'Cái chết' của Bạch Tuyết
Từ tượng đài bỗng trở thành tâm điểm chỉ trích, bị ghẻ lạnh, 'Snow White' là cái tát đau cho Disney sau một hành trình dài đau đáu với các dự án remake.
Những câu chuyện cổ tích nhiệm màu thường khép lại bằng cái kết viên mãn, nơi nhân vật chính sau khi vượt chặng đường đầy thử thách, chông gai sẽ tìm được “trái ngọt” cho chính mình. Vậy nhưng kịch bản này có vẻ như đang không lặp lại với Disney, xưởng phim miệt mài gieo trồng ước mơ suốt một thế kỷ qua bằng hàng trăm câu chuyện cổ tích.
Snow White (Nàng Bạch Tuyết), đứa con tinh thần mới nhất của nhà Chuột, đang đối diện nguy cơ trở thành “cơn ác mộng” lớn nhất lịch sử hãng. Tác phẩm trực tiếp hứng chịu làn sóng tẩy chay của khán giả, dẫn đến màn thể hiện ê chề ngoài phòng vé những ngày qua.
Hình dung về hiện tượng này, nhiều người gọi đó là "cái chết của Bạch Tuyết".
Cái tát đau dành cho Disney
Ra mắt trong sự hoài nghi và tranh cãi bủa vây, việc Snow White trượt dài ở phòng vé không phải một kết quả khó dự đoán.
Phim mở màn với thành tích 43 triệu USD tại Bắc Mỹ và 87 triệu USD toàn cầu, con số khiêm tốn khi đặt lên bàn cân với ngân sách khổng lồ 240 - 270 triệu USD. Kết thúc tuần thứ 2 công chiếu, Snow White vẫn chưa thể chạm tay tới cột mốc 150 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng chậm chạp khiến giới quan sát dự đoán tác phẩm đối diện nguy cơ thua lỗ rất nặng.
Theo ước tính, sau khi đã trừ đi khoản hỗ trợ từ Chính phủ Anh, đứa con tinh thần của đạo diễn Marc Webb vẫn cần dắt túi tối thiểu 450 - 500 triệu USD mới có thể đạt điểm hòa vốn. Với diễn biến phòng vé hiện tại, con số này rõ ràng đang quá xa tầm với.

Snow White trở thành một trong những dự án gây tranh cãi nhất lịch sử Disney.
Một trong những lý do quan trọng dẫn đến cú trượt dài của Snow White là sự va chạm dữ dội giữa tham vọng cách tân từ Disney, và kỳ vọng thưởng thức của hàng triệu người xem. Việc thay đổi hình ảnh kinh điển, đặc biệt trong cách Disney tái định nghĩa nhân vật trung tâm của tác phẩm, đã thổi bùng làn sóng tranh cãi lớn chưa từng có trong lịch sử hãng.
Trước đó, phiên bản Snow White (1937) không chỉ là biểu tượng của sự ngây thơ và thuần khiết, mà còn trở thành gương mặt đại diện cho một thời hoàng kim của Disney. Vậy nên khi lựa chọn Rachel Zegler - một diễn viên gốc Latin - vào vai Bạch Tuyết, nhà Chuột đã mạo hiểm tự đặt mình vào một cuộc tranh luận không hồi kết với khán giả.
Thực tế, ngành công nghiệp điện ảnh thời gian gần đây đã có những bước tiến đáng kể trong việc đón nhận “tính đa dạng” (từ kịch bản, giới tính hay sắc tộc…). Nhưng đối với một nhân vật gần như đã được đóng đinh theo hình tượng mô tả trong nguyên tác, việc lựa chọn diễn viên da màu thay thế vô hình trung trở thành lời thách thức đầy ngạo mạn mà Disney gửi tới người xem.
Vậy nên, cả Snow White lẫn ngôi sao trẻ Rachel Zegler đều không tránh khỏi việc trở thành tâm điểm của làn sóng phẫn nộ, chỉ trích. Hàng triệu lượt dislike dành cho phim từ trước khi ra mắt, hay cả trăm nghìn nhận xét tiêu cực và “bão” đánh giá 1 sao, là những cú tát đau mà đại chúng trả ngược lại nhà Chuột.
Những căng thẳng còn bị đẩy lên hơn nữa vì những phát ngôn của nữ chính, về việc cô không hâm mộ bản hoạt hình gốc và muốn hiện đại hóa câu chuyện theo hướng nữ quyền. Chính điều này trở thành chất xúc tác làm gia tăng phản ứng tiêu cực từ công chúng.
Khán giả không chỉ cảm thấy nhân vật yêu thích bị làm cho méo mó, mà còn cho rằng Disney đang áp đặt những tư tưởng chính trị vào một tác phẩm thuần giải trí. Hệ quả, một rào cản tâm lý lớn được tạo ra, ngăn cách khán giả và Snow White ngay từ trước khi bộ phim trình làng.

