh: Sohu

Trong trường hợp của Wushuang, các nhà sản xuất cho biết bộ phim tiêu chưa tới 500.000 nhân dân tệ (69.000 USD) để sản xuất, nhưng tốn ít nhất 80 triệu nhân dân tệ (11 triệu USD) để tiếp thị.

Dựa trên con số lợi nhuận tốt nhất có thể là 20%, và số tiền này cần trang trải tất cả chi phí sản xuất nội dung và quản lý, thì các công ty sản xuất chỉ thu về lợi nhuận 3% từ một bộ phim ăn khách.

Điều đó cho thấy phim siêu ngắn là một sản phẩm Internet có lợi nhuận khiêm tốn hơn rất nhiều so với mô hình Hollywood siêu lợi nhuận.

Nói cách khác, những người chiến thắng thực sự trong cơn sốt siêu ngắn là các nền tảng phát sóng, không phải các nhà sản xuất. Điều này đặc biệt đúng với Douyin, ứng dụng video ngắn lớn nhất và quan trọng nhất tại đất nước tỷ dân.

Vấn đề càng trầm trọng hơn với nhà sản xuất khi tình trạng vi phạm bản quyền nội dung tràn lan.

ByteDance, công ty sở hữu Douyin, đã chấp nhận rằng ngăn chặn vi phạm bản quyền là không đáng thời gian và tiền bạc. Thay vào đó, công ty áp dụng cách tiếp cận “nếu không thể đánh bại họ (người vi phạm bản quyền), hãy tham gia cùng họ” và ra mắt một nền tảng siêu ngắn “miễn phí” có tên Hongguo.

Ứng dụng này đã thành công rực rỡ, đạt 120 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trong năm đầu tiên hoạt động, một lượng khán giả mà ByteDance có thể khai thác để kiếm tiền qua quảng cáo trong ứng dụng.

Nhưng thành công của Hongguo chỉ càng đẩy các công ty sản xuất phim siêu ngắn khác ra rìa. Những công ty hàng đầu như Jiuzhou và Dianzhong đã xây dựng nền tảng phân phối riêng, nhưng họ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với nguồn lưu lượng truy cập khổng lồ của ByteDance.

Điều này đặt công ty sản xuất trước một lựa chọn khắc nghiệt: hoặc nâng cấp nội dung, hoặc cắt giảm chi phí. Một số công ty bắt đầu thử nghiệm với trí tuệ nhân tạo (AI), trong khi những công ty khác dồn toàn lực vào anime với hy vọng mở rộng sức hút tới khán giả trẻ tuổi.

Liệu họ có thể tạo được một phân khúc mới trên thị trường hay không, hay lợi nhuận vốn đã mỏng manh của họ sẽ hoàn toàn biến mất, vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ai-hot-bac-tu-nhung-lao-cong-hoc-yeu-ty-phu-gia-ngheo-tren-tiktok-post1542445.html