Ai là 'vua' cà phê xuất khẩu của Việt Nam?

Niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,7 triệu tấn, giá trị xuất khẩu thu về 4,1 tỉ USD.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,7 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 3,4% lên mức 4,1 tỉ USD nhờ giá tăng cao. Giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.

Xét theo loại có thể thấy cà phê xuất khẩu chủ yếu vẫn dòng Robusta với 1,49 triệu tấn, giá trị trên 3,2 tỉ USD, còn cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 41.500 tấn, giá trị 169 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein 36.000 tấn, kim ngạch 136 triệu USD.

Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), giá trị xuất khẩu khoảng 510 triệu USD (khối lượng chiếm khoảng 5,4% và kim ngạch chiếm khoảng 12,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2022- 2023).

Tính riêng về xuất khẩu cà phê nhân sống thì 10 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống trong niên vụ cà phê 2022-2023 là: Intimex HCM, Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Intimex Mỹ Phước, Louis Dreyfus Việt Nam, NKG Việt Nam, Phúc Sinh, Tuấn Lộc Commodities, Giao dịch Hàng hóa Tây Nguyên và Olam Việt Nam.

 Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân Việt Nam niên vụ 2022-2023. (Nguồn: VICOFA)

Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân Việt Nam niên vụ 2022-2023. (Nguồn: VICOFA)

Cụ thể đứng đầu top các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân Việt Nam là Công ty Intimex HCM hiện đổi tên là Công ty CP Tập đoàn Intimex do ông Đỗ Hà Nam làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, với sản lượng xuất khẩu hơn 148.500 tấn, giá trị hơn 318 triệu USD.

Đứng thứ hai là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với lượng xuất khẩu hơn 120.500 tấn, giá trị thu về hơn 244 triệu USD. Thứ ba là Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk với gần 92.000 tấn cà phê nhân xuất khẩu, giá trị khoảng 219 triệu USD.

 Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, có thể thấy chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với 1,49 triệu tấn, giá trị trên 3,2 tỉ USD.

Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, có thể thấy chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với 1,49 triệu tấn, giá trị trên 3,2 tỉ USD.

Về cà phê rang xay hòa tan thì 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu tính theo kim ngạch có thể kể đến là: Outspan Việt Nam, Cà phê Ngon, Nestlé Việt Nam, Tập đoàn Trung Nguyên, Tata Coffee Việt Nam, URC Việt Nam, Lựa chọn đỉnh, Instanta Việt Nam, Iguacu Việt Nam và Sucafina Việt Nam.

 Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan trong niên vụ cà phê 2022-2023. (Nguồn: VICOFA)

Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan trong niên vụ cà phê 2022-2023. (Nguồn: VICOFA)

Đứng đầu xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan là Outspan Việt Nam, đây là công ty con của tập đoàn nông sản hàng đầu thế giới OLAM với lượng xuất khẩu hơn 17.500 tấn, giá trị hơn 100 triệu USD.

Công ty TNHH Cà phê Ngon (Ấn Độ) đứng thứ hai với khoảng 14.900 tấn, hơn 79 triệu USD. Thứ ba là công ty TNHH Nestle Việt Nam (Mỹ) với hơn 9.200 tấn cà phê rang xay hòa tan xuất khẩu, giá trị gần 75 triệu USD.

Chi nhánh Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên – Nhà máy Cà phê Sài Gòn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên, được mệnh danh là “ông vua” cà phê Việt chỉ xếp vị trí thứ 4. Lượng cà phê rang xay hòa tan của công ty này là hơn 14.700 tấn, giá trị thu về trong niên vụ vừa qua là gần 74,6 triệu USD.

Về thị trường xuất khẩu, Đức vẫn là thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam, Ý đứng thứ 2, Mỹ xếp thứ 3.

Nguồn PLO: https://plo.vn/ai-la-vua-ca-phe-xuat-khau-cua-viet-nam-post761106.html