Ngay sau khi Snow White ra mắt, Disney đã bắt tay vào thực hiện Maleficent 3.
“Ngày tàn” của phim remake?
Không chỉ mạo hiểm trong việc tái định nghĩa nhân vật, nhà Chuột còn cho thấy sự lúng túng trong chiến lược tiếp thị. Hãng quyết định hủy bỏ buổi premiere hoành tráng tại London, thay vào đó tổ chức sự kiện ra mắt riêng tư hơn tại... một lâu đài xa xôi ở Segovia, Tây Ban Nha, với số lượng khách mời vỏn vẹn khoảng 100 người.
Giới quan sát cho rằng Disney đang e dè trước làn sóng phản đối ngày một dâng cao từ phía khán giả. Nỗ lực “giãy giụa” của Disney khi cố né tránh truyền thông, hạn chế tiếp xúc với báo chí càng làm dấy lên nghi ngờ về chất lượng Snow White.
Chưa kể, các chiến dịch truyền thông phim cũng bị chỉ ra thiếu tính nhất quán. Ban đầu, tác phẩm được quảng bá như một phiên bản hiện đại hóa với tinh thần nữ quyền mạnh mẽ. Nhưng sau đó, nhà Chuột lại cố gắng xoa dịu dư luận bằng cách nhấn mạnh sự trung thành với tinh thần cổ tích nguyên bản. Sự thay đổi này khiến đại chúng cảm thấy hoang mang, đánh mất niềm tin vào bộ phim live-action do Marc Webb dẫn dắt.
Khi bước vào cuộc chiến tại phòng vé, yếu tố cực kỳ quan trọng là việc xây dựng, quảng bá hình ảnh tích cực, chiến lược truyền thông vững chắc và nhất quán trong mắt khán giả.
Và thực tế, Snow White đã thất bại.
Bên cạnh các yếu tố nội bộ, cú trượt dài ngoài phòng vé của Snow White còn phản ánh hiện tượng "remake fatigue", tức sự mệt mỏi của khán giả đối với các bản phim remake (làm lại).
Nếu như một thập kỷ trước, việc hồi sinh các bản phim tượng đài mang lại thành công không tưởng cho Disney. Thì đến nay, “công thức” này dần trở nên cũ kỹ, và dĩ nhiên, cũng chẳng còn được thượng đế màn bạc mặn mà đón nhận.
Từng là một phần quan trọng trong chiến lược tái khởi động các tác phẩm kinh điển, thể loại remake, hay thậm chí cả live-action, giờ đây lại đang đối diện với tình trạng lao dốc không phanh. Trước đó, Beauty and the Beast, Aladdin hay The Lion King từng làm dậy sóng phòng vé thế giới, mang về hàng tỷ USD cho nhà Chuột với mỗi tác phẩm. Thì khoảng thời gian gần đây, từ Mulan cho tới The Little Mermaid đều có những bước tiến chậm chạp, uể oải ngoài phòng vé.
Và Snow White, rất có thể sẽ nối dài chuỗi thất vọng này.

Snow White trượt dài ở phòng vé, rất có thể sẽ gây lỗ nặng cho Disney.
Nàng Bạch Tuyết nay không còn là “niềm kiêu hãnh” của Disney, như những gì mà phiên bản năm 1937 đã làm được. Thay vào đó, nó trở thành cái tát thức tỉnh hãng phim trước sự thật phũ phàng, rằng ngay cả những thương hiệu đình đám, tưởng chừng có vị trí khó lung lay trong lòng khán giả, cũng không thể nằm ngoài dòng chảy thời cuộc và thị hiếu thưởng thức.
Nhà Chuột, trong hành trình trăm năm gieo mầm những giấc mơ cổ tích của mình, đang đứng giữa ngã rẽ đầy thử thách. Mà tại đó, Disney hoặc đủ tỉnh táo để tìm được sự cân bằng giữa sáng tạo với tôn trọng giá trị nguyên bản. Hoặc tiếp tục “cứng đầu”, và cứ mãi mắc kẹt trong vòng xoáy của những thử nghiệm thất bại, không lối thoát.
Nguồn Znews: https://znews.vn/cai-chet-cua-bach-tuyet-post1542476.html