Dặm dài năm tháng

Tôi ngang qua trường cũ trong một ngày vòm trời xám đục trong bàng bạc hơi sương. Cảnh vật đã không còn như xưa nữa. Chỉ có cây bàng nơi góc sân trường run run giơ những chiếc lá ối đỏ phơ phất vẫy trong gió lạnh.

Ngày tôi cầm quyết định về ngôi trường nằm giữa bốn bề là núi ấy cũng là một ngày mây xám bạc và gió bắt đầu hun hút bước vào mùa khô. Khi tôi đến nơi thì trời đã xâm xẩm tối. Bác bảo vệ chỉ cho tôi chỗ ở. Đó là một gian phòng thưng bằng ván gỗ, được ngăn ra từ một phần của lớp học.

Minh họa: NGUYỄN VĂN CHUNG

Minh họa: NGUYỄN VĂN CHUNG

Nhìn bao quát toàn bộ không gian, cả 4 phòng học đều được thưng bằng ván gỗ. Các phòng học nằm lọt thỏm giữa khoảng sân đất rất rộng, chỉ có khu hiệu bộ là nhà xây, nhưng cũ kỹ, các bức tường nhuốm màu bazan đỏ quạch. Vài bồn cây được quây tròn bằng những viên gạch, quanh bồn được trồng vài loài hoa thân thuộc. Cảnh vật vắng vẻ, mang nét đặc trưng của đời sống có phần bình lặng ở chốn non cao.

Tôi bắt đầu những bài giảng đầu tiên của cuộc đời nhà giáo ở một nơi, theo cảm nhận của tôi lúc ấy, có vẻ như tách biệt hẳn cuộc sống sôi động nơi phố thị. Ngôi trường đầu tiên tôi đến dạy, 100% học sinh là người Jrai, có những em nói tiếng phổ thông còn chưa lưu loát.

Tôi thích nhìn thật sâu vào những đôi mắt trẻ thơ ấy. Những đôi mắt trẻ con giữa chốn núi rừng ấy thăm thẳm, hun hút, đầy bí ẩn dưới làn mi đen dày. Tôi có thể ngồi hàng giờ để nhìn ngắm những đôi mắt như thế. Chúng đã cuốn tôi vào những bài giảng giữa bốn bề núi đồi tịch mịch.

Đầu mùa khô, gió quẩn lên mang theo hơi lạnh. Những đêm vắng trong căn phòng nhỏ một mình, gió lùa qua khe hở giữa những tấm ván buốt lạnh, nỗi nhớ nhà dâng ngập. May mắn thay, những đứa trẻ thật thân thiện. Biết cô giáo nhớ nhà, buổi tối, chúng rủ nhau ra chơi với cô. Các em mang theo cả sách vở để nhờ cô chỉ cách làm bài tập. Những đứa trẻ đi học muộn hơn so với tuổi nên giữa cô và trò gần như không có khoảng cách.

Cho đến bây giờ, sau mấy chục năm gắn bó với bục giảng, lòng tôi vẫn tràn đầy sự biết ơn những năm tháng đầu đời nhà giáo ấy. Từ một đứa trẻ lớn lên nơi phố thị, lo học hành rồi đi làm, tôi gần như thiếu những trải nghiệm thực tế cuộc sống. Tây Nguyên với tôi, cứ vời vợi trong trí tưởng tượng, xa ngái, mơ hồ. Cho tới khi tôi đến với ngôi làng nhỏ nằm ẩn mình bên chân núi ấy, tôi mới thực sự dấn thân vào một đời sống ngồn ngộn hơi thở của xứ bazan.

Những buổi chiều không có giờ lên lớp, đám trẻ rủ tôi lên núi thả bò, hái nấm mối, lấy măng, lấy củi; lên nương rẫy hoặc lội suối bắt cua cá... Lúc đó, tôi mới cảm nhận được một đời sống gắn với núi, với rừng, một đời sống thực sự an nhiên tự tại giữa thiên nhiên.

Con người sống nương nhờ vào rừng, vào đất đai sông suối và gìn giữ cái nơi nương nhờ ấy rất cẩn thận. Đào lấy một gốc măng, đám trẻ sẽ lấp đầy đất vào cái lỗ hổng vừa lấy đi cây măng ấy, để cây mẹ tiếp tục sinh trưởng. Lấy đi đám nấm mối, chúng sẽ đem lá mục vun đầy vào chỗ cũ để mùa sau nấm có thể sinh sôi. Người làng vào rừng chỉ lấy những cành khô rất nhỏ để mang về… Những bài học về cách sống hòa mình, thuận với tự nhiên, khi ấy mới thực sự thấm vào tôi. Sau này theo tôi vào những bài giảng.

Những năm tháng ấy, tôi cũng đã được tham dự khá nhiều lễ hội của làng. Tôi được cùng các trò nữ tắm ở giọt nước mát lạnh ven làng; được khoác lên mình bộ váy thổ cẩm do các mẹ các chị tự tay dệt may; được hòa vào vòng xoang mê đắm cùng hơi men rượu cần ủ ngấu, lâng lâng bay bổng trong những đêm hội vang rộn nhịp chiêng.

Tôi gần như không còn cảm giác mình là kẻ “ngụ cư” trong đời sống ấy, mà đã trở thành một đứa con thực thụ của làng. Từ một người tò mò, háo hức, lạ lẫm, đến từ một nơi xa lạ, tôi dần hòa nhập và cảm nhận được niềm hạnh phúc bình dị nhưng thật sự an vui.

Tôi không muốn nhắc đến sự chia tay những tháng ngày ấy đã diễn ra như thế nào. Nhưng giờ đây, những buổi chiều, tôi hay ngước nhìn về phía đỉnh núi mờ xa. Những đứa trẻ của tôi bây giờ đã trưởng thành, có những đứa cũng đã rời xa ngôi làng nằm khuất sâu trong núi. Có những đứa được đi học, rồi trở về công tác tại nơi mình đã sinh ra. Cuộc đời cứ thế tiếp nối như một vòng tròn luân chuyển.

Trên những dặm dài tháng năm, tôi mải mê với những công việc đã định hình và những phác thảo trong tương lai. Nhưng ngoái nhìn lại ngày hôm qua, tôi đã có thể mỉm cười. Ngày hôm qua, tôi đã sống với tất cả chất men của tuổi trẻ, đắm say, rực rỡ.

Tôi ngồi xuống ghế đá dưới gốc bàng nơi sân trường vắng. Trên chiếc ghế đá có dòng chữ ghi thông tin lưu niệm. Người ta có rất nhiều cách để ghi lại những điều đáng nhớ trong cuộc đời này. Tôi chọn cách lặng lẽ ghi thật sâu đậm vào trong tim mình.

ĐÀO AN DUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/dam-dai-nam-thang-post301040.html