Ai làm nên sai phạm tại tòa nhà câu lạc bộ sân golf Đồi Cù?
Những vi phạm trật tự xây dựng tại dự án xây dựng tòa nhà câu lạc bộ sân golf Đồi Cù (TP Đà Lạt) trong thời gian dài, không được xử lý dứt điểm ngay từ đầu. Hậu quả về phía cơ quan quản lý sẽ mất nhiều thời gian xử lý, bị kiểm điểm trách nhiệm, phía doanh nghiệp cũng chịu những thiệt hại bởi các vi phạm quy định của pháp luật.
Theo hồ sơ dự án, ngày 8-8-1991, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp giấy phép đầu tư số 222/GP cho phép thành lập Công ty Liên doanh Dalat Resort Incorporation (Công ty RDI) để xây dựng, nâng cấp sân gofl 18 lỗ (Đồi Cù).
Trong giấy phép thành lập, dự án được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Hoàn thành sân golf 18 lỗ. Giai đoạn 2: Xây dựng nhà câu lạc bộ gồm bộ phận đón tiếp, nhà phụ trợ.
Sau các lần điều chỉnh chứng nhận đầu tư, ngày 15-6-2022, Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận điều chỉnh lần thứ 10 cho Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL, bổ sung công trình tòa nhà câu lạc bộ golf trong sân golf Đồi Cù.
Được biết, tháng 8-2021, ông Trần Văn Hiệp (khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – hiện đã bị khởi tố, bắt giam) đã ký văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL xây dựng tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù Đà Lạt có diện tích 6.120m2, chấp thuận cho chủ đầu tư sử dụng 3.900m2 làm bãi đỗ xe.
Khi dự án xây dựng tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù Đà Lạt đang ở giai đoạn chấp thuận “chủ trương” của UBND tỉnh Lâm Đồng, hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư (thủ tục về đầu tư, xây dựng, đất đai…) chưa thực hiện xong theo quy định pháp luật hiện hành thì Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL đã đầu tư, xây dựng nhiều hạng mục với quy mô lớn.
Ngoài cơ sở pháp lý là văn bản chấp thuận chủ trương của chủ tịch tỉnh, ngày 12-1-2023, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng tiếp tục cấp giấy phép xây dựng cho tòa nhà câu lạc bộ golf với diện tích hơn 2.600m2. Tuy nhiên, từ năm 2022 chủ đầu tư đã cho xây dựng các khối công trình lớn bên trong.
Cơ quan chức năng xác định, nơi đây đã hình thành 3 khối công trình xây dựng không phép, sai phép với tổng diện tích 23.700m2 (riêng giấy phép Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp trước đó đã được thu hồi vào ngày 29-5-2024 sau khi xác định công trình xây dựng tại đây sai phép).
Liên quan đến hạng mục xây dựng, tổ hợp tòa nhà câu lạc bộ golf đồi Cù cũng xây dựng trên đất chưa được cơ quan có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, tại 3 khối công trình xây dựng trên đất rừng với tổng diện tích vi phạm là hơn 4.631m2. Thời điểm xây dựng các công trình tại Đồi Cù, khu vực đất vẫn nằm trong phạm vi rừng nội ô Đà Lạt.
Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng ghi nhận trong lần điều chỉnh thứ 10 vào ngày 15-6-2022, Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL có bổ sung công trình tòa nhà câu lạc bộ golf với tổng diện tích 15.670m², trong đó có 5.629m² đất rừng phòng hộ. Từ đề xuất của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nghị quyết cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với khu vực trên (Nghị quyết số 160/NQ-HĐND, tháng 12-2022).
Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng thừa nhận đã có sơ suất khi trước đây đề xuất chuyển mục đích sử dụng hơn 5.600m² đất rừng phòng hộ mà không rà soát đến quy định tại Nghị định số 52/2020-NĐ-CP (không được phép sử dụng cho mục đích xây dựng sân golf).
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng vi phạm trong lĩnh vực đầu tư khi xây dựng công trình chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009. Cụ thể, tại khoản 7, điều 19, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 quy định trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao.
Với cụm công trình xây dựng không phép cũng được xây dựng tại vị trí thuộc khu vực II, thuộc danh lam thắng cảnh hồ Xuân Hương khi chưa có ý kiến bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (quy định tại điểm 3, khoản 13, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009).
Ngoài ra, chủ đầu tư xây dựng công trình vi phạm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo điều tra của Báo SGGP, dù công trình vi phạm có quy mô xây dựng lớn do chưa hoàn tất các hồ sơ pháp lý, xảy ra ngay tại trung tâm TP Đà Lạt, đối diện trụ sở UBND TP Đà Lạt, Thành ủy Đà Lạt... nhưng phải đến ngày 25-4-2023, UBND phường 1, TP Đà Lạt mới phát hiện vụ việc và lập biên bản kiểm tra hiện trường, đề nghị đình chỉ thi công.
Và, phải đến ngày 4-1-2024, UBND TP Đà Lạt mới ra các quyết định xử phạt hành chính tổng cộng 240 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL về hành vi xây dựng không phép và sai phép đối với cụm công trình trong Đồi Cù.
Đến khi các ông Trần Đức Quận, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng và ông Trần Văn Hiệp, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng bị khởi tố, xử lý hình sự liên quan đến một dự án khác, chính quyền tỉnh Lâm Đồng bắt đầu khẩn trương xử lý sai phạm tại tòa nhà câu lạc bộ golf Đồi Cù.
Sau nhiều lần kiểm tra, rà soát, gia hạn buộc khắc phục hậu quả, ngày 17-7, UBND TP Đà Lạt huy động lực lượng phối hợp cưỡng chế, tuy nhiên thời điểm trên, các cơ quan tòa án đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: “Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản tranh chấp” (sau đó gỡ bỏ).
Đến nay, hiện trạng tại tòa nhà câu lạc bộ golf trong Đồi Cù – Đà Lạt vẫn giữ nguyên để chờ các phán quyết của cơ quan chức năng.
Theo ông Trần Quốc Hùng, Phó Giám đốc Công ty Hoàng Gia ĐL, để xảy ra sai phạm tại công trình này thứ nhất, trên cơ sở các giấy phép thành lập dự án, văn bản chấp thuận chủ trương với chỉ tiêu xây dựng cụ thể, giấy phép xây dựng, chủ đầu tư đã tiến hành xây dựng công trình ngay để tranh thủ nguồn vốn tài trợ cho dự án. Thứ hai, tiền thuê đất tại sân golf Đồi Cù đang áp giá gần 140 tỷ đồng/năm, trong khi doanh thu từ trước đến nay chưa năm nào đạt 30 tỷ đồng/năm. Nếu không đầu tư công trình thì hoạt động sân golf sẽ thua lỗ kéo dài...
Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Lâm Đồng mới đây đã thống nhất đưa vụ việc liên quan đến các nội dung sai phạm tại công trình dự án xây dựng tòa nhà câu lạc bộ golf trong sân golf Đồi Cù, TP Đà Lạt vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết theo quy định.
UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đang giao các đơn vị rà soát các hồ sơ, thủ tục đất đai, tài chính, xây dựng,… liên quan đến sai phạm của Công ty Cổ phần Hoàng Gia ĐL để tham mưu, đề xuất xử lý theo quy định.