Ai là người dịch tác phẩm 'Chinh phụ ngâm khúc' của Đặng Trần Côn?

Phan Huy Ích là em rể Ngô Thì Nhậm. Cùng với Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn, các ông đều là những danh sĩ, những nhà ngoại giao kiệt xuất ở triều Tây Sơn. Nhưng Phan Huy Ích không phải là người dịch CHINH PHỤ NGÂM KHÚC bản hiện đang lưu hành !

Phiên âm:

TÂN DIỄN “CHINH PHỤ NGÂM KHÚC”

THÀNH NGẪU THUẬT

Nhân Mục tiên sinh “Chinh phụ ngâm”,

Cao tình dật điệu bá từ lâm.

Cận lai khoái trá tương truyền tụng,

Đa hữu thôi xao vị diễn âm.

Vận luật hạt cùng văn mạch túy,

Thiên chương tu hướng nhạc thanh tầm.

Nhàn trung phiên dịch thành tân khúc,

Tự tín suy minh tác giả tâm.

Dịch nghĩa:

NGẪU NHIÊN THUẬT LẠI SAU KHI ĐÃ

DIỄN NÔM XONG “CHINH PHỤ NGÂM KHÚC”

Tiên sinh làng Nhân Mục làm ra tác phẩm “Chinh phụ ngâm khúc”,

Tình điệu cao siêu đã truyền bá ở chốn rừng văn.

Ai cũng truyền tụng, đều lấy làm khoái trá lắm,

Cũng đã có nhiều người ra sức gọt giũa diễn ra khúc ngâm.

Nhưng theo âm luật thì dịch sao hết được cái tinh túy trong mạch văn,

Vậy phải theo thiên chương mà hiệp với âm nhạc mà diễn ra mới được.

Nay nhân buổi nhàn (ta) đã dịch ra thành khúc mới,

Tự tin rằng đã làm sáng tỏ được cái tâm của tác giả (Đặng Trần Côn).

Dịch thơ

Đặng Trần Côn viết khúc ngâm,

Cao siêu tình điệu, Nho lâm rộng truyền.

Đọc thơ, ai cũng mê liền,

Nhiều người gọt giũa, dịch thiên khúc này.

Diễn sao cho hết điều hay,

Theo thiên chương, nhạc khúc này, mới ngoan.

Dịch ra khúc mới khi nhàn,

Tự tin đã tỏ tâm can người tài.

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Theo Đông Châu (Nguyễn Hữu Tiến), trong Nam Phong tạp chí số 106, thì có một người hậu duệ của họ Phan là Phan Huy Chiêm, đã dựa theo ghi chép trong gia phả họ Phan, gửi thư cho ông rằng bài thơ này được Phan Huy Ích làm khi hoàn thành diễn Nôm tác phẩm CHINH PHỤ NGÂM KHÚC (nguyên tác chữ Hán) của tác giả Đặng Trần Côn.

Bài này được một số học giả gần đây lấy làm bằng cớ để muốn chứng minh rằng bản dịch CHINH PHỤ NGÂM KHÚC hiện đang lưu hành là của Phan Huy Ích. Tuy nhiên, ý kiến này mới chỉ là một phán đoán, một cảm nhận chủ quan, không đủ chứng lý thuyết phục. Và họ cũng không chưng ra được bản dịch của Phan Huy Ích để so sánh đối chiếu với bản hiện hành của bà Đoàn Thị Điểm. Vậy mà đã có một số người vội vã tán đồng, làm dư luận xôn xao, loạn xạ cả lên. Đó là một việc chẳng hay ho gì. Chuyển ngữ tác phẩm CHINH PHỤ NGÂM KHÚC của Đặng Trần Côn, từ chữ Hán sang chữ Nôm, theo như lời Phan Huy Ích trong bài thơ này, cũng có không ít người đã làm (Đa hữu thôi xao vị diễn âm). Phan Huy Ích chỉ là một trong số những người đã chuyển ngữ Chinh phụ ngâm khúc của tác giả Đặng Trần Côn mà thôi. Dù vậy, bản hiện đang được lưu hành rộng rãi trong dân gian, từ xưa tới nay, vẫn được thừa nhận là của Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, một người phụ nữ hiền thục, nức tiếng tài giỏi văn chương đương thời.

Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm nổi tiếng văn chương, chính là vợ Tiến sĩ Nguyễn Kiều. Vợ cả Nguyễn Kiều mất sớm, đàn con còn nhỏ, bà Đoàn Thị Điểm nhận lời cầu hôn, tình nguyện làm vợ kế của ông Nguyễn Kiều. Cưới nhau xong thì Nguyễn Kiều nhận lệnh đi sứ sang nhà Thanh. Chuyến đi kéo dài 3 năm, cả đi lẫn về. Bà Điểm ở nhà thay chồng nuôi con, trông ngóng mòn đêm đợi chồng trở về.

Hoàn cảnh và tâm sự của Đoàn Thị Điểm có phần tương tự như hoàn cảnh và tâm sự của người chinh phụ trong khúc ngâm của Đặng Trần Côn. Tài năng kiệt xuất, cộng với tâm trạng đồng cảm sâu sắc, Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã chuyển ngữ tác phẩm chữ Hán của Đặng Trần Côn ra chữ Nôm bằng thể thơ song thất lục bát vô cùng uyển chuyển, thể hiện một tài năng nghệ sĩ rất tài hoa. Nó là gan ruột, là nước mắt xót đau dầm dề của chính người chuyển ngữ. Do vậy, sức lan tỏa của nó càng lớn. Thể thơ song thất lục bát uyển chuyển, mượt mà, nhạc điệu du dương. Cái hay trong sáng tạo, trở thành một kiệt tác văn chương, không hề thua kém Truyện Kiều của Nguyễn Du về nghệ thuật thơ ca. Và cũng phải nói thêm rằng, nếu không có THƠ NÔM NGUYỄN TRÃI, không có CHINH PHỤ NGÂM KHÚC của Đoàn Thị Điểm và CUNG OÁN NGÂM KHÚC của Nguyễn Gia Thiều, ra đời trước đó, thì chửa chắc đã có Truyện Kiều của Nguyễn Du sau này. Tài hoa của nhà giáo Đoàn Thị Điểm còn được kiểm chứng thêm rằng, bà là thầy dạy của một số tài năng, ví như ông Đào Duy Doãn(1726-?) quê Thường Tín, Hà Nội ngày nay. Đào Duy Doãn đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn, năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760), làm quan đến chức Hiến sát sứ.

TÓM LẠI, KHÔNG NÊN ĐỂ TÌNH TRẠNG MẬP MỜ NHƯ HIỆN NAY. CHẢ LẼ BẢN HIỆN HÀNH, LẠI LÀ CỦA ĐOÀN THỊ ĐIỂM VÀ PHAN HUY ÍCH CÙNG DỊCH HAY SAO?

Thêm nữa, ai đó làm cái bìa sách (ảnh trên) ghi là Đoàn Thị Điểm (Phan Huy Ích) như các bạn thấy đấy. Chả lẽ Đoàn Thị Điểm lại là Phan Huy Ích hay sao?

Nhà thơ, Nhà nghiên cứu Bình Lục

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/ai-la-nguoi-dich-tac-pham-chinh-phu-ngam-khuc-cua-dang-tran-con-a2599.html