Ai là khách hàng đầu tiên của Su-57?
Đầu tháng 11, Alexander Mikheev - người đứng đầu Rosoboronexport thông báo, Nga đã ký hợp đồng xuất khẩu máy bay chiến đấu Su-57 Felon cho một khách hàng nước ngoài.
Ngay sau tuyên bố này, làn sóng đồn đoán xuất hiện, tập trung vào việc ai sẽ trở thành quốc gia đầu tiên sở hữu loại máy bay thế hệ thứ năm này. Trong số các ứng viên, Algeria nổi lên như một cái tên sáng giá nhất, nhưng mọi thông tin vẫn chỉ dừng lại ở mức suy đoán.
Từ lâu, Algeria đã được coi là khách hàng tiềm năng của Su-57. Năm 2020, Tổng tham mưu trưởng quân đội Algeria Said Chengriha từng thực hiện chuyến thăm Nga để gặp gỡ Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Dmitry Shugayev.
Trong chuyến thăm, ông Chengriha được tặng một mô hình Su-57, đồng thời có cuộc thảo luận về khả năng mua sắm loại máy bay này. Khi đó, truyền thông đưa tin rằng Algeria có thể đặt mua 14 chiếc Su-57 với giá trị ước tính 2 tỷ USD.
Dù chưa có xác nhận chính thức, mối quan hệ hợp tác quân sự lâu dài giữa Algeria và Nga được coi là cơ sở vững chắc để hiện thực hóa thương vụ này.
Từ thời Chiến tranh Lạnh, Algeria đã dựa vào các thiết bị quân sự của Nga và hiện vẫn vận hành các dòng máy bay như Su-30 và MiG-29. Điều này giúp Algeria có cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm kỹ thuật cần thiết để tích hợp Su-57 vào đội hình không quân.
Ngoài ra, Algeria còn có động lực chiến lược rõ ràng. Nằm trong một khu vực căng thẳng tại Bắc Phi, Algeria luôn muốn duy trì ưu thế quân sự, đặc biệt trước Morocco - quốc gia đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ và Israel.
Su-57 với khả năng tàng hình và công nghệ chiến đấu tiên tiến sẽ là một lá bài chiến lược quan trọng giúp Algeria củng cố vị thế.
Những ứng viên khác: Trung Quốc, Iran và Ấn Độ
Mặc dù Algeria là cái tên được nhắc đến nhiều nhất, nhưng một số quốc gia khác cũng được xem xét. Trung Quốc từng được cho là ứng viên tiềm năng, tuy nhiên giả thuyết này nhanh chóng bị bác bỏ.
Với việc sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Chengdu J-20 và đang phát triển nguyên mẫu thế hệ thứ 6 "White Emperor", Trung Quốc hiện không cần phụ thuộc vào nhập khẩu từ Nga.
Iran, một đồng minh của Nga, cũng bày tỏ sự quan tâm đến Su-57. Tuy nhiên, quốc gia này đang chịu các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt, khiến việc tài trợ cho một thương vụ lớn như vậy trở nên khó khăn.
Ấn Độ, dù có lịch sử hợp tác quốc phòng lâu dài với Nga, nhưng đang dần chuyển hướng sang các nhà cung cấp phương Tây. Điều này khiến khả năng New Delhi trở thành khách hàng đầu tiên của Su-57 trở nên mờ nhạt.
Điểm mạnh của Su-57
Su-57 là dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 do Nga phát triển, được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ đa năng như tấn công mặt đất, phòng không và chiếm ưu thế trên không. Máy bay có chiều dài 19,8 m, sải cánh 14 m và trọng lượng cất cánh tối đa 35.000 kg.
Sức mạnh của Su-57 nằm ở khả năng tàng hình, tốc độ cao và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Máy bay được trang bị hai động cơ AL-41F1 với khả năng điều chỉnh lực đẩy và có thể đạt tốc độ tối đa 2.450 km/h (Mach 2) cùng phạm vi hoạt động 3.500 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Về khả năng chiến đấu, Su-57 tích hợp radar N036 "Belka" sử dụng công nghệ mảng quét điện tử chủ động (AESA), cho phép phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên không lẫn trên mặt đất. Máy bay cũng được trang bị hệ thống cảm biến hiện đại 101KS, bao gồm tìm kiếm hồng ngoại (IRST), đo khoảng cách laser và quan sát quang học.
Khoang vũ khí của Su-57 có thể mang nhiều loại tên lửa và bom dẫn đường, từ tên lửa không đối không R-77M đến các loại tên lửa không đối đất như Kh-59MK2, Kh-31 và Kh-35. Để duy trì khả năng tàng hình, vũ khí chủ yếu được cất giữ trong khoang bên trong, nhưng máy bay cũng có thể sử dụng các giá treo bên ngoài khi cần.
Dựa trên lịch sử hợp tác, năng lực tài chính và nhu cầu chiến lược, Algeria hiện được xem là khách hàng hợp lý nhất cho Su-57. Dù vậy, đến nay, Nga vẫn giữ kín danh tính quốc gia đầu tiên sở hữu dòng máy bay này.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ai-la-khach-hang-dau-tien-cua-su-57-169241125102341492.htm